Suy ngẫm sau một cơn bão lớn
Các Website khác - 29/09/2005
Qua công tác phòng, chống thiên tai nói chung và cơn bão số 7 nói riêng, mới càng thấy Ðảng ta, Nhà nước ta, chế độ ta thật sự vì con người, chăm lo cho con người. Một vùng bị nạn cả nước cùng lo; toàn bộ hệ thống chính trị tập trung trí tuệ, dồn sức lực lo cho dân, vì nhân dân.
Giống như các cơn bão khác, bão số 7 (tên quốc tế Damrey) hình thành từ ngoài khơi xa, theo đường di chuyển, tràn qua đảo Hải Nam và tiến vào nước ta. Gió mạnh nhất lên đến cấp 9, cấp 10, cấp 11 và giật trên cấp 12. Từ đêm 25 đến trưa 27-9, bão và tâm bão đã ập vào vùng ven biển nước ta từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, kèm theo bão là mưa to, rất to và đúng thời điểm nước thủy triều dâng cao. Ðây là cơn bão lớn nhất, nguy hiểm trong vòng chín năm nay, ảnh hưởng trên diện rộng, vào cuối tháng trung thu, không theo quy luật thời tiết thông thường ở nước ta.

Bằng lòng dũng cảm, sự tự tin và lao động quên mình, quân và dân ta đã kiên cường chống bão. Phải kể đến công lao của các cán bộ khoa học - kỹ thuật nước ta đã ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến của ngành khí tượng - thủy văn, do đó từ sớm, chúng ta đã nắm được cụ thể diễn biến và thời gian di chuyển của bão. Các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các ngành cùng quân và dân vùng bão đi qua đã gồng mình chống bão, bảo vệ cuộc sống của mọi người.

Cuộc chiến đấu chống cơn bão số 7 đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước. 7 giờ 30 phút ngày 25-9, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp khẩn cấp với Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan thuộc lực lượng vũ trang... Tại cuộc họp này, Chính phủ đã chỉ đạo chống bão cả tầm vĩ mô và vi mô. Ngay sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có Công điện số 1445 TTg/NN chỉ đạo, chỉ thị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương thực hiện ngay những việc cần thiết chủ động đối phó với các tình huống của thiên tai. Thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Công an đã phát lệnh huy động sức người, sức của, điều động lực lượng bộ đội, công an với tất cả các phương tiện cần thiết cùng đồng bào, đồng chí các địa phương có bão đi qua tham gia phòng, chống thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Trung tâm dự báo khí tượng - thủy văn theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, cung cấp kịp thời thông tin phục vụ sự chỉ đạo của Chính phủ, các Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai T.Ư, ngành, địa phương. Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân Dân, TTXVN và hàng trăm cơ quan thông tin đại chúng của các ngành, các cấp từ T.Ư đến địa phương thường xuyên thông tin về cơn bão, cổ vũ, động viên kịp thời đồng bào, đồng chí cả nước tham gia phòng, chống thiên tai.

Các địa phương, nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị... thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ huy động tối đa sức dân, bằng phương tiện bốn tại chỗ tham gia phòng, tránh và kiên cường chống bão, lũ.

Sức mạnh toàn dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự điều hành của Chính phủ, đã được phát huy cao độ trong phòng, chống thiên tai. Sức mạnh tổng hợp được tổ chức một cách khoa học đó chỉ có trong chế độ của chúng ta!

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão ở Nam Ðịnh. Trong mưa to, gió lớn, giữa trời biển hung dữ, gội mưa, tắm gió, Phó Thủ tướng cùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đến tận nơi đầu sóng, ngọn gió ở các huyện biển chỉ đạo cụ thể các cấp, các ngành, gặp từng người dân thăm hỏi, động viên và đưa ra những quyết sách kịp thời, thực tế chống bão, triều cường và bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có mặt ngay tại tuyến đê biển 1 thị xã Ðồ Sơn, Hải Phòng - tuyến đê biển xung yếu nhất thành phố. Trước nửa nghìn chiến sĩ Quân khu 3 và cán bộ thành phố, đồng chí chỉ đạo những công việc cụ thể phòng, chống bão, thủy triều. Ðồng chí đặc biệt quan tâm việc di dời các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm của bão đến nơi an toàn. Con người là cái quý nhất, bảo vệ tính mạng người dân phải được ưu tiên hàng đầu.

Trưởng Ban phòng, chống bão lụt T.Ư Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, các tướng lĩnh thuộc các binh chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Quân khu 3... đã trực tiếp đến tận hiện trường có bão chỉ đạo sát sao các địa phương, đơn vị hoàn thành tốt những phần việc được giao.

Ðồng bào, đồng chí, chiến sĩ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và nhiều địa phương khác đã dũng cảm, kiên cường chống chọi với gió bão. Trong bão lớn, mưa to và sóng biển hung dữ vẫn thường xuyên đối mặt, không ngại hiểm nguy bảo vệ từng mét đê biển, từng căn nhà, mảnh vườn, thửa ruộng...

Cơn bão số 7 đã đi qua, nhưng hậu quả của nó để lại nặng nề, đang được khắc phục; kết quả chống thiên tai đang được thống kê, đánh giá và khẳng định.

Ngay từ khi bắt đầu hình thành cũng như trong suốt quá trình cơn bão diễn ra, Thủ tướng Chính phủ cùng toàn thể thành viên Chính phủ đều đặt mục tiêu hàng đầu là không để dân chết, dân đói, dù thiên tai ác nghiệt đến mấy. Mục tiêu đó đã được thực hiện. Trước khi cơn bão xảy ra, quán triệt nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai đã di dời hàng chục vạn dân, chủ yếu người già, trẻ em, phụ nữ ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn. Với phương châm lá lành đùm lá rách, giúp nhau trong lúc hoạn nạn, những hộ dân ở vùng an toàn đã tiếp nhận, giúp đỡ tận tình đồng bào đến tránh bão. Các cơ quan, trường học dành hội trường, lớp học đón nhận đồng bào. Chính phủ, chính quyền, cấp ủy Ðảng, đoàn thể nhân dân các địa phương đã tổ chức chăm lo chu đáo cuộc sống của hàng chục vạn người dân vùng bão. Các lực lượng công an, bảo vệ giữ an toàn của cải và nhà cửa vùng đồng bào đi sơ tán. Hôm nay, đồng bào lánh nạn nhiều nơi đang trở về lòng đầy cảm động, tập trung sức lực khắc phục hậu quả thiên tai.

Trên thế giới, chẳng cơn bão nào lại không gây ra thiệt hại, chỉ có điều mức độ thiệt hại đến đâu, tùy thuộc khả năng chống thiên tai của từng nước. Nhìn rộng ra bên ngoài, gần đây có nhiều hiện tượng thiên tai, gây tổn thất lớn, hàng nghìn người chết, cuộc sống của người dân khốn khó kéo dài, của cải mất đi hàng tỷ, trăm tỷ USD...

Qua công tác phòng, chống thiên tai nói chung và cơn bão số 7 nói riêng, chúng ta càng thấy Ðảng ta, Nhà nước ta, chế độ ta thật sự vì con người, chăm lo cho con người. Một vùng bị nạn cả nước cùng lo; toàn bộ hệ thống chính trị tập trung trí tuệ, dồn sức lực lo cho dân, vì nhân dân. Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ đồng bào vùng bão 20 tỷ đồng để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân vùng bão. Ðồng thời huy động nguồn lực tại chỗ, trong dân, và đồng bào vùng không xảy ra bão giúp đồng bào vùng thiên tai khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Ðiều này thể hiện rất rõ sức mạnh, trình độ tổ chức phòng, chống thiên tai và tính ưu việt của xã hội ta. Nhiều người dân vùng xảy ra bão đều cảm nhận và thấy rõ điều đó, đã tâm sự: Tính ưu việt ấy chỉ có ở đất nước ta, trong chế độ của ta.

THU THÀNH và ÐÀO NGỌC DŨNG