Vẫn có thể nhiễm H5N1 ngay cả khi hết dịch cúm
Các Website khác - 02/03/2006
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: N.T.

Gần 3 tháng nay, dịch cúm H5N1 được khống chế trên đàn gia cầm, nhưng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vẫn lo ngại khả năng xuất hiện các ca nhiễm cúm ở người. Sáng 2/3, ông Phát đã có cuộc trao đổi với VnExpress về vấn đề này.

- Xin ông giải thích rõ hơn về nguy cơ lây nhiễm cúm ở người?

- Hiện nay Việt Nam không còn ổ dịch nào, nhưng đàn thủy cầm và đặc biệt là ngan do không được tiêm văcxin nên một số con có virus. Chúng tôi đã tìm thấy virus ở trong ngan. Nếu bà con giết mổ không đúng quy cách, hoặc ăn tiết canh ngan thì chắc chắn sẽ có người nhiễm bệnh. Thực tế, hồ sơ bệnh nhân mắc bệnh cúm H5N1 thì đa số do ăn ngan.

Vì thế, chúng tôi khuyến cáo khi giết mổ ngan phải hết sức cẩn thận, đảm bảo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuyệt đối không ăn tiết canh ngan.

- Thưa ông, tại sao đã áp dụng biện pháp tiêm phòng cho gia cầm và theo báo cáo là cho kết quả tốt, nhưng vẫn duy trì lệnh ngừng ấp nở mới thủy cầm đến hết ngày 28/2/2007?

- Chúng tôi ra quyết định ngừng nuôi thủy cầm vì nhiều lý do. Thứ nhất, theo nghiên cứu của các chuyên gia thế giới, nơi nào mật độ thủy cầm cao thì nơi đó có nguy cơ bùng phát ổ dịch. Điều nguy hiểm là thủy cầm mang virus nhưng lại không phát bệnh. Trong đợt cao điểm của dịch cúm, qua xét nghiệm cho thấy có tới 80-90% thủy cầm có viurs nhưng lại không phát bệnh. Tỷ lệ này ở gà là 1,5%.

Thứ hai, có tiêm văcxin thì giỏi lắm mới đạt 80% trên đàn vịt. Còn đàn ngan (6 triệu con), do tiêm văcxin cúm không có kết quả nên hiện nay không tiêm. Nguyên nhân cuối là so với gà, thủy cầm thường được nuôi thả rông. Dù đã có quy định cấm, nhưng tập quán lâu đời này vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, làm lây lan mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

- Năm ngoái đã tiêm văcxin cúm đại trà ở 47 tỉnh thành trọng điểm, nhưng năm nay chỉ tiêm ở 33 tỉnh thành. Ông có thể lý giải tại sao lại có sự thu hẹp diện tiêm phòng này ?

- Chủ yếu là lý do kinh tế, tiêm trọng tâm sẽ tiết kiệm hơn. Trong điều kiện hiện nay, tiêm phòng chỉ là một giải pháp, vì thế chúng tôi tập trung tiêm ở những nơi có nguy cơ cao. Những nơi còn lại tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng các giải pháp an toàn sinh học như khử trùng, tiêu độc, giám sát dịch bệnh...

Có thể những nơi không tiêm phòng xảy ra một số ổ dịch nhỏ. Trong tình huống đó sẽ phải phát hiện kịp thời, nhanh chóng bao vây và xử lý ổ dịch.

- Do dịch đã được khống chế, người dân có tâm lý chủ quan, việc giết mổ gia cầm trong nội thành, nội thị đã xuất hiện tràn lan. Sắp tới, Bộ có giải pháp gì để đưa việc kinh doanh, giết mổ, buôn bán gia cầm trở lại quy củ?

- Việc đó chúng tôi đã nhận thấy và đang cố gắng chỉ đạo các địa phương khắc phục. Trước hết là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh để bà con hiểu rõ mức độ nguy hại, từ đó tự bảo vệ mình. Thứ hai phải tiếp tục thực hiện biện pháp giám sát thú y đối với vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm.

Còn về phía địa phương, phải tiếp tục duy trì chủ trương không cho phép chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ trong nội thành nội thị; khuyến khích giết mổ tập trung buôn bán ở những cơ sở có đủ điều kiện. Vừa qua có một số trường hợp quay lại buôn bán vì thiếu cơ sở giết mổ tập trung, hoặc không đảm bảo.

- Nhiều người cho rằng, tâm lý chủ quan không chỉ có người dân mà ngay cả cán bộ thú y. Họ đã thiếu kiểm tra, giám sát sau khi khống chế hết dịch. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Mặc dù ngành thú y còn nhiều tồn tại, nhưng thời gian vừa qua anh em đã rất cố gắng, trở thành lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Về lâu dài cần nhanh chóng tăng cường lực này để đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của công việc. Không phải lúc nào cũng thể huy động toàn hệ thống chính trị vào những công việc rất chuyên môn như chống cúm gia cầm. Và không phải chỉ cúm gia cầm, thú y còn đối phó với nhiều bệnh dịch khác.

Như Trang thực hiện

Theo dòng sự kiện:
Chấn chỉnh việc buôn bán, giết mổ gia cầm (23/02)
Ngày 26/2 tổng kiểm tra kinh doanh gia cầm tại TP HCM (23/02)
Thu hẹp phạm vi tiêm văcxin cúm gia cầm (15/02)
Nhiều nguy cơ bùng phát dịch cúm trở lại (07/02)
Tết vẫn lo về dịch cúm (30/01)
Xem tiếp»