Ðầu tháng tám năm 1945, tôi được Hội Văn hóa cứu quốc cử làm đại biểu cùng anh Khuất Duy Tiến đi lên chiến khu Việt Bắc, để dự Hội nghị do Tổng bộ Việt Minh triệu tập. Theo hẹn, một buổi chiều tôi sang cầu Ðuống, đến một hàng cơm, thật ra là một trạm liên lạc, trong nhà hàng, tôi gặp mấy bạn ở Ðảng Dân chủ cùng mấy anh nữa mọi người đều quần áo nâu sồng giản dị.
... Rồi sáng hôm ấy qua Cao Vân, chúng tôi rẽ vào đường mòn chân đèo, suốt mấy buổi xuyên rừng, vượt dốc, khoảng trưa thì tới một bản quang đãng. Tôi còn nhớ khi đoàn chúng tôi được đưa tới một cây đa lớn ở cuối bản, tôi thấy trong chòi gác bên gốc đa, một anh quàng súng tiểu liên, ngồi cạnh một máy điện thoại. Anh ra đón chúng tôi, rồi trở vào quay máy gọi a-lô, a-lô... tôi ngạc nhiên quá. Chiến khu có cả tê-lê-phôn!
Lát sau, anh Võ Nguyên Giáp từ phía núi đi tới. Anh bắt tay anh Liệu, anh Tiến, cùng em trong đoàn. Các anh, bạn chiến đấu cũ nay gặp lại nhau, xiết bao mừng rỡ. Tôi hiểu: chúng tôi đã đến nơi.
... Qua câu chuyện các anh trao đổi, tôi được biết Quốc dân Ðại hội sắp họp gấp. Ðoàn chúng tôi may còn lên kịp. Những đoàn đi các chuyến sau đều được lệnh quay trở lại. Vì Nhật Bản đã đầu hàng Ðồng Minh và Trung ương đã quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Sáng hôm sau, tôi thay bộ quần áo chỉnh tề và đi ra gốc đa. Mấy chị đại biểu Hà Nội mặc áo dài đang nói chuyện với một bà cụ từ Thái-lan về... Chúng tôi đang hàn huyên thì thấy anh Phan Mỹ đi tới, cùng mấy người sĩ quan da trắng, mặc quân phục Hoa Kỳ. Tôi đã nghe là có một đội công tác người Mỹ ở đây, hợp tác với ta. Anh Phan Mỹ giới thiệu người sĩ quan là Thiếu tá Thô-mát. Chúng tôi tới bắt tay chúc mừng ông. Tôi nói: "Với các ông, vậy là chiến tranh chấm dứt. Nhưng với chúng tôi, là bắt đầu cuộc chiến đấu mới, giành độc lập".
Các đại biểu từ các ngả tới đông dần, và được đưa đến một ngôi đình khá lớn, ven suối. Ngôi đình ba gian, sàn gỗ, một bên thành phòng họp, kê những hàng ghế dài giản dị bằng thân cây ghép lại, bên kia là nơi trưng bày sách, báo, tranh ảnh, cùng một số vũ khí tự tạo của Việt Minh, và một số chiến lợi phẩm những trận đánh Nhật.
Hơn sáu mươi đại biểu ngồi trang nghiêm trên những hàng ghế dài, dưới bóng cờ đỏ sao vàng. Ðồng chí Toàn (đồng chí Trường - Chinh) và đồng chí Tống (đồng chí Phạm Văn Ðồng) điều khiển buổi họp. Ðại hội nghe lần lượt những bản báo cáo của các đoàn thể cứu quốc, có những lúc rộn lên, sôi nổi. Tôi có đem theo bản báo cáo viết, đầu đề là "Một nền văn hóa mới". Bản báo cáo đã được thảo luận trong Hội nghị văn hóa cứu quốc họp ở La Khê, ít lâu trước ngày tôi lên đường. Nhưng khi đến lượt tôi nói, để tiết kiệm thời giờ cho Ðại hội, tôi không đọc bản báo cáo mà nói gọn lại mấy điểm chính.
Ðoàn Chủ tịch Ðại hội thông báo: "Ðồng chí Hồ Chí Minh sẽ đến báo cáo về công tác ngoại giao". Có những tiếng xì xào, nhiều người chúng tôi hỏi nhau không biết đồng chí Hồ Chí Minh là ai. Sau lúc nghỉ, một ông già mặc quần áo vải chàm, như một ông ké người Nùng, dáng yếu mệt, chống gậy đi vào Hội trường. Ông cụ người gầy, có chòm râu đen lưa thưa, vầng trán cao, đôi mắt rất sáng... Có lẽ trong các hàng ghế cũng có nhiều đại biểu đã nhận ra, cả đại hội thoáng xôn xao lên, rồi lắng yên hẳn.
Cụ Hồ bắt đầu nói thong thả, chẳng khác nói chuyện bình thường. Giọng cụ ấm, sáng, gần gũi mà âm vang như tiếng chuông. Cụ kể lại, từ việc ta cứu một trung úy phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi, đưa qua biên giới cho anh ta về được tới đơn vị, do đó Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc đã mời đại biểu Việt Minh sang gặp. Rồi đến những cuộc tiếp xúc với những cơ quan của Mỹ, Pháp, Trung Hoa dân quốc, ở Trùng Khánh và ở Côn Minh. Có thể thấy trước, khi quân Ðồng minh vào Ðông Dương, sẽ có những mưu đồ rất phức tạp và những đe dọa từ mấy phía đối với nền độc lập của nước ta. Việt Minh có chuyển đến đại diện Chính phủ Pháp một bản yêu cầu gồm năm điểm, theo đó sẽ phải thực hiện phổ thông đầu phiếu bầu ra một nghị viện, có đại diện nước Pháp làm Chủ tịch, các quyền tự do đã được Liên hiệp quốc nêu lên phải được thi hành, và sau năm năm nước ta phải được độc lập.
Ðại hội nghe hết sức chăm chú, bầu không khí trở nên nghiêm nghị. Mấy đại biểu nêu lên thắc mắc, có đại biểu với lời lẽ căng thẳng, hỏi tại sao ta lại đưa ra điều khoản sau năm năm mới độc lập. Cụ Hồ từ tốn cười, trả lời: muốn đưa họ tới thương lượng, thì cũng phải cho họ thấy có cái gì có thể thương lượng. Cụ nói tiếp về tình hình mới: Mỹ đã ném bon nguyên tử xuống Nhật Bản, vua Nhật đã ra lệnh đầu hàng. Quân Ðồng minh sẽ vào. Ðó là quân Trung Hoa, quân Anh, Pháp. Ðờ Gôn cũng ở trong phe Ðồng minh. Chúng ta phải khởi nghĩa, giành lấy chính quyền từ tay người Nhật và chính phủ bù nhìn, trước khi quân đội Ðồng minh vào Ðông Dương. Và như vậy, với tư cách là những người chủ của đất nước, chúng ta sẽ tiếp đón quân đội Ðồng minh đến giải giáp quân đội Nhật.
Cụ Hồ đã nói xong và chống gậy đứng lên, thong thả bước xuống mấy bậc cầu thang gỗ.
Ðại hội nghỉ họp, để đưa tiễn bộ đội Giải phóng quân tiến về Thái Nguyên đánh Nhật...
... Ngày họp thứ hai, Quốc dân Ðại hội thông qua quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bầu Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Cả đại hội vỗ tay nhiệt liệt bầu cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ủy ban. Anh Trần Huy Liệu là Phó Chủ tịch. Các đại biểu được bầu vào Ủy ban cùng đi lên ra mắt. Hồ Chủ tịch thay mặt Ủy ban cảm ơn Ðại hội. Rồi trong im lặng trang nghiêm, Ủy ban tuyên thệ giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Một đoàn đại biểu nhân dân địa phương đến chào mừng, có cả mấy em bé...
Phần họp chính thức đã xong, một cuộc liên hoan "trong nhà" bắt đầu. Mỗi đại biểu phải có một "tiết mục" góp vui. Tôi là thanh niên và đại biểu văn hóa "phải" hát một bài. Tôi hát bài Thanh niên cứu quốc, có câu: "Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến - Tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh". Hồ Chủ tịch ngồi giữa các đại biểu bỗng nói: "Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu, thì không hợp nữa. Chú nên hát là "gươm đây, gươm đây!". Các đại biểu reo lên, cười. Từ lúc ấy, tôi thưa với Chủ tịch là Bác.
Trong câu chuyện vui với các đại biểu, Bác có dẫn mấy câu Kiều, hình như là "Ðến bây giờ, mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai". Một đại biểu nói: "Bác xa nước lâu thế vẫn nhớ Kiều!". Bác vui vẻ trả lời: "Càng xa mới càng nhớ chứ!".
Ủy ban giải phóng dân tộc họp bàn các vấn đề lãnh đạo khởi nghĩa và dự kiến những tình huống phức tạp, khi quân Ðồng minh vào. Các đại biểu sửa soạn gấp rút lên đường về các địa phương. Bác cho triệu tập tất cả các đại biểu đến một nhà sàn để Bác gặp.
... Tôi vẫn nhớ đó là một căn nhà sàn bỏ trống, chắc là mượn của một gia đình trong bản. Các đại biểu ngồi xúm xít quanh cái bếp lạnh giữa nhà. Bác đến, vẫn yếu nhiều, khi lên cầu thang phải có người đỡ. Bác ngồi tựa vào một cột nhà, thở mệt. Bên kiềng bếp chỉ có một chiếc ấm đất với một chiếc bát cũ, đã mẻ. Một chị đại biểu Hà Nội vội rót bát nước trà nguội, bưng đến. Bác uống nước rồi dặn dò các đại biểu những công việc rất tỉ mỉ. Bác chúc các đại biểu về nhanh các địa phương, giúp lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi. Anh chị em đỡ Bác xuống cầu thang, và đứng tụm dưới nhà sàn, nhìn theo bóng áo chàm của Bác xa dần trên con đường nhỏ vào núi.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi (Trích từ cuốn Quốc dân Đại hội Tân Trào, Văn phòng Quốc hội, 1995)
|