"Phong tỏa" đàn chim, gà quý hiếm ở vườn thú Hà Nội
Các Website khác - 12/11/2005

(VietNamNet) - Vườn thú Hà Nội nằm trong trung tâm thành phố, mùa nào nơi này cũng thu hút đông khách tới đây tham quan.

Khu chăn nuôi chim gà nằm ngay cổng chính với số lượng 240 con quý hiếm và đặc biệt quý hiếm như: gà lôi lam đuôi trắng, gà lôi lam mào trắng, vẹt to Nam Mỹ, kền kền và loài chim Hồng Hoàng mà cả vườn thú cũng chỉ có một con… nhưng chúng đang đứng trước nỗi lo dịch cúm gia cầm H5N1.

Soạn: AM 616405 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Khử trùng, vệ sinh chuồng trại là công việc thường xuyên ở đây.

Không phải ngày cuối tuần nhưng Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ) vẫn đông khách tới tham quan. Theo nhân viên bán vé tại cổng chính cho biết:  “Có dịch cúm gà nhưng lượng khách tham quan  không hề giảm”.

Khu nuôi chim, gà nằm ngay đầu cổng công viên được “phong tỏa” bằng dây thừng và những tấm biển mang dòng chữ khuyến cáo cho khách tham quan đặt xung quanh: “Xin quý khách lưu ý: Để bảo vệ đàn chim gà quý hiểm tránh mắc bệnh cúm gia cầm H5N1 mong quý khách hạn chế tham quan khu vực này”. Nhưng nhiều vị khách vẫn chui qua sợi dây đã ngăn cách và  lại sát gần chuồng để được ngắm thật kỹ, sờ tận tay những con chim gà qúi hiếm ấy!

Ngay tại thời điểm này, vườn thú xác định vẫn chưa có dịch. 17 mẫu huyết thanh của gà rừng, gà tây… khi xét nghiệm tìm vi rút H5N1 đều có kết quả âm tính. Song, an toàn cho đàn chim gà quý hiếm đang được nuôi dưỡng tại Vườn thú là nỗi lo lắng của những cán bộ chăm sóc và quản lý tại đây.

Soạn: AM 617109 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chăm sóc đà điểu và bổ sung vitamin theo định lượng.
Chim lạ di cư vào Vườn thú có thể mang theo dịch bệnh. Theo ông Võ Huy Triệu - Trưởng phòng Kỹ  Thuật cho biết: “Chúng tôi phun thuốc phòng và tẩy trùng trên diện tích 2500m2, trên cả nóc chuồng nhưng chưa có lưới hay kính ngăn chim nhỏ bay vào nên  rất lo lắng…”.

Chim gà ở đây được nuôi nhốt trong chuồng to bằng sắt nhưng chưa hề có kính hay lưới bảo vệ. Những loài chim nhỏ như chim chích hay sẻ vẫn bay vào và mang theo dịch bệnh.

Vườn thú đã áp dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ đàn chim gà. Hàng ngày chuồng trại, sân bãi được vệ sinh sạch sẽ. Công việc quét dọn chuồng trại không đơn giản như quét nhà mà phải dọn sạch thức ăn dư thừa, phân đàn chim và gà.

Mỗi khi vào chuồng đà điểu hay chim công đều phải cẩn thận vì chúng có thể tấn công người bằng cách đuổi và đá. Anh Việt – nhân viên vệ sinh chuồng trại đà điểu cho biết: “ Khi quét dọn, cho ăn luôn phải đề phòng chúng”.

Soạn: AM 616427 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tăng cường khử trùng phòng chống cúm gia cầm.

Hàng ngày, đàn chim và gà ăn ba bữa, thức ăn của mỗi loại cũng khác nhau. Phải cho chúng ăn các loại hoa quả, rau xanh, ngũ cốc, thịt nạc luộc xé nhỏ, châu chấu, giun đất… Mỗi loại lại có nhu cầu thức ăn riêng sao cho phù hợp.

Bà Hoàng Thị Bích – bác sỹ thú y tổ chim gà tâm sự: “Động vật hoang dã rất khó nuôi, ngày nào cũng phải kiểm tra sức khỏe cho chúng”. Những ngày thường khi chăm sóc đàn chim gà đã rất kỳ công thì những ngày có dịch lại càng phải kỹ càng, dồn nhiều tâm, nhiều sức hơn.

 
 

Sức đề kháng của đàn chim gà được chú trọng trong từng bữa ăn. Nguồn nhập thức ăn, công tác chế biến và vệ sinh được kiểm tra chặt chẽ. Cứ 5 - 7 ngày lại bổ xung lượng Vitamin, khoáng chất vào thức ăn. Cô Bích đến từng chuồng cho những chú chim rất non uống thuốc bổ để có thể phát triển khỏe mạnh trong mọi điều kiện.

18 nhân viên trong tổ hàng ngày vẫn trực tiếp tiếp súc với đàn chim gà. Trong những ngày dịch cúm gia cầm đang hoành hành, khi họ khuyến cáo mọi người không nên đến gần tham quan thì chính họ lại phải ở bên cạnh đàn chim gà nhiều hơn để chăm sóc cho chúng. Tất cả đều được trang bị đầy đủ quần áo, dụng cụ phòng dịch nhưng trên hết tất cả họ đều cùng hết lòng tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm trong điều kiện phức tạp của công viên.

Trong những ngày tới, nếu dịch tiếp tục bùng phát mạnh hơn nữa, Vườn thú xác định sẽ đóng cửa để bảo vệ an toàn cao nhất cho đàn chim gà quý hiếm này.

  • Lại Hồng Nhung