Trách nhiệm với sai lầm
Các Website khác - 11/11/2005
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Trách nhiệm với sai lầm

Lưu Quang
Trong vụ việc giải quyết đền bù cho 42 hộ dân dưới chân cầu Thủ Thiêm, giữa UBND thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và Bộ Tài nguyên - Môi trường (BTNMT) đã bộc lộ những bất đồng sâu sắc về quan điểm. BTNMT không đồng ý coi là dân lấn chiếm đất, và đề nghị phải có chính sách đền bù thoả đáng chứ không chỉ là hỗ trợ. Trong khi đó, TPHCM lại cho rằng các hộ dân này thực sự đã lấn chiếm đất. Và một khi đã lấn chiếm thì có nghĩa là có lỗi, mà đã có lỗi thì dĩ nhiên không được bồi thường. Quan điểm của lãnh đạo TPHCM rất kiên quyết, bởi có lẽ họ lo rằng nếu giải quyết cho 42 hộ dân này thì sẽ giải quyết ra sao với hàng chục, hàng trăm hộ dân tại các dự án khác. Và chắc chắn những trường hợp tương tự còn có thể gặp ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chứ không chỉ một mình TPHCM.

Rõ ràng đây là một câu chuyện lớn. Nó liên quan trước hết đến nhận thức về mặt pháp luật. Khi vận dụng chính sách đất đai, UBND TPHCM đã bám vào các văn bản cũ, mà cố tình quên đi một quy định rất cụ thể của Luật Đất đai 2003 - văn bản pháp lý mới nhất và cao nhất hiện nay trong lĩnh vực đất đai: Đó là dù đất có nguồn gốc gì, nhưng tạo dựng trước ngày 15.10.1993 (tròn 10 năm trước khi có Luật Đất đai), không tranh chấp, sử dụng ổn định thì phải được bồi thường. Đây chính là một luận điểm rất tiến bộ của Luật Đất đai 2003, cũng chính là ý chí của Đảng, Nhà nước muốn tạo sự ổn định lâu dài cho dân. Cao hơn, đằng sau luận điểm này là một chuyển biến quan trọng trong nhận thức về thái độ ứng xử của Nhà nước đối với người dân.

Đó là nếu chính quyền đã từng có những bất cập, yếu kém (không chỉ trong lĩnh vực đất đai), thì trước hết chính quyền phải chịu hậu quả của sự buông lỏng quản lý đó, chứ không đẩy cái khó cho dân, không bắt dân phải gánh chịu. Dù trước kia dân có lấn chiếm, nhưng chính quyền cơ sở đã không kiên quyết xử lý thì bây giờ chính quyền vẫn phải bồi thường. Nói như ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM, "chính quyền phải có trách nhiệm với sai lầm của mình".

Rất tiếc là không phải ai trong bộ máy chính quyền cũng thấm nhuần nguyên tắc sẵn sàng "chịu trách nhiệm với sai lầm" như vậy. Nơi này nơi khác, vẫn có tâm lý đùn hết mọi trách nhiệm cho dân. Vì thế, ngay trong nội bộ chính quyền mới sinh ra những bất đồng quan điểm như trong vụ 42 hộ dân cầu Thủ Thiêm nêu trên. Sự bất đồng này nhắc chúng ta nhớ lại một định đề "xưa như trái đất": Pháp luật là do con người tạo ra. Dù pháp luật có tiến bộ đến đâu, nhưng một khi con người vẫn cố bám lấy cái cũ, cái lạc hậu, thì sự tiến bộ của pháp luật vẫn không thể phát huy hiệu quả!