Ðô thị hóa nông thôn phải gắn liền với bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp
Các Website khác - 27/02/2006
Cần bổ sung vào Dự thảo ý sau "thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn phù hợp điều kiện từng vùng theo một quy hoạch được xây dựng trên cơ sở khảo sát, điều tra trên thực địa từng vùng, hết sức chú trọng bảo tồn và tôn tạo những di sản văn hóa vật thể truyền thống dân tộc, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, từng địa phương".
Ðối với nước ta, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt.

Bám sát đặc điểm tình hình và trên cơ sở những chuyển biến đã và đang diễn ra ở khắp các vùng nông thôn rộng lớn của đất nước, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng đã đưa ra những định hướng chiến lược, có định lượng nhằm mục tiêu, hiệu quả phải đạt được với những mô hình, chuyển dịch cơ cấu, cơ chế vận hành... phù hợp bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Dự thảo còn phải tiếp tục bổ sung, nhưng đã gợi lên rõ nét bức tranh toàn cảnh khá ấn tượng và hiện thực.

Dự thảo Báo cáo Chính trị đã thu thập, phân tích các loại thông tin từ thực tiễn sinh động của cuộc sống để trình Ðại hội ra quyết định. Chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng Nghị quyết Ðại hội lần thứ X sẽ hợp lòng dân. Chúng ta tiến hành CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện số dân nước ta phần lớn là sống ở nông thôn, là người sản xuất nhỏ, cá thể, còn mang nặng tư tưởng của tầng lớp tiểu nông, như cục bộ, bản vị, địa phương, thủ cựu... và còn thấm sâu những tàn dư lỗi thời của chế độ phong kiến. Ðây là sức cản lớn đến việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống nhằm đẩy mạnh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Cho nên, cần đưa vào Dự thảo vấn đề giáo dục chính trị, tư tưởng, cụ thể là "Chú trọng nâng cao giác ngộ chính trị, đổi mới nhận thức, quán triệt đường lối quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng, đồng thời xây dựng, xác lập tư tưởng cộng đồng, tập thể đi đôi với đấu tranh chống mọi biểu hiện của tư tưởng tiểu nông, những tàn dư phong kiến lỗi thời".

Dự thảo Báo cáo nêu "...thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn phù hợp với điều kiện từng vùng".

Việc đô thị hóa và xây dựng nhà cửa ở nông thôn đã và đang diễn ra một cách tự phát, thiếu quy hoạch phù hợp điều kiện từng vùng, từng địa phương dễ dẫn đến làm mai một các di sản văn hóa vật thể truyền thống dân tộc, như: các đình, chùa cổ kính có nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, những cây cổ thụ, những lũy tre làng thắm đượm hồn quê, những ngôi nhà cổ, những ngôi mộ lâu đời, v.v. Ðây là điều đáng lo ngại, cho nên cần bổ sung vào Dự thảo ý sau "thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn phù hợp điều kiện từng vùng theo một quy hoạch được xây dựng trên cơ sở khảo sát, điều tra trên thực địa từng vùng, hết sức chú trọng bảo tồn và tôn tạo những di sản văn hóa vật thể truyền thống dân tộc, mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng, từng địa phương".

NGUYỄN ÐỨC CANG
(20B, Nguyễn Thị Minh Khai,
Quận 1, TP Hồ Chí Minh)