Chúng tôi vừa từ đại hội Tân Trào về, còn đương bề bộn trước những công việc ngày đầu của Chính phủ Lâm thời thì nhận được điện tín của Ủy ban Hành chính Trung Bộ báo cáo là Bảo Đại xin thoái vị, đề nghị Chính phủ Lâm thời phái đại biểu vào để nhận lễ thoái vị của y... Theo sự chỉ định của Trung ương Đảng và Chính phủ Lâm thời, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận và tôi được cử vào phái đoàn vô Huế do tôi làm trưởng đoàn. Tôi thay mặt cho Chính phủ Lâm thời, còn anh Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Mặt trận Việt Minh.
Hôm ấy, nhớ là ngày 25-8-1945, phái đoàn Chính phủ Lâm thời từ thủ đô Hà Nội ra đi bằng hai chiếc ô-tô, có một tiểu đội Giải phóng quân đi theo bảo vệ. Lúc ra đi cũng bình thường lắm, không có nghi thức gì. Sau này do tin tức tình báo, chúng tôi được biết là: chuyến đi này, bọn phản động Quốc dân Đảng dò biết đã ngầm phái người đi theo chực ám hại chúng tôi ở giữa đường, nhưng sau thấy không thể thực hiện được nên đến Thanh Hóa chúng trở lại.
Trước khi đi chúng tôi có đánh điện cho Ủy ban Hành chính Trung Bộ và Ủy ban Hành chính Trung Bộ đã thông báo cho ủy ban hành chính các tỉnh ở dọc đường. Báo tin cho biết vậy thôi chứ không có ý chờ đợi một cuộc đón tiếp long trọng gì, vì lúc ấy chúng tôi vừa mới ở nhà tù ra, mặc dù đã chấp hành nhưng cái gì cũng muốn xuề xòa xong thôi, không quen những nghi thức phiền phức long trọng. Từ Hà Nội đến Thanh Hóa dọc đường không có gì đáng kể. Gần đến tỉnh lỵ Thanh Hóa có đồng chí Lê Tất Đắc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thanh Hóa và các ủy viên ra đón tiếp phái đoàn. Đêm đầu chúng tôi ngủ lại đây để sáng mai đi sớm. Nếu từ đây đến Huế sự việc cũng diễn ra như thế thì thiên hồi ký này cũng không có chuyện gì để kể ở dọc đường. Nhưng từ ngày hôm sau, ra khỏi địa hạt Thanh Hóa, chúng tôi đã thấy lác đác có từng toán nhân dân chờ đón phái đoàn ở dọc đường. Mỗi khi có những cuộc tiếp đón như vậy chúng tôi đều xuống xe nói chuyện niềm nở ít câu rồi mới lại ra đi. Nhưng đường càng đi vào thì số nhân dân xuống đường chào đón càng đông. Nhất là khi phái đoàn bước vào địa hạt Nghệ- Tĩnh, sau đó là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, thì những người đón tiếp không phải từng toán riêng lẻ nữa mà là dày đặc hai vệ đường. Sau rồi chẳng những dày đặc hai vệ đường, mà còn đông nghịt cả cánh đồng hai bên đường, trong đó đủ cả lớn, bé, già, trẻ, trai, gái đánh trống, đánh chiêng, đánh thanh la ầm ĩ... Các bạn đọc đến đây cũng đừng quên rằng: Chính phủ của chúng ta lúc ấy chân ướt chân ráo lên cầm quyền thiếu thốn đủ thứ, nên phái đoàn ra đi cũng không có lấy một cái máy ảnh, một máy phóng thanh mang theo. Mỗi khi nói chuyện với nhân dân, tôi thường phải đứng trên một cái bàn. Một cái bàn không đủ cao lại phải chồng thêm một cái ghế nữa. Câu chuyện cũng vắn tắt, đại để nói nhân dân ta khổ vì thực dân và phong kiến thống trị đã lâu, nay bọn thực dân đã đổ rồi, vua quan phong kiến cũng đã hết thời rồi. Chính phủ Lâm thời là chính phủ của nhân dân ta dựng lên, nay vào Huế để bắt Bảo Đại thoái vị. Từ nay, nhân dân ta được sống một cuộc đời độc lập, dân chủ và tự do, ngày càng sung sướng. Phái đoàn Chính phủ Lâm thời gửi lời chào tất cả các cụ, các ông, các bà, các anh, chị, em có mặt ở đây và chuyển lời của chính phủ tới tất cả các bà con làng xóm... Lúc ấy chúng tôi chưa dám nói đến Hồ Chủ tịch và Người chưa ra mắt quốc dân đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Người nghe lúc ấy cũng chưa quen hô khẩu hiệu, còn có nhiều người chưa biết cả vỗ tay. Có nơi chúng tôi gặng hỏi thì "dạ" um lên. Có nhiều nơi nghe chuyện xong thì thường cho một chập trống, kèn, thanh la, chũm chọe vang ầm.
... Hôm nay viết tập hồi ký này tôi vẫn giữ được ấn tượng của từng lớp sóng người trùng trùng, điệp điệp từ Nghệ An đến Thừa Thiên, tiếng hò reo lẫn tiếng trống, tiếng thanh la vang dậy cả không trung và vang dậy cả cõi lòng của mỗi người. Từ trên chiếc bàn cao nhìn xuống, tôi thấy đông đảo đồng bào đủ các lứa tuổi và có lẽ đủ các tầng lớp, ai cũng hớn hở thấy cần phải reo lên, cần phải nhảy lên vì những vui sướng tác động ở trong người. Tôi cũng được truyền cảm say sưa từ sóng người say sưa ấy. Bây giờ nhớ lại tôi nghĩ nếu đời người ta, tình yêu đầu tiên vẫn là tình yêu ngây thơ nhất, thắm thiết nhất, say mê nhất, thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, theo chủ quan của tôi, cái phong vị của những ngày đầu sau cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi vẫn đậm đà nhất, nhớ lâu nhất.
Từ Thanh Hóa đến Quảng Trị phái đoàn đi đến đâu đều ghé thăm ủy ban hành chính mỗi tỉnh mà trụ sở của nó là dinh công sứ cũ. Giang sơn, đất nước vừa mới đổi chủ, vết tích cũ chưa xóa hết nhưng phong độ cũ của con người mới thì thật hoàn toàn khác xưa. Điều đáng chú ý là: những người ra đảm đương chính quyền mới bây giờ hầu hết là những chính trị phạm mới ở nhà tù ra, đối với tôi phần nhiều đã quen biết từ trước. Cũng vì vừa mới ở trong xó tối nhà tù ra, có người còn rất bất ngờ với nghi thức, ngay đến cả những hình thức cần thiết. Anh bạn tôi một ủy viên hành chính tỉnh đã mặc chiếc quần cụt khi tiếp đón phái đoàn. Và mặc dầu danh nghĩa đã khác, nhưng chính trị phạm mỗi khi gặp nhau thường là hỏi thăm tin tức các bạn tri kỷ và nhắc đến những chuyện cũ trong nhà tù, chỉ thiếu điều xưng hô "mày tao" trước công chúng. Anh Nguyễn Lương Bằng cùng đi với tôi chuyến này vừa làm công tác phái đoàn vừa làm công tác của Đảng trong những ngày chính quyền mới về tay nhân dân.
Phái đoàn đến địa phận Thừa Thiên thì đã có đại diện của Ủy ban Hành chính Trung Bộ và Ủy ban Hành chính tỉnh Thừa Thiên ra đón, có cả các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu và Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thừa Thiên hồi đó. Theo chương trình đã định, phái đoàn trước khi về trụ sở Ủy ban Hành chính Trung Bộ, tức dinh khâm sai cũ, đã dự cuộc mít-tinh tại sân vận động Huế. Trước hàng vạn nhân dân, tôi thay mặt phái đoàn chính phủ nhận lễ thoái vị của Bảo Đại. Tả sao hết nỗi vui mừng của quần chúng khi được tin chế độ quân chủ sắp chấm dứt cùng với chế độ thực dân...
Trần Huy Liệu (Trích Hồi ký- NXB Khoa học xã hội - Hà Nội, 1991)
|