Sẵn sàng chia sẻ với người nghèo
Các Website khác - 29/09/2005
Xưởng cơ khí Ðồng Tâm ở ấp Bạch Lâm 1, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất, Ðồng Nai) của anh Phạm Văn Ngữ có quy mô bề thế với 50 lao động, được trang bị nhiều loại máy như gò, hàn, tiện, phay, bào, mài, xoáy... đủ năng lực gia công cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, anh còn sở hữu hơn 120 ha đất với 25 ao cá; ba trại chăn nuôi (350 con heo nái, 2.500 heo thịt, 1.000 con cá sấu, 100 con bò sinh sản, 200 con dê, cây ăn trái và cây gỗ quý)... Thu nhập của anh mỗi năm một tăng, riêng năm vừa qua đạt hơn 900 triệu đồng.

Anh Ngữ nói, ngày trước, gia đình anh thuộc loại nghèo, riêng anh, còn bị bệnh suy tim. Năm năm trời anh dán lưng trên giường bệnh càng làm cho kinh tế gia đình thêm kiệt quệ. Ðã có không ít lần anh suy nghĩ tiêu cực, nhưng bản năng sinh tồn đã thôi thúc anh phải làm ra tiền để tiếp tục điều trị bệnh. Sau một thời gian trăn trở, anh quyết định vay mượn bạn bè, họ hàng một lượng vàng, đầu tư thiết bị chế biến bột dong riềng bán cho các hộ làm miến dong, một mặt hàng "thời thượng" có đầu vào và đầu ra rất lớn vào thời điểm năm 1981. Và thực tế khẳng định đó là một quyết định đúng đắn, bởi chỉ sau một vụ dong kéo dài bốn tháng, anh đã lãi được bảy tấn bột dong khô, tương đương với 10 tấn gạo, một mức lãi quá lớn, nằm ngoài sức tưởng tượng của một người bệnh như anh.

Tinh thần phấn khởi, điều kiện điều trị bệnh khá hơn đã từng bước đẩy lùi bệnh tật, lại thêm có được ít vốn tích luỹ đủ để anh quyết định chuyển hướng kinh doanh, mua máy cũ hư hỏng về sửa chữa phục hồi và tân trang lại bán cho người có nhu cầu. Ðể làm được công việc của một kỹ sư cơ khí, người chưa một lần kinh qua trường lớp đào tạo kỹ thuật như anh đã phải tự học, tự nghiên cứu qua sách vở và ứng dụng ngay trên thiết bị hư hỏng để tự rút kinh nghiệm. Nhờ sáng dạ, chỉ một thời gian không lâu anh đã thạo việc và có khả năng hướng dẫn những người trong gia đình "trị" bất cứ chiếc máy nào được mang đến... Do đó, anh được khách hàng tín nhiệm, sản phẩm làm ra đến đâu có người mua đến đó, lợi nhuận thu được cũng cao gấp nhiều lần so với sản xuất bột dong. Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến, không chỉ để mua máy chà bột dong, mà còn để nhờ anh sửa chữa thiết bị nông nghiệp. Vậy là anh nảy ra ý tưởng phát triển xưởng gia công cơ khí nông nghiệp, tuyển dụng lao động, thuê giáo viên hướng dẫn nghề cho người lao động... Trong số lao động tại xưởng, có người từng là đối tượng tệ nạn xã hội, nhờ có việc làm ổn định, đã hoàn lương; nhiều lao động đã vươn lên vượt nghèo và trở thành chủ cơ sở sản xuất; số còn lại hầu hết đã trưởng thành, tay nghề vững vàng...

Tuy giai đoạn khởi nghiệp có phần khó khăn, nhưng anh đã tích luỹ được số vốn đủ để quay về với nghề nông truyền thống của gia đình, mua đất trồng hoa màu, cây ăn trái, trồng rừng cây gỗ quý như cây gió bầu để cấy trầm hương hay kỳ nam, đào ao nuôi cá, chăn nuôi heo với quy mô ngày càng lớn.

Sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, anh càng ý thức được trách nhiệm đối với cộng đồng, đặc biệt là đối với những người có hoàn cảnh thương tâm. Năm năm cuối đời mẹ anh bị mù do cườm nước không được chữa trị, cho nên, cứ thấy người mù anh lại nhớ đến mẹ anh. Vì thế, anh đã tài trợ kinh phí để Trung tâm mắt của Viện Mắt TP Hồ Chí Minh hằng năm tổ chức khám bệnh phát thuốc, mổ mắt cho hàng trăm người bệnh, trong đó có những ca mổ trị giá hàng chục triệu đồng; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tặng xe lăn cho người khuyết tật; đầu tư 180 triệu đồng xây ba dãy nhà nuôi dưỡng người già neo đơn, thuê người chăm sóc các cụ... Anh còn tài trợ kinh phí tổ chức bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện nhi Ðồng Nai, bệnh viện khu vực huyện Thống Nhất, cung cấp mỗi buổi sáng khoảng 200 suất cháo và cung cấp cho đồng bào nghèo ở xã Ðức Thắng (huyện Ðịnh Quán) mỗi ngày 100 phần ăn. Anh ít khi từ chối lời đề nghị từ thiện bận bịu liên miên. Anh nói, nhờ lao động, sức khỏe của anh bây giờ khá lắm. Do đó, anh càng tích cực lao động, vừa để kiếm tiền, vừa để làm từ thiện.

Lâm Huệ Nữ