Đối phó với cơn bão được đánh giá là rất mạnh, diễn biến khó lường, ngày 30/10, hàng nghìn hộ dân ven biển thuộc các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam đã di dời sâu vào đất liền. Bộ Quốc phòng đã bố trí 2 máy bay trực thăng bay sát dọc bờ biển để kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn.
*Bão số 8 rất nguy hiểm với Trung Bộ
Hôm qua Bình Định được xác định là nơi tâm bão đi qua nên tỉnh đã lên kế hoạch trước 15h ngày 30/10 sẽ di dời 271.000 dân của thành phố Quy Nhơn, 3 huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Quy Nhơn và 8 xã ven đê Đông thuộc huyện Phù Cát, Tuy Phước. Nếu thực hiện theo phương án này thì đây là đợt sơ tán quy mô lớn thứ hai, sau đợt di dân tránh bão số 7. Tuy nhiên, rất may hôm nay bão số 8 đã đổi hướng nên theo thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, kế hoạch sơ tán dân đã được xem xét lại. Trước mắt, tỉnh sẽ di dời những hộ dân ven biển, dân sống trong những nhà không kiên cố.
![]() |
Bóng màu xanh là vùng tâm bão có thể đi qua. |
Tuy bão chưa vào song tỉnh Bình Định đã có thiệt hại ban đầu. 16h chiều qua, một tàu đánh cá công suất 60 CV ở Bình Định trên đường đi tránh bão đã bị sóng đánh chìm. 8 thuyền viên trên tàu được cứu sống. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Định, đến chiều 29/10, toàn tỉnh đã kêu gọi 3.560 tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Hôm nay, lực lượng bộ đội biên phòng tiếp tục kêu gọi 96 tàu đánh bắt cá xa bờ còn lại về nơi trú ẩn. Hiện chỉ còn 5 tàu thuyền đậu ở bãi Síp không được an toàn và số này đang được hướng dẫn đi tránh bão.
Trưa 30/10, bão số 8 đã mạnh lên 13h chiều 30/10, tâm bão ở vào khoảng 14 độ vĩ bắc; 112 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 400 km về phía đông đông nam. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật trên cấp 12. Dự báo đêm và sáng mai, bão số 8 di chuyển chậm theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km, đi dọc ngoài khơi vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Thừa Thiên Huế. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa có gió xoáy giật trên cấp 12. Biển động dữ dội. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật trên cấp 7. Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Thừa Thiên - Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to, một số nơi rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. |
Điều lo nhất của lãnh đạo tỉnh Bình Định là hệ thống đê biển, đê sông vốn bị ngâm nước lâu ngày trong đợt lũ vừa qua, nay lại chịu ảnh hưởng của bão sẽ rất nguy kịch. Toàn tỉnh có 150 km đê biển, trong đó có những tuyến đê chạy qua xã Nhơn Châu, Nhơn Lý, thuộc thành phố Quy Nhơn bị sạt lở nặng. Ngoài ra, tỉnh còn có cầu Nhơn Hội với vốn đầu tư rất lớn đang thi công. Bão ập đến có thể gây thiệt hại lớn cho công trình này.
Tại Quảng Ngãi, trước 17h chiều 30/10, 103 hộ dân của 3 xã ven biển gồm Bình Châu (huyện Bình Sơn), Đức Lợi (huyện Mộ Đức) và Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) sẽ được dời sâu vào đất liền. Trước đó, 30 hộ dân ở huyện miền núi Trà Bồng đã được di dời, nhằm tránh khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn. Đến 15h chiều 30/10, toàn tỉnh đã kêu gọi 373 tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Hiện chỉ còn 1 tàu đánh cá xa bờ bị mất liên lạc.
Một cán bộ thường trực của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, căn cứ theo hướng đi hiện nay, bão số 7 không đổ bộ vào Quảng Ngãi. Nhưng địa phương không vì thế mà chủ quan. Anh cán bộ này rất lo bão gây mưa lớn, xuất hiện lũ thì sẽ uy hiếp các tuyến đê kè vốn đã xuống cấp. Trong đó có 3 kè biển Bình Châu (huyện Bình Sơn), kè biển Phổ Minh (huyện Đức Phổ) và kè sông Tĩnh Sơn (huyện Sơn Tịnh) xuống cấp rất nghiêm trọng. Địa phương đã đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí đến tu bổ, nhưng chưa được.
Tại Quảng Nam, ông Võ Minh Tuấn, Phó văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết, sáng 30/10, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các huyện, yêu cầu lên phương án di dời dân ở những vùng ven biển, vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở. Trong hôm nay và ngày mai, dự kiến sẽ có gần 1.000 hộ dân phải sống tạm trong các trường học, trụ sở cơ quan hoặc nương náu tại nhà gia đình quen biết. Gần 2.000 tàu thuyền của tỉnh đến chiều qua đã tìm được nơi neo đậu an toàn.
Tại các tỉnh thành ven biển như Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình cũng đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão. Do bão di chuyển chậm nên lãnh đạo các tỉnh có điều kiện để kiểm tra, rà soát kỹ phương án sơ tán dân và phòng tránh lũ.
Máy bay trực thăng vào cuộc
Bộ Tham mưu (Bộ Quốc phòng) cho biết đã bắn pháo hiệu và qua máy thông tin của các đơn vị biên phòng kêu gọi 10.820 phương tiện đang hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn; bố trí cho 18.860 phương tiện neo đậu tại các bến an toàn. Hôm nay, đã có 2 chuyến bay trực thăng xuất phát lúc 7h và 8h30 bay dọc ven biển Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên, cách đất liền 50 km để kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu. Đến 11h cùng ngày, Ban tác chiến của Quân khu 5 cho biết không còn chiếc tàu nào cá nào trên vùng biển.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, 2 đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã đến các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi từ ngày 28/10 để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ và cùng địa phương đề ra các biện pháp ứng phó với bão số 8. Sáng 30/10, có thêm 2 đoàn công tác do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương Lê Huy Ngọ tiếp tục vào miền Trung nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với bão số 8.
Bộ Y tế khẩn cấp chi viện cho các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 8
Ngày, Bộ Y tế đã chi viện cho Sở Y tế Quảng Ngãi 10 nhà bạt; Bình Định 20 nhà bạt; Phú Yên 20 nhà bạt, 30 cơ số thuốc, 200 áo phao và 500.000 viên thuốc sát trùng nước Cloramin B. Sở Y tế Khánh Hòa hôm nay cũng tiếp nhận 20 nhà bạt, 30 cơ số thuốc, 200 áo phao và 500.000 viên thuốc sát trùng nước Cloramin B.
Hiện lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh trên đã xuống các khu vực trọng điểm dự kiến bão đổ bộ để chuẩn bị công tác cấp cứu nạn nhân, làm vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau bão.
Như vậy, Bộ Y tế đã chi viện cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả đợt lũ lụt cuối tháng 10 và bão số 8 là: 290 cơ số thuốc, 400 áo phao cứu nạn, 3.800.000 viên Cloramin B sát trùng nước, 1.575 kg hóa chất Cloramin bột và 150 triệu đồng.
Như Trang - Trà Bang
Theo dòng sự kiện: |
Bão số 8 rất nguy hiểm với Trung Bộ (30/10) |
Bão số 8 đang tiến vào đất liền (30/10) |
Lũ chưa rút, miền Trung lại chịu áp thấp nhiệt đới (28/10) |
Xem tiếp» |
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Bệnh đô thị ngày càng cao (29/10/2005)
▪ Hà Nội phòng cúm gia cầm phải quyết liệt hơn (30/10/2005)
▪ Út “đường phố” và dự án vỉa hè (29/10/2005)
▪ Sẽ điều trị rộng rãi cho các nạn nhân chất độc da cam (29/10/2005)
▪ Lại vẫn chuyện người đứng đầu (30/10/2005)
▪ Nạn nhân chất độc da cam có thể là hàng chục triệu (29/10/2005)
▪ Nhà bị cắt xén còn dưới 15 m2 được bồi thường toàn bộ (29/10/2005)
▪ Mở tuyến xe buýt Hà Nội - Hải Dương (29/10/2005)