Những đòi hỏi khách quan và bức thiết
Quốc hội nước ta sắp tròn 60 tuổi. 60 năm với 11 khóa, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, Quốc hội nước ta đã không ngừng chăm lo xây dựng và hoàn thiện pháp luật - công cụ pháp lý cực kỳ quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong từng thời kỳ.
Ngay từ ngày đầu mới thành lập Nhà nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vai trò lập hiến và lập pháp của Quốc hội nước ta đã thể hiện một cách
sâu sắc. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Ðình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước ta chính thức ra đời ngay từ ngày đó.
Tuy vậy, trên thực tế, Nhà nước ta lúc đó mới chỉ có bộ máy hành chính mang tính chất lâm thời. Ðể bảo đảm tính pháp lý và uy tín của Nhà nước trước toàn thể nhân dân và cộng đồng thế giới, mặc dù lúc đó tình hình rất khó khăn và phức tạp, nhưng Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta bầu đại biểu Quốc hội khóa I đã thành công rực rỡ.
Quốc hội khóa I thay mặt nhân dân cả nước thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên - cơ sở pháp lý cao nhất để củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, khẳng định tính pháp lý của một Nhà nước trước thế giới, đồng thời là một dấu mốc thể hiện sự hoàn chỉnh về cơ bản bộ máy nhà nước. Lần đầu trong lịch sử một thể chế dân chủ đại diện được nhân dân trực tiếp bầu ra đã ra đời ở nước ta.
Kể từ đó, với vai trò là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, Quốc hội nước ta đã không ngừng phấn đấu để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ðến nay nước ta đã trải qua bốn bản Hiến pháp (Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992), Hiến pháp sau kế thừa và phát triển Hiến pháp trước, không phủ định Hiến pháp trước như một số nước và giữ vị trí đứng đầu trong hệ thống pháp luật. Trên cơ sở các Hiến pháp đó, hàng trăm đạo luật, bộ luật, sắc luật, sắc lệnh, pháp lệnh đã lần lượt ra đời với nội dung tiến bộ, vừa kế thừa và phát triển những giá trị vốn có của dân tộc ta, phù hợp thực tiễn nước ta trong từng thời kỳ, vừa tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại. Nhờ đó mà nền tảng chính trị - pháp lý của nước ta ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển vững chắc.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội đang đứng trước những đòi hỏi khách quan và bức thiết:
Một là, việc đổi mới và hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ mọi trở ngại về cơ chế chính sách và thủ tục hành chính nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, tạo sức bật mới cho sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau đang trở thành đòi hỏi cấp bách của sự phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Từ thực tiễn gần 20 năm tiến hành đổi mới có thể khẳng định rằng: Không sớm xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi và minh bạch thì không thể phát huy được mọi nguồn lực, không có vốn để đầu tư, không có công nghệ cao để đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, không thể có quản lý tiên tiến, có hiệu lực và hiệu quả, không thể có các loại hình thị trường tồn tại và phát triển lành mạnh, không có phương tiện tổ chức và thực hiện trên quy mô cả nước các chính sách xã hội,...
Ðiều đó đòi hỏi Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội nói riêng, phải nâng cao năng lực lập pháp để nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển.
Hai là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là Nhà nước phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, quy định rõ ràng, minh bạch quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước nói chung, của các cá nhân trong bộ máy nhà nước nói riêng đối với Nhà nước, xã hội và công dân; thể chế hóa và ghi nhận kịp thời các quyền con người, quyền công dân; hình thành cơ chế pháp lý bảo vệ một cách hữu hiệu nhất các quyền con người, quyền công dân; bảo đảm cho tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi một mặt, phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các tiêu chí nói trên, mặt khác, hệ thống pháp luật đó phải được các thành viên của xã hội tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Do vậy, mức độ hoàn thiện pháp luật và tuân thủ pháp luật về quyền con người, quyền công dân trở thành tiêu chí để đánh giá tính pháp quyền của một nhà nước.
Ðiều đó đòi hỏi Quốc hội nói chung, các đại biểu Quốc hội nói riêng phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền con người, quyền công dân và cơ chế để bảo vệ quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Ba là, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường và khuôn khổ pháp lý cho mở cửa, hội nhập và phát triển, đồng thời làm phương tiện sắc bén để đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong điều kiện quốc tế đang tiếp tục có nhiều biến đổi phức tạp, đang trở thành nhu cầu cấp bách để xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế theo đường lối mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Ðiều đó đòi hỏi Quốc hội phải nhanh chóng hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập và mở cửa.
Bốn là, hệ thống pháp luật nước ta sau gần 20 năm đổi mới, tuy đã từng bước hình thành và hoàn thiện góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng các đòi hỏi trên, còn bộc lộ những yếu kém. Ðó là, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thiếu toàn diện. Nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội vẫn chưa có luật điều chỉnh.
Nhiều luật đã ban hành còn thiếu độ minh bạch, thiếu ổn định; nhiều quy định không trực tiếp điều chỉnh được các quan hệ xã hội phải chờ đợi văn bản hướng dẫn mới đi vào cuộc sống, cho nên kém hiệu lực, hiệu quả. Nội dung của một số văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn, còn mang nặng mong muốn chủ quan, vì vậy tính khả thi thấp.
Tình hình đó, đặt Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước hai nhiệm vụ rất nặng nề: Một mặt, phải ban hành nhiều văn bản luật mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; mặt khác, phải sửa đổi, bổ sung những văn bản luật hiện hành nhằm khắc phục những yếu kém vốn có trong bản thân hệ thống pháp luật.
Nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội như thế nào?
Trước những đòi hỏi khách quan và bức thiết nói trên, nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội nói chung, của các Ðại biểu Quốc hội nói riêng, trong thời gian tới, cần tập trung vào những định hướng sau đây:
Thứ nhất, nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế - dân sự mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trải qua 20 năm đổi mới, các quan hệ kinh tế thị trường nhiều thành phần đã ra đời ở nước ta và pháp luật đã đóng vai trò to lớn trong quá trình ấy. Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện, tư duy pháp lý kinh tế thị trường chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, năng lực lập pháp và lập quy còn bất cập so với nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.
Do đó, nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế - dân sự là một định hướng quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng lực lập pháp của đại biểu Quốc hội nước ta hiện nay. Theo đó, cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau đây:
- Nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh. Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện chế độ trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu nhà nước và các chủ sở hữu khác, cơ chế bảo đảm quyền sở hữu và hạn chế quyền sở hữu... Hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh; tạo cơ sở pháp lý để huy động mọi tiềm năng, nguồn lực vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo lập môi trường pháp lý cho sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với nguyên tắc của WTO, BTA và các cam kết quốc tế khác. Xây dựng một khung pháp lý chung cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý cho sự hình thành và phát triển lành mạnh các loại hình thị trường; thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường chứng khoán,...
- Nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tài nguyên và môi trường với tư duy pháp lý chặt chẽ, phát triển bền vững, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Nâng cao năng lực lập pháp về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phải đi đôi với nâng cao năng lực lập pháp về kinh tế - dân sự. Có như vậy mới tạo lập sự tác động qua lại tích cực giữa thượng tầng kiến trúc với hạ tầng cơ sở. Nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trước hết cần đổi mới tư duy theo định hướng: xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Ðiều đó có nghĩa là, xây dựng Quốc hội trở thành thiết chế mạnh, thực quyền, lấy Ủy ban, Hội đồng Dân tộc và đại biểu Quốc hội làm hai trụ cột chính.
Chuyển phương thức hoạt động tại kỳ họp Quốc hội từ tham luận, minh họa, chứng minh, nêu vấn đề, hỏi để biết sang phương thức hoạt động chủ yếu là phản biện, tranh luận, quy trách nhiệm. Các quyết định của Quốc hội chủ yếu tồn tại dưới hình thức luật. Xây dựng một nền hành pháp thông suốt trong sạch, trong đó Chính phủ giữ đúng vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, một Chính phủ mạnh, là người cầm lái chứ không phải bơi chèo; các cơ quan hành chính nhà nước từ bỏ vai trò chủ quản đối với các doanh nghiệp để tập trung quản lý nhà nước theo pháp luật. Các thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch. Xây dựng một nền tư pháp là biểu tượng của công bằng và công lý, trong đó tòa án là yếu tố trung tâm với nguyên tắc xét xử độc lập, đúng pháp luật, kịp thời, với thủ tục tố tụng thật sự dân chủ, tranh tụng bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện, bảo đảm cho nhân dân tham gia và giám sát hoạt động tư pháp.
Cùng với việc xây dựng bộ máy nhà nước, cần phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Nâng cao năng lực lập pháp trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trước hết là nâng cao năng lực thể chế mối quan hệ giữa trách nhiệm của nhà nước nói chung, của cơ quan và cá nhân có thẩm quyền nói riêng với cá nhân công dân theo hướng đề cao nhân tố con người, tạo điều kiện cho con người thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền công dân về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Theo hướng đó, cần phải xây dựng Luật về bồi thường nhà nước, Luật về lập hội, Luật về biểu tình, Luật về trưng cầu ý dân,...
Thứ ba, nâng cao năng lực lập pháp trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giáo dục, khoa học - công nghệ và các vấn đề xã hội.
Ðây là một lĩnh vực có nội dung điều chỉnh bằng pháp luật rất rộng, phong phú, đa dạng, phức tạp với nhiều tư duy pháp lý mới. Trong đó, cần quan tâm đến các tư duy, như xã hội hóa trong giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao; coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; tạo lập thị trường khoa học - công nghệ; phát huy tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo, xóa đói, giảm nghèo và công bằng xã hội; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, phát huy những yếu tố tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo... nâng cao năng lực lập pháp trong lĩnh vực văn hóa - xã hội chính là nâng cao năng lực thể chế hóa các tư duy pháp lý này thành các quy phạm pháp luật điều chỉnh có hiệu lực và hiệu quả các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này.
Thứ tư, nâng cao năng lực nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã gia nhập hoặc ký kết.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế, Nhà nước ta đã và sẽ tiếp tục ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tín dụng quốc tế, sở hữu trí tuệ, thuế quan, bảo vệ môi trường, tương trợ tư pháp, chống khủng bố quốc tế, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống rửa tiền, chống tham nhũng... Vì vậy, tăng cường năng lực nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập là một trong những phương hướng quan trọng trong việc nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội nước ta hiện nay.
Các giải pháp nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội
Ðể nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội nói chung, các đại biểu Quốc hội nói riêng, theo các định hướng nói trên, cần tiến hành các giải pháp sau:
Một là, nâng cao năng lực lập pháp, phát huy vai trò của mình, đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội phấn đấu thực hiện cho được "quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội" theo quy định của Hiến pháp.
Ðể thực hiện quyền này, cần đổi mới quan niệm về việc trình kiến nghị dự án luật. Dự án luật mà đại biểu Quốc hội trình ra Quốc hội không nên quan niệm là một đạo luật với nhiều chương, mục và điều, đồ sộ, có nội dung rộng lớn như dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội lâu nay.
Ở các nước phát triển, nghị sĩ cũng chưa đưa trình được các dự án luật như vậy mà chỉ là những dự án luật về một vấn đề bức xúc nào đó do cử tri hoặc cuộc sống đòi hỏi. Ở nước ta, các điều kiện để thực hiện quyền này tuy còn hạn chế, nhưng nếu bám sát thực tiễn cuộc sống, quan hệ mật thiết với cử tri, đại biểu Quốc hội có thể và có khả năng phát hiện, đưa trình sáng kiến về việc ban hành một đạo luật với một vài điều có tác dụng điều chỉnh kịp thời, có tính khả thi cao làm thay đổi một vài hành vi xử sự của con người. Ðại biểu Quốc hội cũng có thể nêu sáng kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của một đạo luật hiện hành, đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, mong mỏi của nhân dân. Ðể làm tốt điều đó, cần nhanh chóng triển khai phương thức ban hành một luật để sửa đổi nhiều luật có liên quan nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội đưa sáng kiến lập pháp về việc sửa một điều hay một số điều của luật hiện hành.
Hai là, nâng cao năng lực làm luật của đại biểu Quốc hội nói chung và của đại biểu Quốc hội nữ nói riêng:
- Nâng cao năng lực lập pháp cho đại biểu Quốc hội, trước hết cho đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu nữ bằng việc tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo khoa học về kinh tế thị trường, về kỹ thuật lập pháp, về xây dựng nhà nước pháp quyền, về hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực,...
- Sửa đổi quy trình lập pháp, tạo lập cơ chế khuyến khích đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp.
- Có cơ chế chính sách thu hút các hiệp hội, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi tham gia nghiên cứu, thẩm định, thẩm tra các dự án luật giúp các đại biểu Quốc hội các luận cứ khoa học và thực tiễn để quyết định lựa chọn, chính sách, mô hình pháp lý tối ưu điều chỉnh các quan hệ xã hội khi xem xét, thẩm tra và quyết định thông qua luật.
|