Nhưng, vào lúc sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử đã tạo thành nền tảng vững chắc cho toàn dân Việt Nam quyết tâm phấn đấu vì tương lai, thì trên một số diễn đàn internet của người Việt ở hải ngoại cùng một vài trang web có nguồn gốc từ nước ngoài, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự nghiệp đổi mới được một số người tung ra, bất chấp lẽ phải, bất chấp khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của hơn 80 triệu con người Việt Nam. Các luận điệu tuyên truyền trên còn được một số người tự xưng là "đại diện phong trào dân chủ" ở trong nước hăng hái phụ họa. Họ bấu víu vào chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền", cố làm rối ren, gây khó khăn, cản trở sự phát triển, nhằm phục vụ cho các mưu đồ, tham vọng chính trị thâm độc của những người đang hằn học, âm ỉ lòng thù hận một nước Việt Nam đổi mới.
Dù chưa hẳn là thiện chí, song việc các cơ quan thông tấn nước ngoài công bố các thông tin: "Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tạo ấn tượng, ở mức khoảng 7 - 8% trong hai năm 2006 - 2007. Khu vực dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ, tài chính và viễn thông, sẽ tiếp tục phát triển" (bbc.co.uk, 15.3.2006), "Phúc trình mới nhất (phúc trình của Công ty khảo sát thị trường Business Monitor International, viết tắt BMI-TQH) bày tỏ niềm tin rằng mức tăng trưởng 7,5% - 8% của Việt Nam có thể duy trì ít nhất đến 2010... Thâm hụt ngân sách, theo BMI, đã giảm từ 7,2% của tổng GDP năm 2003 xuống còn 5% vào năm ngoái. Việt Nam đang ở trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Năm 2005, khu vực nông nghiệp chỉ tăng 4%, trong lúc khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng 10,6% và 8,5%. Theo số liệu của BMI, hai khu vực này chiếm 80% nền kinh tế Việt Nam hiện nay, trong lúc nông nghiệp chỉ còn chiếm 20%..." (bbc.co.uk, 30.3.2006) đã không làm người ta áy náy, bởi cái nhìn tăm tối có nguồn gốc từ trái tim tăm tối đã không đưa tới cho người ta bản lĩnh và liêm sỉ để nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận sự thật, mà chỉ loanh quanh với những lời vu cáo, những thông tin bóp méo... Và bất cứ thành tựu nào, bất cứ tiếng nói có lương tri của bất kỳ cá nhân nào trước thành tựu ấy cũng trở thành mục tiêu, trở thành "đích ngắm" để người ta lăng mạ,...
Trong các "chiến dịch" triển khai rùm beng, trong các đề tài lặp đi lặp lại, trong các bài viết đăng đi đăng lại nhiều lần từ trang web này đến trang web khác nhằm tạo ấn tượng về số lượng ý kiến đông đảo..., vấn đề "định hướng xã hội chủ nghĩa" trở thành một tâm điểm mà ở đó, nhân danh "lý luận", nhân danh "khoa học", nhân danh sự lo lắng cho tương lai, người ta liên tục bài bác, phủ nhận coi đây là sự "không tưởng", là đi ngược xu hướng tiến bộ, là sự áp đặt khiên cưỡng của Ðảng Cộng sản Việt Nam lên dân tộc (!) Thậm chí họ còn bịa tạc, suy diễn thiển cận coi định hướng XHCN: "chỉ mang ý nghĩa thuần túy quyền lực", "bản chất thực của định hướng XHCN là bảo vệ độc quyền kinh tế và đặc quyền chính trị của đảng cầm quyền..." (!) Nghĩa là vấn đề định hướng XHCN trở thành một trọng tâm đã và đang bị các thế lực thù địch ráo riết chống phá, qua đó tiến công vào nền tảng tư tưởng, vào thành quả cách mạng của Ðảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Diễn biến theo thời gian, đây không phải là hiện tượng mới mẻ, nhưng trong cuộc "chiến tranh thông tin kiểu mới" với các phương tiện, thủ đoạn tinh vi, có khả năng đầu độc và mê hoặc... do các thế lực thù địch, cơ hội tiến hành, các luận điệu trên có thể làm cho một số người không am hiểu tình hình đất nước dễ hoang mang, lo lắng.
Ở thế kỷ trước, khi bàn tới các giá trị đã làm nên sự "nổi trội" của các chế độ xã hội trong lịch sử loài người, nhà nhân loại học người Pháp, M. Godelier nhận xét đại ý: cái nổi bật trong xã hội Hy Lạp cổ đại là chính trị; cái nổi trội trong xã hội trung cổ là tôn giáo; trong xã hội tư bản là kinh tế; trong chủ nghĩa xã hội sẽ là văn hóa. Từ góc nhìn nhân loại học, M. Godelier đã chỉ ra tính nhận diện đặc thù của các chế độ xã hội, tuy nhiên muốn nắm bắt được căn nguyên của tính nhận diện đặc thù ấy, cần phải tìm hiểu bản chất, tính quy luật của sự lựa chọn xu hướng phát triển của các chế độ xã hội mà M. Godelier đã đề cập. Trước hết cần thấy rằng, mọi chế độ xã hội trong lịch sử loài người từ hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ đến hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, đều tồn tại một tình thế bất khả kháng là sự chênh lệch đến mức đối lập về quyền lợi giữa những tập đoàn người trong việc xác lập quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Ðiều này quyết định về bản chất, các xã hội từ Hy Lạp cổ đại đến chủ nghĩa tư bản là các xã hội có giai cấp và áp bức giai cấp. Tình thế đó cũng đẩy tới việc chính trị - với tư cách là toàn bộ "các hoạt động có liên quan đến các mối liên hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, giữa các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi là vấn đề dành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước" - luôn giữ vai trò quyết định đối với sự vận hành của mỗi chế độ xã hội. Nó không chỉ quyết định bản chất mà còn quyết định cả chiều hướng phát triển. Vấn đề là nền chính trị ấy có đủ sự sâu sắc, tính khoa học, tỉnh táo và bản lĩnh hay không.
Biện chứng của quan hệ trên đây thể hiện qua việc mỗi nền chính trị đều lựa chọn từ các giá trị cần hướng tới của xã hội, đâu là giá trị có tính định hướng, sự định hướng giá trị này sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc xác lập toàn bộ tiến trình, hành động, nguyên tắc vận hành... để xã hội không vận hành ra ngoài quỹ đạo, phải cảnh giác trước các nguy cơ đẩy tới sự "chệch hướng". Tuy nhiên sự lựa chọn nói trên luôn luôn phụ thuộc vào năng lực nhận thức của con người đối với các quy luật phát triển tất yếu, khách quan của xã hội. Nói cách khác, là cần tìm hiểu xem câu trả lời dựa trên nền tảng "trình độ tư duy tự phát" hay "trình độ tư duy tự giác". Trong lịch sử các nhà nước tư bản, chưa bao giờ sự "lên ngôi" của một đảng phái tư sản lại làm cho xã hội đi chệch ra ngoài quỹ đạo đã được hoạch định. Cũng tức là những người vô sản và nhân dân lao động chưa bao giờ có điều kiện để trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội.
Mặt khác, cần nhấn mạnh rằng trong thế giới hiện đại, việc "bị" đồng nhất hóa về kinh tế, đồng nhất về văn hóa tiến tới "bị" đồng nhất hóa về chính trị là khả năng luôn có thể xảy ra. Không ngẫu nhiên yêu cầu "độc lập trong liên lập" lại trở thành một trong các nguyên tắc sống còn của mọi quốc gia - dân tộc nếu muốn tìm lời giải cho bài toán hội nhập cùng nhân loại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy các đặc trưng đã tạo dựng nên diện mạo của mình. Trong bối cảnh ấy, định hướng một cách tự giác về chiến lược phát triển là đòi hỏi bức thiết hàng đầu. Cũng tức là, phát triển một cách hư vô, phát triển không có định hướng, không mang tính mục đích... là "phát triển tự sát".
Phớt lờ hay cố tình phớt lờ các nguyên tắc sống còn đó, những người núp dưới chiêu bài "dân chủ" đang cố đưa ra các "phân tích khoa học" để bác bỏ định hướng XHCN ở Việt Nam. Họ cố tình không nhận ra một thực tế là Ðảng và Nhà nước ta đang khuyến khích mọi người làm giàu chân chính, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy toàn bộ tiềm năng của mình. Song, liệu sẽ có ý nghĩa gì khi điều đó làm cho phân hóa giàu nghèo trở nên sâu sắc hơn? Không có sự điều tiết của nhà nước, đa số nhân dân sẽ nhận được gì? Làm giàu và cùng hướng tới mục tiêu chung, làm giàu cho mình và hỗ trợ mọi người cùng làm giàu, đó là sự khác nhau về bản chất giữa định hướng XHCN với các "xu hướng" mà những thế lực thù địch và chống đối đang ra sức cổ vũ. Phải chăng, họ đang nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành các "chính khách mị dân, diễn tuồng chính trị trên lưng người lao động"? Thật lố bịch khi những người chưa đóng góp gì cho đất nước này, dân tộc này mà không thấy xấu hổ khi từ hải ngoại nói vọng về để dạy dỗ nhân dân ta phải làm gì. Thật nực cười khi có những người mà nhờ Ðảng, nhờ dân tộc mới được là chính mình mà ngày nay lại quay lưng phủ nhận những điều nếu không có chúng sẽ không có họ. Trong xã hội, có nhiều kiểu loại đầu cơ, nhưng đầu cơ trên lưng đồng bào mình có lẽ là thứ đầu cơ xấu xa nhất!
Ðối với Việt Nam, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội đã chứng tỏ tính đúng đắn qua vai trò định hướng con đường phát triển xuyên suốt hơn 76 năm cách mạng từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ðộc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã tập hợp, huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn dân giành độc lập, tiến hành các cuộc kháng chiến, đánh thắng những đế quốc xâm lược có sức mạnh quân sự, kinh tế vượt trội gấp nhiều lần, từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội mới và đang tiến hành đổi mới thắng lợi. Với tính cách toàn diện của sự nghiệp đổi mới, chúng ta khẳng định con đường chúng ta lựa chọn là kết quả của sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, là sự kế tục tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới của toàn cầu hóa cần phải chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Không có ý nghĩa nào khác, định hướng XHCN chính là sự chỉ hướng, đồng thời cũng là con đường nhằm đạt tới mục tiêu mà chúng ta mong muốn đem tới cho mọi người. Như vậy về lý luận, thực tiễn, định hướng xã hội chủ nghĩa là dựa trên và xuất phát từ cơ sở hiện thực, nó chuyển tải trong đó các khát vọng của bất kỳ người dân Việt Nam nào có lương tri, và chỉ có những ai thiếu thiện chí, thiếu lương tri mới cố tình xuyên tạc, bóp méo. Có thể đặt ra những câu hỏi rằng: Chẳng lẽ những người đang bác bỏ định hướng XHCN, đang tỏ ra "lo lắng" cho đất nước lại không mong muốn đất nước này, dân tộc này một cuộc sống "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"? Chẳng lẽ họ không thấy những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (năm 1991) chính là các đặc trưng cơ bản của một xã hội mới, không chỉ dân tộc ta đã và đang nỗ lực xây dựng, phấn đấu đạt tới mà nhiều quốc gia dân tộc khác trong thế giới hiện đại cũng đang mong mỏi hay sao? Chẳng lẽ trong khi khua chiêng gióng trống "đấu tranh cho dân chủ", họ lại quay lưng với sự thật là đổi mới đã và đang là động lực "máu thịt" của mọi người Việt Nam? Các câu hỏi, tự chúng cho phép nhận diện thâm ý và động cơ thật sự của những người đang lớn tiếng phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Vượt qua hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ với những chiến thắng vĩ đại, chúng ta đồng thời cũng phải mang trên mình những vết thương không dễ hàn gắn trong một sớm, một chiều. Một nền kinh tế kiệt quệ, một đất nước bị tàn phá, nhiều thế hệ thanh niên ưu tú ngã xuống trên chiến trường, hàng triệu nạn nhân chiến tranh, sự thù nghịch và hàng chục năm cấm vận, cùng với đó sự đeo bám dai dẳng của tập quán, của lối suy nghĩ tiểu nông tư hữu, của sản xuất nhỏ, đặc biệt là sự tồn tại của tư duy chủ quan, duy ý chí và quá "say sưa chiến thắng" trong khi hoạch định các kế hoạch phục hồi và phát triển... Tất cả đã tạo nên một "sức ì", một sự trì trệ mà đến Ðại hội lần thứ VI, Ðảng ta đã rút ra những bài học quý giá để chấn hưng và phát triển đất nước trong một thế giới đã chứa đựng nhiều biến động so với những năm tháng chúng ta giành độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa VI), lần đầu tiên khái niệm "định hướng XHCN" được đặt ra, khái niệm đó tiếp tục được tổng kết về mặt thực tiễn, nghiên cứu về mặt lý luận, từng bước hoàn thiện về nội hàm trong các Văn kiện Ðại hội Ðảng, trong các Nghị quyết Hội nghị Trung ương các khóa tiếp theo. Là một khái niệm mới, nhưng mang tính hiện thực, trong điều kiện "vừa học, vừa làm, vừa tổng kết, vừa suy nghĩ", định hướng xã hội chủ nghĩa đang từng bước thể hiện tính đúng đắn qua các thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các thành tựu ấy là bằng chứng cụ thể, thuyết phục, chứng minh định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đối với dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21.
Khẳng định con đường đi lên CNXH, chúng ta cũng nhận thức một cách rõ ràng và đầy đủ đây là một quá trình bao gồm nhiều bước đi kế tiếp nhau, luôn phải chịu những tác động hết sức phức tạp từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, trong đó nổi bật và quan trọng nhất là khả năng đoạn tuyệt với lối tư duy khuôn sáo, máy móc về kế họach hóa tập trung, về sự "bao cấp"... vốn không còn thích hợp để không chỉ làm quen, mà còn phải triển khai trong thực tế để giải quyết các vấn đề cơ bản của quan hệ giữa kinh tế thị trường với các giá trị của chủ nghĩa xã hội và nhà nước pháp quyền XHCN... nhằm đáp ứng các đòi hỏi của cuộc sống. Vấn đề không chỉ là hành động mà còn là mục đích chúng ta hướng tới. Thử hỏi những người đang ra rả phê phán định hướng XHCN sẽ định đưa dân tộc đến đâu nếu họ phê phán mục đích lành mạnh mà định hướng XHCN cố gắng đạt tới là xã hội phát triển, phồn vinh, công bằng và văn minh, một trình độ tiến bộ mới trong mối liên hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường. Và nổi lên trong đó là yêu cầu về tính nhân văn cũng cháy bỏng không kém khát vọng phát triển để khắc phục đói nghèo, làm cho nước mạnh, dân giàu, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Sự nghiệp đổi mới của chúng ta đang đứng trước nhiều thuận lợi song cũng đan xen không ít thách thức nếu không tiếp tục xây dựng, củng cố một bản lĩnh chính trị vững vàng, một quyết tâm, một lòng kiên trì, nếu không có sự tỉnh táo văn hóa cần thiết, chúng ta sẽ không thể vượt qua. Xây dựng xã hội mới là công việc của nhiều thế hệ, của nhiều triệu con người. Niềm tin và sự đồng thuận đã giúp chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để giành lại nền độc lập. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, niềm tin và sự đồng thuận sẽ tiếp tục nâng bước dân tộc ta trên con đường phấn đấu vì mục tiêu cao đẹp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, để lập nên những thành tựu mới, xây dựng một nước Việt Nam XHCN phồn vinh. Ðó cũng là câu trả lời đích đáng với những ai đang cố tình cản trở con đường đi lên của dân tộc Việt Nam.
|