Sắc xuân Củ Chi
Các Website khác - 23/01/2006
Ngày xuân ở đền tưởng niệm Bến Dược,
Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).
Củ Chi có nhiều chương trình làm giàu được coi là bước đột phá, song có lẽ chương trình có ý nghĩa đột phá đầu tiên là đường giao thông và hoàn chỉnh các công trình thủy lợi.
Những dòng cát Củ Chi thấm đậm dòng nước trong xanh sông Sài Gòn, bắt nguồn từ những đỉnh núi tận cùng của dãy Trường Sơn qua hồ Dầu Tiếng chảy về. Giữa dòng cát trắng mịn chỉ cần đào xuống năm mười mét là dòng nước thơm thảo chảy ra tưới cho vườn cây ruộng lúa. Sự nghiệp dân giàu nước mạnh mà người Củ Chi đang cùng cả nước tiến hành có nhiều chương trình được coi là bước đột phá, song có lẽ chương trình có ý nghĩa đột phá đầu tiên là đường giao thông và hoàn chỉnh các công trình thủy lợi.

Nếu như trước ngày giải phóng Củ Chi chỉ một vài con đường được gọi là dễ đi như lộ 7, 15, cả quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22 - đường Xuyên Á) từ TP Hồ Chí Minh qua Củ Chi đi Tây Ninh tỉnh lộ 8 chạy từ Thủ Dầu Một qua Củ Chi về Ðức Hòa, Ðức Huệ (Long An) bấy giờ được chế độ Mỹ - ngụy đặc biệt "chăm sóc" suy cho cùng không phải để dân đi mà sứ mạng của chúng là chuyên chở vũ khí từ căn cứ hậu cần Long Bình (Biên Hòa) đi Hậu Nghĩa, Tây Ninh, căn cứ quân sự Ðồng Dù... Ðường thuộc quyền của lính, của xe Mỹ - ngụy đi càn, vây ráp, ủi ruộng, ủi rừng của Củ Chi thành bình địa. Nhưng cũng chính trên những con đường đó quân dân Củ Chi đã nhiều phen giáng cho chúng những đòn trí mạng "đi dễ khó về". Còn đường của chúng ta thời ấy là những con đường chìm, nối liền xóm ấp với nhau và một con đường sâu kín mà kẻ địch không bao giờ ngó ngàng tới được, bởi không dấu vết, vô ảnh vô hình, đó là lòng dân đối với cách mạng.

Giờ đây Củ Chi đã có trăm, nghìn con đường, hệ thống giao thông thủy lợi của dân, do dân góp sức xây dựng, tất cả trở về trên mặt đất rộng thênh thang. Nói mà không khoa trương rằng Củ Chi đang tiến hành một cuộc cách mạng về đường giao thông và công trình thủy lợi, coi đây là bước đầu của cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế xã hội.

Cái hay là cách làm của Củ Chi: Không cần nói nhiều, đảng viên đi trước, dân được bàn, tự quản và tham gia cùng làm. Những dự định của các cấp chính quyền, cụ thể từng ấp sẽ làm mấy con đường, kênh mương, cầu cống, lắp bao nhiêu ngọn đèn chiếu sáng công cộng, chiều dài, chiều rộng bao nhiêu, qua ruộng vườn của ai, thi công bằng phương tiện gì, giá cả bao nhiêu, có bao nhiêu đơn vị tham gia đấu thầu... tất cả dân được biết tường tận, bàn bạc. Nhờ thế mà phát huy tối đa tính tích cực của phương châm: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Ðặc biệt dân thay thế được các cơ quan giám định, giám sát bảo đảm chất lượng công trình.

Không tính số tiền đóng góp của dân hàng trăm tỷ đồng, chỉ số diện tích vườn cây, có khi cả nhà mà các công trình đi qua, không phải đền bù trị giá hơn nghìn tỷ đồng. Ðường của Củ Chi không chỉ nối liền xóm ấp mà ra tận ngoài đồng để dễ chở lúa, chở phân, giải phóng sức người.

Nhờ giao thông thủy lợi phát triển mà bộ mặt Củ Chi bây giờ đâu cũng là mầu xanh, đến ấp nào, xã nào cũng là đường lớn trải nhựa, đường ra đồng ít nhất cũng sỏi đỏ, mương máng thủy lợi đến tận ruộng, cống bằng xi-măng đàng hoàng. Nước về tận vườn để tưới cây, để đào ao nuôi cá, ba ba, lập trang trại nuôi đà điểu, sản xuất nấm... Xã Thái Mỹ, Tân Thông Hội trước kia chỉ là vùng cỏ hoang, cây cối um tùm, làm gì có đường điện, nước, trạm y tế, trường học. Thế mà bây giờ Thái Mỹ đứng hàng nhất nhì huyện về sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đơn vị Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động thời đổi mới. Xã Tân Ðông Hội cảnh phố phường đã lấn chiếm đồng hoang, có cả một làng Việt kiều toàn nhà biệt thự với một khu công nghiệp ban đêm đèn điện sáng trưng.

Tôi gặp chàng trai Quách Hưng Tòng quê Bạc Liêu, sau bao năm bôn ba đất khách trở về TP Hồ Chí Minh mở xí nghiệp chế biến hàng nông sản, với ý nghĩ xuất những thứ hàng mà bà con mình ở "bên đó" luôn nhớ về cội nguồn. Là miếng bánh tráng, bún khô, bánh phồng tôm, kẹo dừa, kem sầu riêng, mứt bí, mứt gừng, mắm tép, mắm tôm, cà pháo với các gia vị từ hành tỏi, hạt tiêu, gừng cay, muối mặn... quê nhà. Cái tên Công ty Hải Minh của anh cũng là để nhớ về nơi "cắt rốn chôn nhau" Minh Hải, vùng đất cực nam Tổ quốc. Công ty của anh Tòng đã xuất khẩu được 500 mặt hàng, có 150 mặt hàng do tự công ty anh sản xuất, giải quyết việc làm cho 600 lao động.

Anh Tòng tâm sự: "Khi nhìn những sản phẩm của mình nhãn bằng chữ Việt Nam mang đậm chất văn hóa dân tộc do người Việt Nam sản xuất bằng dòng nước mát ngọt đất Củ Chi nằm trên kệ các gian hàng những siêu thị nổi tiếng của các nước Mỹ, Ðức, Pháp, Canada... tôi thật tự hào".

Một niềm vui khó tả khi về Củ Chi đến đâu cũng gặp bà con chuyện trò hỏi thăm nhau: "Nhà anh chị nuôi mấy con bò? Ðàn vịt nhà anh Sáu năm nay đẻ trứng nhiều không? Dịp dịch này anh còn kiên trì giữ giống hay chịu phá bỏ? Vườn lục trúc của anh chị ba vụ măng năm nay bán được bao tiền? Nghe nói mấy ruộng rau sạch ở ấp Bến Ðò, Tân Phú Trang sản xuất không đủ cho người mua, mấy ao cá giống, ba ba, cua, lươn của HTX Xóm Cây Sồi đều không đủ để bán...".

Lại còn chuyện ông "vua dế", "vua trùng", "vua đà điểu" ở Tân Thông Hội, Tân Thạnh Ðông nói nghe cứ như thần thoại, toàn thứ ngày xưa chẳng ai để ý, nay hái ra tiền... Như đàn bò sữa của Tân Thạnh Ðông bây giờ đã hơn 4.000 con, chiếm gần 50% số bò toàn huyện, khoảng 900 gia đình với gần 2.000 bò đang cho thu hoạch mỗi ngày cung cấp cho Vinamilk 25-30 tấn sữa tươi.

Tân Thạnh Ðông còn là hình mẫu của vùng nông thôn nghèo Củ Chi vươn lên nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng và thực hiện CNH, HÐH nông thôn. Tuy vẫn coi nông nghiệp là nền tảng, nhưng bây giờ không phải chỉ cây lúa được coi là chủ lực, Tân Thạnh Ðông chú trọng đa dạng hóa cây trồng tăng diện tích bắp lên 50 ha, thuốc lá 70 ha, rau đậu các loại 85 ha và cỏ cho bò sữa 30 ha, gần trăm ha vườn tạp được cải tạo thành vườn cây ăn trái năng suất cao, khâu làm đất tưới tiêu được tự động hóa. Tân Thạnh Ðông còn có KCN Tân Quy rộng 67 ha gần 90% diện tích đã được lấp đầy.

Ðường vào xã Phú Mỹ Hưng, nơi ngày xưa có biệt danh "một khu hố bò" nay được xây dựng thành khu di tích địa đạo, đền thờ Bến Dược ngày ngày đông khách thập phương, đường đi lối lại được đầu tư xây dựng đẹp như tranh đã đành. Nói ngay Bình Mỹ, Tân Phú Trung hai xã được coi là thấp sâu như "rốn" của Củ Chi, xưa kia chẳng có một con đường, kênh mương thủy lợi, đồng hoang cỏ cháy, nay cũng thông thương đường nhựa, đường đất đỏ không kém địa phương nào.

Từ "lộ xóm" vào nhà anh Tư Khưng, Bảy Thanh ở ấp Cây Sậy xã Tân Phú Trung đi qua một đoạn "lộ nhà" cả trăm mét đẹp như đường du lịch mát rượi với hai hàng nhãn cành lá giao nhau. Xe vận tải vào tận sân để mua trái cây, rau, măng, đậu, ớt. Tư Khưng với Bảy Thanh người trồng nhãn, cam, người trồng ớt, măng lục trúc, rau sạch đều là tổ viên HTX rau an toàn. Vườn nhãn cho trái không chính vụ của Bảy Thanh nhờ áp dụng tiến bộ KHKT trông mới đẹp mắt làm sao, còn mấy cây sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc thí điểm chăm sóc theo cách bón phân mới của Tư Khưng cũng thật bắt mắt bởi trái treo lủng lẳng. Mới cuối năm 2005 hai nhà Bảy Thanh, Tư Khưng đã đưa nhãn, cam, sầu riêng và rau sạch của mình tham gia thị trường, mỗi gia đình đạt doanh thu gần 70 triệu đồng. Bình Mỹ vì sát với sông Sài Gòn đối diện với thị xã Thủ Dầu Một, Lái Thiêu của Bình Dương nên xu thế phát triển vườn cây ao cá theo hướng vườn du lịch sinh thái đang chiếm vị thế chủ đạo. Người dân nơi đây trù tính mai đây con đê bao sông Sài Gòn từ Thạnh Lợi quận 12 lên cực bắc Củ Chi hoàn thành sẽ tạo cho vùng này lợi thế về du lịch sinh thái.

Bên Bình Dương, 16 KCN hơn 4.000 ha khép kín nhà máy toàn những công nhân. TP Hồ Chí Minh từ lâu người đã "quá tải". Còn nữa KCN - Ðô thị 6.000 ha trên đất Củ Chi, Hóc Môn cũng sẽ đầy nhà máy, trường học, khu dân cư, nhà cao tầng chật ních người. Lúc đó một vùng cây xanh, sông nước hữu tình, vườn cây mát mẻ ở giữa quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, bên kia là Thủ Dầu Một, Bình Dương sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng có một không hai.

Củ Chi đã thật sự đổi thịt thay da. Vùng đất trắng thời chiến tranh nay mầu xanh bạt ngàn của lúa, ngô, vườn cây ăn trái. Thách thức dẫu còn nhiều, có lẽ lớn nhất là trình độ dân trí của người dân còn thấp, đô thị hóa càng tăng thì nguy cơ ô nhiễm môi trường càng nặng. Rồi trong xây dựng, thu hút đầu tư, do bao thói quan liêu, để những tham ô, tiêu cực, cải cách hành chính chậm chạp, phiền hà... nơi này, nơi nọ khúc mắc các ngành với địa phương cũng như bao thiệt thòi về hưởng thụ phúc lợi của người dân còn thấp.

Ðổi lại CNH đã cho người dân Củ Chi thêm cách nhìn khoáng đạt, nghiệm ra chân lý cuộc đời phải thắng nghèo đói, dốt nát như thắng giặc ngoại xâm. Ý chí đó thôi thúc người Củ Chi sáng tạo trong lao động, vượt lên rào cản chính mình, cống hiến nhiều hơn cho quê hương Củ Chi mãi mãi bừng sáng sắc xuân trên "Ðất Thép Thành Ðồng".