Thầy thuốc ở Trường Sa
Các Website khác - 25/01/2006
Những thầy thuốc - chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa phải vượt lên nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Họ không chỉ chữa bệnh cho các chiến sĩ mà cho cả người dân.
Những ngày ở đảo Song Tử Tây, hòn đảo đầu tiên ở phía bắc quần đảo Trường Sa, chúng tôi được anh em chiến sĩ đón chào bằng những tấm lòng rất chân thành và mộc mạc của người lính. Sinh năm 1975 ở Nam Trực - Nam Định, tốt nghiệp Học viện Quân y, bác sĩ Đặng Văn Hùng có mặt ở đảo Song Tử Tây từ tháng 3-2003 với chức danh Tổ trưởng tổ quân y.

Anh Hùng cho biết: "Khối lượng công việc ở ngoài đảo nhiều hơn, đa dạng hơn so với đất liền vì bọn mình phải xử lý tất cả các loại bệnh và chấn thương, nên anh em chỉ có cách là tự học thêm nhiều qua sách, tài liệu mới đáp ứng được yêu cầu công việc". Đặc biệt, do sự xa xôi cách trở với đất liền, trang thiết bị y tế thiếu thốn, các thầy thuốc ở đảo phải độc lập tác chiến, đặc biệt phải có sự quyết đoán nếu cần chỉ được tư vấn từ đất liền qua điện thoại. Do vậy, chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp ở Trường Sa đặc biệt quan trọng.

Trong thời gian ở đảo, cùng với việc khám chữa bệnh cho các chiến sĩ, bác sĩ Hùng đã khám, cấp thuốc, chữa bệnh cho rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và ngư dân bị bệnh khi đi biển phải đưa vào cấp cứu. Anh Đặng Văn Hùng nhớ lại: Đó là một ngày đầu năm 2004, bệnh nhân Võ Văn Mệnh, ngư dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi bị đau ruột thừa khi đang ở biển. Sau khi nhận được điện cấp cứu của người nhà anh Mệnh, các anh đã sẵn sàng đón bệnh nhân, nhưng phải sau gần hai ngày, bệnh nhân mới tới được đảo trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Ngay lập tức, bác sĩ Đặng Văn Hùng và các y sĩ tổ chức cấp cứu và sau gần 3 giờ phẫu thuật, anh Mệnh đã được cứu sống.

Ở đảo Đá Lát có ngư dân đến cấp cứu do bị giảm áp (bệnh phát sinh do lặn quá sâu) nhưng sóng lớn không vào được đảo, bác sĩ của đảo là Lê Thế Hùng bất chấp mọi nguy hiểm tới tính mạng, chèo thuyền ra ngoài khơi cấp cứu. Sau ba ngày đêm liên tục vật lộn với sóng to, gió lớn, bác sĩ Lê Thế Hùng đã giúp ngư dân gặp nạn vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ngoài việc cấp cứu, chữa bệnh cho các ca cấp cứu khẩn cấp, các thầy thuốc ở Trường Sa còn khám và cấp thuốc miễn phí cho nhiều bà con ngư dân đi biển dài ngày bị bệnh. Từ những việc làm trên, tình cảm quân dân của chiến sĩ ở các đảo của Trường Sa với bà con ngư dân ngày một khăng khít, bà con coi đảo là nhà, chiến sĩ là người thân, thỉnh thoảng lại ghé thăm đảo với ít cá mực làm quà.

Không chỉ thực hiện công việc chữa bệnh cứu người, các thầy thuốc ở Trường Sa còn phải thực hiện nhiệm vụ của một chiến sĩ và sử dụng thành thạo các loại vũ khí ở đảo. Y sĩ Đoàn Minh Hiển ở đảo Đá Thị cho biết: Cùng với việc chăm sóc sức khỏe của bộ đội các anh cũng gác đêm, sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hiển cho chúng tôi xem hai cánh tay rắn chắc, sạm nắng biển nói: "Các anh thấy không, mới có ba tháng sống ở Trường Sa thôi đấy, phen này về nhà chắc lũ bạn không dám chê em mặt búng ra sữa...".

Có lẽ, với lính đảo Trường Sa nói chung và những chiến sĩ quân y nói riêng mà chúng tôi đã gặp có một nét chung đó là tinh thần lạc quan, vui vẻ. Hỏi bác sĩ Đào Tấn Lực ở đảo Sinh Tồn và nhận được câu trả lời rất mộc mạc: "Chắc tại sống gần biển con người cũng hào sảng, vui vẻ và có sống lạc quan như vậy thì người lính Trường Sa chúng tôi mới vững vàng tay súng nơi tiền tiêu của Tổ quốc được chứ". Không biết lý do đó có đúng không nhưng đến tổ quân y của đảo nào cũng thấy sau giờ làm việc các anh lại hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Các bác sĩ được tăng cường ra Trường Sa thường từ các bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện quân y 103 với nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng khi ra đảo anh em vẫn thường đùa rằng tất cả là bác sĩ "đa khoa" cả. Thực ra, đây là nỗi trăn trở lớn nhất của không ít y, bác sĩ trẻ khi ra Trường Sa vì không có điều kiện trau dồi chuyên môn của mình dẫn tới kiến thức bị mai một và tụt hậu ngay với những đồng nghiệp cùng trang lứa ở đất liền. Các đoàn công tác ra Trường Sa thường mang rất nhiều sách báo, nhưng lại có quá ít sách chuyên môn về y học được đem ra đảo. Do vậy việc tiếp cận với những thông tin chuyên môn và tiến bộ của y học đối với thầy thuốc ở Trường Sa rất hạn chế. Một y sĩ trẻ ở đảo Sinh Tồn đã tâm sự: Điều mơ ước lớn nhất của em khi trở về đất liền là được tiếp tục học tập thêm về y thuật để trở thành một bác sĩ giỏi. Anh bạn y sĩ còn hóm hỉnh: "Nếu có điều kiện em sẽ nghiên cứu các loại thuốc có nguồn gốc từ san hô và tảo biển, vì mới ra đây được một năm nhưng em đã biết được rất nhiều loại san hô. Và em tin chắc rằng nếu bỏ công nghiên cứu có thể tìm ra được những loại thuốc điều trị mới để chữa bệnh".

Theo Sức khỏe và đời sống