Theo thống kê sơ bộ của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay, đã có hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị buôn bán qua biên giới. Phụ nữ bị dụ dỗ, lừa gạt, buôn bán qua hình thức môi giới hôn nhân. Trẻ em bị buôn bán dưới danh nghĩa nhận con nuôi.
Liên Hợp Quốc cho rằng nạn buôn bán người hiện nay lớn gấp 10 lần về quy mô so với nạn buôn nô lệ vào thế kỷ 19 và đang là vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Ước tính, hằng năm có khoảng 4 triệu người, phần lớn là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Riêng ở khu vực Đông Nam Á có khoảng 200-250.000 phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm. Các nạn nhân thường bị bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động và phải đi ăn xin có tổ chức.
Tại Việt Nam, vấn nạn này đang có chiều hướng gia tăng. Những phụ nữ trẻ chưa chồng, trình độ học vấn thấp và hầu như không có thông tin đều là những đối tượng có nguy cơ bị lừa gạt cao. Các nạn nhân thường bị lừa sang Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia và Thái Lan. Hành vi lừa gạt, câu móc của bọn tội phạm rất tinh vi. Ngoài thủ đoạn dụ dỗ phụ nữ đi làm xa, lấy chồng ngoại, bọn lừa đảo còn "sáng tạo" ra những chiêu thức mới như qua hình thức du học, lao động xuất khẩu, du lịch. Điển hình như một trường hợp ở Hải Dương. Nạn nhân được một nhóm người đến giới thiệu, mời chào đi du học. Em gái này không những phải mất hơn 10 triệu đồng để lo lót "thủ tục" mà còn bị bán cho một nhóm người ở Trung Quốc.
Đau lòng hơn khi một gia đình ở Nghệ An mất cả 3 đứa cháu gái. Mọi chuyện bắt đầu khi một nhóm người đến giới thiệu là đại diện của một công ty xuất khẩu lao động đi tuyển người, cả gia đình đã chạy vạy lo lót cho ba đứa cháu được đi "tây" làm việc. Nhưng một năm trời trôi qua, gia đình không hề nhận được tin tức của những đứa trẻ này. Chẳng ai biết chúng ở đâu và cũng chẳng biết công ty nào đã đưa cháu mình đi nước ngoài. Lo lắng và ân hận, mọi người đều cứu cạnh khắp nơi, mong nhận được tin tức của con cháu mình.
Theo Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Thị Khuê, nguyên nhân của tình trạng buôn bán người là do sự nghèo đói, người dân muốn được xuất ngoại để cải thiện đời sống, hoặc bị dụ dỗ đi làm xa lấy tiền nuôi gia đình. Cũng có trường hợp do xung đột gia đình mà người phụ nữ muốn thay đổi cuộc sống nhưng họ đâu ngờ lại bước chân vào cuộc sống đầy tủi nhục. Một phần nguyên nhân là do nhu cầu lấy vợ của đàn ông Trung Quốc quá lớn nên nhiều môi giới đã sang Việt Nam tìm kiếm và mời chào phụ nữ và những trẻ em gái mới lớn.
Trong 10 năm gần đây, các địa phương phía Bắc phát hiện khoảng 15.000 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc hoặc tự nguyện sang lấy chồng. Có không ít phụ nữ kết hôn giả khi sang Đài Loan đã bị bán, phải làm mại dâm. Ngoài ra, số trường hợp phải ly hôn chiếm khoảng 20% do không hoà hợp với chồng hoặc bị đối xử tồi tệ, làm vợ tập thể…
Những phụ nữ này có nguy cơ mắc HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục và thường bị chồng và họ hàng nhà chồng cưỡng hiếp và lạm dụng. Nếu những phụ nữ này tìm cách trở về Việt Nam, họ thường bị phân biệt đối xử và rất khó hòa nhập cộng đồng cũng như rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã có Quyết định 130 với 4 đề án phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán người qua biên giới. Theo đó, đề án phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Biên phòng chủ công thực hiện. Đề án tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng chống tội phạm do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì. Việc tiếp nhận những nạn nhân là phụ nữ, trẻ em từ nước ngoài trở về do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đảm nhiệm. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do Bộ Tư pháp chủ trì. Ngoài ra hai bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm thực hiện những công việc liên quan.
Trịnh Vũ
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Phải có biện pháp mạnh và quyết liệt hơn (07/11/2005)
▪ Cơ chế lây truyền, dịch tễ, diễn biến lâm sàng của người bệnh H5N1 có dấu hiệu biến đổi (07/11/2005)
▪ Bắc Giang nỗ lực dập dịch cúm gia cầm (07/11/2005)
▪ Truy tìm “sát thủ” cúm Tây Ban Nha 1918 (07/11/2005)
▪ Khi con trẻ bị "ngược đãi tinh thần" (07/11/2005)
▪ Ðánh giá đúng vấn đề dạy thêm, học thêm (07/11/2005)
▪ Rắc rối thực trạng tranh chấp di sản thừa kế (07/11/2005)
▪ Cách mạng Tháng Mười và con đường cách mạng Việt Nam (07/11/2005)
▪ Già làng, nghệ nhân Duôm Dai Bát (07/11/2005)