Sinh viên chơi đề
Có mặt tại một quán nước trong khu vực một trường đại học của thủ đô vào cuối giờ chiều, chúng tôi thấy khoảng năm, sáu bạn trẻ vừa ngồi bên chén nước chè, hút thuốc, vừa mải mê nghiên cứu kết quả sổ xố của rất nhiều ngày. Thế rồi, năm, sáu bạn trẻ kia quay ra đề nghị người chủ quán nước cho ghi lô, đề, người ít, người nhiều với tổng số tiền của cả năm người lên đến gần một triệu đồng.
Có lẽ, hiện tượng sinh viên tham gia cờ bạc, lô, đề đã không còn lạ đối với nhiều người, bởi nó diễn ra rất thường xuyên, hằng ngày mà không thể kiểm soát được. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam vừa hoàn thành báo cáo một số thực trạng về sinh viên ngoài ký túc xá. Văn bản này được xây dựng trên phương pháp tổng hợp, phân tích các báo cáo, các công trình nghiên cứu của nhiều cơ quan chức năng và kết quả điều tra xã hội học vừa được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tiến hành khá công phu vào tháng 12-2005. Ðã có gần 3.000 sinh viên cả nước tham gia chương trình điều tra xã hội học này và kết quả cho thấy những con số rất đáng lo ngại về thực trạng sinh viên ở ngoài ký túc xá. Ðáng chú ý là: Sinh viên uống rượu, tụ tập khuya: 58%; sinh viên đánh bạc: gần 50%; sinh viên chơi lô, đề: 38,5%; xem phim đồi trụy: 22,8%...
Cũng theo báo cáo này, số sinh viên ngoài ký túc xá vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường, vi phạm pháp luật nhiều hơn số sinh viên ở nội trú, nhất là hiện tượng đi học muộn, trốn tiết... Theo PC13 Công an Hà Nội, số vụ phạm pháp hình sự đã xảy ra ở nơi sinh viên thuê trọ cao gấp hai lần so với ở ký túc xá và tính chất cũng đa dạng và nguy hiểm hơn.
Những số liệu nêu trên lại là vấn đề rất cần được sự quan tâm giải quyết của các cơ quan chức năng.
Cần quan tâm nhiều hơn sinh viên ngoài ký túc xá
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong tổng số 310 trường đại học, cao đẳng, THCN, có 52 trường không có ký túc xá sinh viên. Các trường có ký túc xá chỉ đáp ứng được gần 12% số sinh viên có nhu cầu. Như vậy, có đến hơn 88% số sinh viên phải ở ngoài ký túc xá và có gần 90% trong số đó phải thuê nhà trọ để ở. Theo các cán bộ Ban Thanh niên Trường học T.Ư Ðoàn, trong những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương, cơ quan công an đã tăng cường công tác quản lý sinh viên trên địa bàn dân cư.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên ngoại trú; UBND một số tỉnh, thành phố đã ban hành quyết định về công tác sinh viên ngoại trú; các trường đại học, cao đẳng đã tích cực phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh quản lý sinh viên ngoại trú.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ở 20 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô của Ban Ðại học Thành ủy Hà Nội về công tác quản lý sinh viên ngoại trú, có hơn 79% số cán bộ, giáo viên và 55% số sinh viên cho rằng, quản lý lỏng lẻo. Trong khi đó, hơn 78% số sinh viên ngoài ký túc xá được hỏi đã cho biết không tham gia các hoạt động đoàn, hội ở địa phương, nơi cư trú. Như vậy, có một bộ phận không nhỏ sinh viên ngoài ký túc xá xa rời các hoạt động đoàn thể.
Hiện nay, công tác tập hợp, giúp đỡ, định hướng cho sinh viên ở ngoài ký túc xá xây dựng đời sống lành mạnh, ý thức học tập tốt, tinh thần chung sức cùng cộng đồng, tránh xa và phòng, chống các tệ nạn xã hội đã và đang là nhiệm vụ "nóng" của không chỉ tổ chức đoàn, hội mà của toàn xã hội, nhất là các bậc cha mẹ, nhà trường, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Trên thực tế, nhu cầu của sinh viên được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí lành mạnh là rất lớn nhưng chưa được đáp ứng kịp thời. Bên cạnh đó, công tác giáo dục tư tưởng, động viên, khuyến khích sinh viên đến với lối sống đẹp, sống có ích của các tổ chức đoàn, hội, nhà trường... còn hạn chế. Việc xây dựng, nuôi dưỡng và tuyên dương kịp thời những hình mẫu sinh viên tiêu biểu chưa được thực hiện thường xuyên, còn dựa vào kỳ cuộc, vì vậy chưa thể phát huy hiệu quả trong các bạn trẻ. Bên cạnh đó, Hội Sinh viên các nhà trường cần được sự quan tâm, tạo điều kiện thiết thực hơn nữa từ Ban Giám hiệu, Hội Sinh viên cấp trên để khẳng định, phát huy vai trò của mình thực hiện công tác tập hợp, giúp đỡ sinh viên trong cuộc sống và học tập. Vai trò của Hội Sinh viên cấp trường là một trong những hạn chế của phong trào sinh viên những năm qua.
Ðể góp phần giải quyết tình trạng nêu trên, vừa qua, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên ngoài ký túc xá. Trong đó, đáng chú ý và cần tập trung thực hiện tốt là: Tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu nhà trọ tốt và giới thiệu việc làm thêm ngoài giờ học cho sinh viên; phối hợp tổ chức đoàn, hội địa phương động viên, khuyến khích sinh viên ngoại trú tham gia các hoạt động đoàn thể; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí lành mạnh, giao lưu sinh viên. Ðặc biệt, cần triển khai nhiều sân chơi học thuật, tăng giờ mở cửa thư viện, hỗ trợ sinh viên tài liệu nghiên cứu, học tập. nắm bắt thông tin thời sự.... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của T.Ư, các bộ, ngành liên quan cần chú trọng việc xây dựng các ký túc xá sinh viên, ban hành chế độ ưu đãi sinh viên khi tham gia các dịch vụ công, như: đi tàu, đi xe, xem phim, thưởng thức ca nhạc; tạo điều kiện để sinh viên được đến với nhiều thư viện để học tập, nghiên cứu...
|