Từ năm 2006, gắn tiêm vaccine sởi với đưa trẻ đến trường
Các Website khác - 29/09/2005
Từ năm 2006, việc tiêm nhắc lại vaccine phòng sởi sẽ được triển khai thường xuyên trong cả nước vào dịp học sinh lớp một tới trường và duy trì ở những năm tiếp theo. Chiến dịch này sẽ tạo miễn dịch cao ở tất cả trẻ em, thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010.
Sởi là một trong năm bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và chết cao nhất ở trẻ em dưới chín tuổi ở Việt Nam. Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia duy trì tiêm miễn phí một mũi vaccine phòng bệnh sởi vào lịch tiêm thường xuyên cho trẻ từ chín đến mười tháng tuổi. Việc thực hiện tiêm một mũi đã giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em mắc sởi, nhưng tỷ lệ trẻ mắc bệnh vẫn còn cao (khoảng hơn 10%).

Theo kinh nghiệm của nhiều nước, để giảm mạnh tỷ lệ trẻ em mắc sởi thì cần phải tiến hành việc tiêm vaccine nhắc lại. Trong hai năm 2002-2003, Chương trình TCMR quốc gia được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản tiến hành chiến dịch tiêm vaccine sởi mũi hai cho trẻ em từ chín tháng đến mười tuổi trong cả nước, nhờ đó đến năm 2004, tỷ lệ trẻ em mắc sởi giảm 76 lần, so với năm 2000. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, không thể thường xuyên duy trì chiến dịch như vậy được vì kinh phí quá lớn (vaccine sởi giá cao nhất trong sáu loại vaccine đang tiêm miễn phí cho trẻ em và đây cũng là loại vaccine duy nhất trong nước chưa sản xuất được) cũng như mỗi lần tổ chức chiến dịch phải huy động lực lượng tham gia đông.

Ðể giảm tỷ lệ trẻ em mắc sởi, tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2010, Chương trình TCMR quốc gia vừa chọn TP Ðà Nẵng và tỉnh Yên Bái là hai địa phương trong cả nước tiến hành thí điểm tiêm nhắc vaccine sởi cho toàn bộ trẻ sáu tuổi trong các trường tiểu học. Tại Yên Bái, chiến dịch được thực hiện trong hai ngày 15 và 16-9 và tại Ðà Nẵng thực hiện trong hai ngày 20 và 21-9. Kết quả cho thấy, việc tiêm vaccine diễn ra nhanh, gọn và hơn 99% số trẻ trong độ tuổi được tiêm vaccine, đáng chú ý không có trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm. Các trường hợp ốm và vắng mặt chưa được tiêm trong chiến dịch sẽ được tiêm vét vào những ngày sau đó. Qua thực tế tại hai địa phương này, việc gắn tiêm vaccine sởi với đưa trẻ đến trường được kết hợp giữa ngành y tế với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện rất có hiệu quả ngay sau khi các cháu vừa bước vào lớp một ổn định. Ngành y tế (trung tâm y tế dự phòng) chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vaccine, bơm kim tiêm, hộp an toàn đồng thời lo toàn bộ phần chuyên môn như: chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, an toàn trong quá trình tiêm. Các trung tâm y tế huyện, thị xã bảo đảm nhân lực, mỗi bàn tiêm có ít nhất ba cán bộ y tế (một cán bộ khám và phân loại và chỉ định tiêm, một trực tiếp tiêm, một chịu trách nhiệm chung, phòng chống sốc). Ngành giáo dục và đào tạo lập danh sách đầy đủ các đối tượng trẻ học lớp một tại các trường tiểu học và phối hợp ngành y tế thực hiện tốt việc tiêm vaccine cho các cháu.

BS Trần Viết Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Yên Bái đánh giá: Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và giáo dục nên kết quả thu được rất khả quan, nhất là tại tỉnh miền núi, địa bàn rộng như Yên Bái, nếu chỉ riêng ngành y tế sẽ khó đạt kết quả như vậy. Tại các điểm trường ở xã vùng cao thì các đối tượng hơn sáu tuổi học ở các lớp ghép cũng được tiêm vaccine phòng bệnh.

Kết quả và cách làm của Ðà Nẵng và Yên Bái sẽ được Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tổng kết và rút kinh nghiệm để từ năm 2006, việc tiêm nhắc lại vaccine phòng sởi sẽ được triển khai thường xuyên trong cả nước vào dịp học sinh lớp một tới trường và duy trì ở những năm tiếp theo. Khi đó sẽ tạo miễn dịch cao ở tất cả trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010.

TRUNG HIẾU