Ngày 18-9 là một ngày trọng đại nhất trong năm đối với người dân Chi-lê. Năm nay chúng tôi kỷ niệm lần thứ 195 Ngày độc lập và tưởng nhớ các vị anh hùng đã chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Ðất nước chúng tôi, cũng như phần lớn các nước Mỹ la-tinh khác, là thuộc địa của đế quốc Tây Ban Nha từ thế kỷ 16. Các thuộc địa bắt đầu lớn mạnh, phát triển và đồng thời có những ý tưởng riêng về tương lai của mình.
Ngày 18-9-1810, một nhóm những người yêu nước Chi-lê đã ra tuyên bố về nền độc lập của đất nước, mở đầu một cuộc chiến tranh lâu dài kết thúc vào năm 1818, với chiến thắng của đội quân yêu nước Chi-lê trước quân đội thực dân Tây Ban Nha. Lễ hội được tổ chức trên toàn quốc để kỷ niệm ngày này gồm lễ duyệt binh, các lễ hội và các điệu múa dân gian, cùng với các món ăn truyền thống và các loại rượu vang nổi tiếng của Chi-lê. Năm nay nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh chúng tôi tổ chức một buổi chiêu đãi trọng thể tại Hà Nội, để đón tiếp các quan chức và bạn bè Việt Nam, cùng với Ðoàn ngoại giao và một ít kiều dân Chi-lê. Không có gì thú vị hơn bằng việc cùng ngồi quanh một bàn ăn, với các món ăn và một cốc rượu vang Chi-lê, để làm quen và gần gũi với các bạn Việt Nam.
Trên đường phát triển và hội nhập quốc tế
Ngày nay Chi-lê được hưởng một sự ổn định chính trị và kinh tế vững chắc. Chúng tôi là một nước nhỏ, với chỉ 15 triệu người nhưng năm vừa qua kim ngạch xuất khẩu đã đạt được 32 tỷ USD. Các sản phẩm của Chi-lê như rượu vang, đồng, cá hồi và các loại hoa quả ngày nay đã nổi tiếng trên các thị trường chính của thế giới. Tổng thống Lagos người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 3-2006, được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo lớn của khu vực Mỹ la-tinh và là người kế tục hội nhập Chi-lê với thế giới. Trong 15 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của tổng sản phẩm quốc nội (PIB/GDP) đạt 6,1%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 15,3 tỷ USD năm 1996 lên 32,1 tỷ USD năm 2004. Chúng tôi đã đạt được các thỏa thuận trợ giúp kinh tế với hầu hết tất cả các nước Mỹ la-tinh và các thỏa thuận về tự do thương mại với Trung Mỹ, Mêxico, Mỹ, Canada. Liên hiệp châu Âu (EU) và Hàn Quốc, Singapore, Brunei. Hiện nay chúng tôi đang đàm phán để ký kết Hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc, Ấn Ðộ và cùng với Nhật Bản nghiên cứu khả năng thực thi để tiến tới đàm phán, ký kết một hiệp định như vậy. Quá trình mở cửa cũng đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế Chi-lê.
Trong 10 năm gần đây, Ủy ban Ðầu tư nước ngoài của Chi-lê đã cấp giấy phép đầu tư cho các dự án với tổng vốn đã thực hiện là 55,6 tỷ USD. Mặt khác các nhà doanh nghiệp Chi-lê cũng đã tích cực đầu tư ra nước ngoài và hiện nay có hơn 28,6 tỷ USD vốn đầu tư của Chi-lê ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ la-tinh. Chúng tôi có cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng trong tương lai các nhà đầu tư Chi-lê sẽ đến Việt Nam.
Chi-lê đã có những thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng (các đường cao tốc, các sân bay, các công trình đô thị, v.v.) cũng như về y tế và giáo dục - những lĩnh vực này đã cho thấy những thành quả ban đầu. Chính phủ của Tổng thống Lagos đã mở rộng giáo dục bắt buộc từ lớp 8 lên lớp 12, tập trung những nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy để đất nước và nền kinh tế của chúng tôi có thể đương đầu được với những thử thách của một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và cạnh tranh.
TÌnh hữu nghị lâu dài
Quan hệ hữu nghị giữa Chi-lê và Việt Nam đã có từ lâu và đã được thiết lập bởi hai nhân vật lịch sử vĩ đại của hai nước chúng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống X.Agiende người mà trước khi trở thành Tổng thống, là Thượng nghị sĩ đã thăm Hà Nội năm 1969, giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt. Trong chuyến thăm đó Agiende đã có cuộc gặp gỡ với Bác Hồ - như cách gọi của người dân Chi-lê khi đó, và Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Agiende cũng là vị khách quốc tế cuối cùng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh - khi đó Người đã lâm bệnh, và mất sau đó ít lâu trong năm ấy. Khi trở về Xan-ti-a-gô A-gien-đê đã tuyên bố với báo chí Chi-lê như sau: "Không chỉ trong chuyến đi này, mà là trong cả cuộc đời mình, tôi đã có rất ít những khoảnh khắc xúc động như vậy, khi được ôm hôn Chủ tịch Hồ Chí Minh... Xin hãy tin tôi, rằng có những lúc tôi không thể thốt được lên lời. Cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đều đã hiểu được những cảm xúc của tôi và tôi rất biết ơn vì điều đó".
Một trong những việc làm đầu tiên của Agiende khi trúng cử Tổng thống là thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và năm 1971, Chi-lê mở Ðại sứ quán đầu tiên của mình tại Hà Nội. Ðại sứ quán Việt Nam cũng được mở ở Xan-ti-a-gô. Ðại sứ Vũ Hắc Bồng hiện đã về hưu tại TP Hồ Chí Minh, người còn lưu giữ những kỷ niệm vô cùng quý giá về những năm tháng đó.
Tôi có may mắn thuộc về một thế hệ tham gia các phong trào lớn của sinh viên ở Mỹ la-tinh, trong những năm 60 của thế kỷ 20 và đã được chứng kiến nhiều sự biến đổi xã hội của châu lục này. Tôi cũng đã tham gia trong các cuộc tuần hành ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của các bạn. Trong tâm tưởng của tôi luôn ghi nhớ những cái tên của Hồ Chí Minh, Tướng Giáp, Sài Gòn, Hải Phòng, Mỹ Lai...
Cuộc đảo chính nhà nước và chính quyền độc tài quân sự thống trị Chi-lê trong suốt 17 năm cùng với những vi phạm nhân quyền của chế độ này đã làm chia rẽ Việt Nam và Chi-lê. Mặc dù vậy, tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta vẫn được duy trì, với cùng một sức mạnh và lòng nhiệt tình. Nhân dân Chi-lê đã vô cùng vui sướng khi nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh và thống nhất đất nước năm 1975. Cũng như vậy, chúng tôi vô cùng cảm ơn những tình cảm đoàn kết, hữu nghị mà nhân dân Việt Nam, trong đó Hội Hữu nghị Việt Nam - Chi-lê đóng một vai trò quan trọng, đã dành cho nhân dân Chi-lê trong những năm tháng đen tối của lịch sử.
Ngày nay, hai nước chúng ta đã tìm lại được nhau và chúng ta cùng hướng tới tương lai với một cái nhìn lạc quan. Năm 2003, Tổng thống Lagos của chúng tôi đã sang thăm Việt Nam và năm ngoái Chủ tịch Trần Ðức Lương đã thăm đất nước chúng tôi, sau đó dự Hội nghị cấp cao APEC tại Xan-ti-a-gô tháng 11-2004.
Tháng 8 vừa qua, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thanh Vân đã tham dự Liên hoan phim quốc tế tại An-tô-pha-ga-xta cách thủ đô Xan-ti-a-gô 2.000 km về phía bắc, với bộ phim "Người đàn bà mộng du" và được công chúng Chi-lê đón nhận nồng nhiệt. Chúng tôi hy vọng có thể sẽ đem đến cho công chúng Chi-lê thêm nhiều bộ phim Việt Nam khác nữa. Chi-lê cũng có một nền điện ảnh đang đạt đến độ chín và chúng tôi dự định sẽ mang sang một số bộ phim cho công chúng Việt Nam thưởng thức. Ước mơ của tôi trong tương lai là đem đến cho công chúng Chi-lê nghệ thuật múa rối nước Việt Nam - đó chính là một cửa sổ của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm tất cả những điều đó nhưng vẫn sẽ không quên những chuyến đi của các nhà doanh nghiệp cũng như việc tham gia các hội chợ thương mại, du lịch và các chuyến viếng thăm khác.
Hợp tác thương mại
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao - vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, sự liên kết về chính trị giữa hai nước ngày càng chặt chẽ. Trước hết, đó là việc mở lại Ðại sứ quán Việt Nam tại Chi-lê năm 2003 và Ðại sứ quán Chi-lê tại Việt Nam vào năm 2004. Chi-lê và Việt Nam chúng ta là hai nước trong khu vực Thái Bình Dương và những đồng minh trong diễn đàn APEC, cùng chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực giúp các bạn những kinh nghiệm để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội năm 2006. Năm ngoái Chi-lê là nước chủ nhà và chúng tôi có một số kinh nghiệm tổ chức hội nghị, cũng như trong lĩnh vực cải cách, mở cửa kinh tế và đàm phán các hiệp định thương mại. Chúng tôi là nước thứ hai kết thúc các vòng đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể nói rằng, chúng ta cùng có ý nguyện chính trị to lớn để thúc đẩy và tăng cường các mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy chúng tôi đã quay trở lại, với Ðại sứ quán và quốc kỳ của chúng tôi ở Việt Nam, với nhiều ý tưởng và mong muốn, để tìm hiểu sâu hơn nữa về lịch sử hào hùng của nhân dân Việt Nam.
Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Chi-lê không ngừng phát triển, tổng kim ngạch trao đổi thương mại tăng từ 18,69 triệu USD năm 2000 lên 60,01 triệu USD năm 2004. Tôi tin tưởng rằng, nhịp độ tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam sẽ biến đất nước các bạn thành một thị trường hấp dẫn đối với các sản phẩm Chi-lê. Các sản phẩm như giày dép, gạo, cà-phê, hàng may mặc và nhiều sản phẩm khác nữa của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng cường xuất khẩu sang Chi-lê. Chúng ta cần phải học hỏi và hiểu biết đặc điểm thị trường của nhau hơn nữa. Cách tốt nhất để thúc đẩy quan hệ thương mại là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, điều đó có nghĩa là không chỉ các quan hệ thương mại, mà còn cả các quan hệ về văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục và thể thao.
Fernando Ayala Ðại sứ Chi-lê tại Việt Nam
|