Chiều 4-12, trên đường đi công tác từ Ninh Bình về Hà Nội, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến vụ tai nạn giao thông mà không thể lý giải được nguyên nhân. Chiếc xe Wave do anh Vũ Mạnh Trình ở Đồng Văn (Hà Nam) điều khiển, vừa vào địa phận huyện Thường Tín của Hà Tây (trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ) chừng hơn 1 km bỗng dưng đi xiên về một hướng rồi đâm rầm vào dải phân cách. Anh Trình khẳng định: "Xe không bị xịt lốp, cũng không bị cán vào bất cứ vật gì... Tôi cũng không hiểu vì sao nữa, may mà nhảy kịp ra khỏi xe".
Những người làm nghề chạy xe ôm ở khu vực này cho biết: "Chúng tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến những vụ tai nạn kiểu này. Chiếc xe đang đi bỗng dưng đâm rầm vào lan can, kiểm tra thì lốp vẫn căng, lái xe bảo không đâm vào đá hay gạch gì".
Thống kê của cơ quan cảnh sát giao thông cho thấy, đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đang là "điểm đen" của tuyến quốc lộ 1, từ Bắc chạy vào Nam, trong đó có nhiều vụ lái xe tự đâm vào thành lan can. Từ đầu năm đến nay, riêng đoạn đường đi qua huyện Thường Tín đã xảy ra 14 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết 20 người. Do có quá nhiều vụ tai nạn lái xe tự đâm vào thành lan can, nhiều người chạy xe ôm trên tuyến đường này bị hoang mang. Một số người khi có khách đã phải chạy vòng qua quốc lộ 1A cũ mặc dù đường này hẹp và xấu hơn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ nhiều.
Lý giải về các vụ tai nạn trên, ông Vũ Bằng ở Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia) nói: "Nếu các vụ tai nạn giao thông không bắt nguồn từ những nguyên nhân nhìn thấy, theo kinh nghiệm ở một số nước phát triển như Đức, Hà Lan, Ba Lan, thì nó bắt nguồn từ trường địa điện từ trong lòng đất, nơi con đường đi qua". Trường địa điện từ hình thành do sự phóng xạ trong lòng đất đi qua vết đứt gãy trong lòng đất rồi lẫn vào không khí trên mặt đất. Trường hợp có nồng độ phóng xạ lớn sẽ có tác hại đến sức khỏe con người, nhất là hoạt động của bộ não.
Mới đây, ông Vũ Bằng cùng với một số nhà khoa học của Viện Địa chất đã tiến hành khảo sát toàn bộ tuyến đường bằng thiết bị ăng-ten vạn năng theo phương pháp trường điện từ.
Kết quả cho thấy, đoạn đường Pháp Vân (Hà Nội) đến Km 8 tiếp giáp địa phận tỉnh Hà Tây không có trường địa điện từ, môi trường trong suốt. Đi tiếp 1 km về phía Nam (hướng Hà Nam) xuất hiện trường địa điện từ, và từ Km 12 đến Km 15, trường địa điện từ tiếp tục xuất hiện trở lại. Đặc biệt từ Km17+500 đến khu vực tiếp giáp với huyện Phú Xuyên (Km 24+500), sức trường địa điện từ rất lớn.
Tiến sĩ Vũ Cao Minh, Viện phó Viện Địa chất cho biết: "Có thể yên tâm về phương pháp đo của kỹ sư Vũ Bằng vì thiết bị cảm ứng cầm tay cho kết quả không khác mấy so với thiết bị hiện đại".
Tất nhiên, chưa thể hoàn toàn dựa vào kết quả đo được của nhóm nhà khoa học trên để khẳng định đó là nguyên nhân khiến người điều khiển xe tự đâm vào thành lan can, nhưng đây cũng là một "ẩn số" mà các cơ quan quản lý cần tham khảo để đưa ra những khuyến cáo cho người dân khi điều khiển xe máy lưu thông qua đoạn đường này.
|