Tuần tới sẽ có nghị định để 'hạ nhiệt' đình công
Các Website khác - 05/01/2006
Ông Phạm Minh Huân. Ảnh: N.T.

Trước tình trạng đình công trong công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục căng thẳng, sáng 5/1, ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Tiền lương và Tiền công, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, cho VnExpress biết, ngay tuần tới, Chính phủ sẽ ra nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu khối doanh nghiệp này.
* Khó kiểm soát tư tưởng người lao động

- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng đình công liên tiếp là do lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI. Là thành viên trong cơ quan tham mưu cho Chính phủ, ông có ý kiến thế nào?

- Năm nào cũng vậy, đến cuối năm là người lao động tiến hành đình công. Năm nay, việc lùi thời điểm đúng là giọt nước làm tràn ly, khiến lao động đình công hàng loạt. Tôi cho rằng mấu chốt là doanh nghiệp không đảm bảo chế độ cho người lao động, chứ không phải mỗi vấn đề lương tối thiểu. Vì lương tối thiểu chỉ là mức sàn thấp nhất, còn nhà nước khuyến khích người lao động và chủ sử dụng thỏa thuận mức cao hơn. Đại diện người lao động là công đoàn cơ sở phải tham gia thương lượng với chủ về mức lương. Nhà nước tôn trọng thỏa thuận đó và không cho phép thoả thuận thấp hơn mức sàn. Nếu vai trò công đoàn tốt thì việc điều chỉnh lương, chế độ chính sách cho người lao động sẽ uyển chuyển, dung hòa được lợi ích của các bên. Rất tiếc nhiều công đoàn cơ sở chưa làm được điều đó.

- Theo lộ trình 1/1/2006 áp dụng lương tối thiểu mới. Vậy tại sao đến phút chót Bộ lại có thông báo duy trì mức lương cũ?

- Từ đầu năm 2005, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ chúng tôi xây dựng đề án điều chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI. Nhưng khác với doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh lương trong doanh nghiệp FDI phải rất cân nhắc vì cần dung hoà lợi ích của người lao động, chủ đầu tư nước ngoài và cả nhà nước. Nhà nước phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Ở khía cạnh nào đó cũng phải thấy khó khăn của doanh nghiệp FDI, một số hoạt động trong điều kiện không thuận lợi, ví dụ dệt may, da giày, chế biến gỗ. Các doanh nghiệp này sử dụng nhiều lao động, nhưng trình độ giản đơn, giá gia công thấp.

Chúng ta mong sớm điều chỉnh lương để bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhưng phải nhìn thấy một vấn đề là cần có thời gian để các nhà đầu tư chuẩn bị. Tăng lương sẽ kèm theo tăng chi phí nhân công, bảo hiểm xã hội, y tế. Trong khi các hợp đồng đã ký kết theo giá cũ rồi, không thể thay đổi được.

- Vậy theo ông, thời điểm nào mới áp dụng mức lương điều chỉnh thì hợp lý?

- Bộ Lao động đã có tờ trình Chính phủ về đề án điều chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI và đề nghị thời điểm áp dụng là ngày 1/1/2006. Nhưng quyết định cuối cùng là của Chính phủ. Theo tôi biết, Chính phủ đang xem xét lợi ích của tất cả các bên và để đảm bảo tính pháp quy theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề án sẽ được nâng thành nghị định, thay vì quyết định của Thủ tướng. Muốn ra được nghị định cần có quy trình, lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ sớm có văn bản này, có thể sang tuần sau sẽ có nghị định.

- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng có thể áp dụng mức lương mới từ 1/1, nhưng nếu doanh nghiệp khó khăn thì có thể trả sau để đỡ gây hoang mang cho người lao động?

- Nếu điều chỉnh lương trong doanh nghiệp khu vực nhà nước thì có thể hồi tố, chậm trả lương sau đó truy lĩnh. Nhưng với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta phải tính hồi tố thế nào, liệu có làm được không? Thứ hai, không chỉ hồi tố về lương, còn hồi tố về bảo hiểm xã hội, y tế, rất phức tạp. Mặt khác nếu hồi tố sẽ là trái với nghị định sắp ra.

- Thưa ông, người lao động phản đối còn vì sau 7 năm mới đặt ra vấn đề tăng lương trong doanh nghiệp FDI?

- Nhà nước quy định khi chỉ số giá tiêu dùng tăng quá 10% một năm thì mới điều chỉnh lương tối thiểu. Suốt từ năm 2000, 2001, 2002, 2003, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng hơn 7,3%. Đến năm 2004 thì chỉ số giá tăng 9,5%, tính liên hoàn mấy năm là 17%. Nhưng 2004 chưa thể thực hiện vì chưa điều chỉnh lương tối thiểu của doanh nghiệp trong nước. Năm 2005 bắt đầu tăng lương tối thiểu từ 290.000 đồng lên 350.000 đồng/người/tháng thì lúc đó ta có điều kiện để tăng lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI. Trong nước ta có thể công bố 1/10 tăng lương tối thiểu, còn với doanh nghiệp nước ngoài thì phải tính theo năm tài chính, tức là từ đầu năm. Vì thế, ta mới dự kiến lùi lại vào ngày 1/1/2006.

Một lý do quan trọng khác là về lâu dài Việt Nam phải thực hiện cam kết quốc tế, tức là phải tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả tiền lương. Vì thế sẽ phải tính đến thống nhất một mức lương tối thiểu, chậm nhất là năm 2010. Theo đó, doanh nghiệp trong nước phải tăng dần mức lương tối thiểu, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cao rồi thì sẽ tăng chậm hơn để hai mức còn gặp nhau. Bây giờ doanh nghiệp trong nước cao nhất mới 350.000 đồng/tháng, trong khi doanh nghiệp FDI đã là 480.000 đồng/tháng.

- Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn dùng tỷ giá hơn 13.000 đồng đổi 1 USD theo quy định của Bộ tại thời điểm năm 1999 để trả lương lao động. Đây cũng là lý do khiến lao động phản ứng?

- Lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI bắt đầu quy định từ năm 1990 với mức 50 USD/người/tháng tính theo nhu cầu của người lao động, trả bằng tiền Việt Nam, theo tỷ giá tại thời điểm trả lương. Đến năm 1996-1997, khủng hoảng kinh tế khu vực tác động rất lớn, làm môi trường đầu tư có xu hướng chậm lại. Chúng ta phải điều chỉnh lương xuống 45, 40 và 35, thậm chí vùng khó khăn xuống 30 USD/người/tháng.

Đến năm 1999, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và ban hành quyết định 53, trong đó có một điểm là chuyển mức lương tối thiểu quy định từ USD sang đồng Việt Nam. Chủ trương đó hoàn toàn đúng vì trong đất nước phải dùng đồng nội tệ để thống nhất về mặt hoạch toán. Tỷ giá chuyển đổi lúc đó là hơn 13.000 đồng. Nhưng giờ khi đã quy định trả bằng đồng Việt Nam thì việc vẫn áp dụng tỷ giá đó là không xác đáng.

- Theo ông, giải pháp nào để giải quyết các vụ đình công?

- Tôi nhắc lại, đó chính là doanh nghiệp phải đảm bảo các chế độ cho người lao động. Bên cạnh lương tối thiểu, doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương, trong đó chú ý tới mức lương bậc 1 của lao động có tay nghề, khoảng cách giữa hai bậc lương phải đáng kể. Mức sàn chỉ trả cho lao động giản đơn nhất. Cái này đang bị một số doanh nghiệp lợi dụng, tức là dùng mức lương tối thiểu trả cho lao động có tay nghề, khoảng cách giữa hai bậc lương chênh rất ít, chỉ vài nghìn đồng.

Thứ nữa là phải nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở, tăng cường sự đối thoại với chủ sử dụng; tăng cường giám sát kiểm tra của thanh tra chuyên ngành. Về hệ thống pháp luật, về lâu dài chúng ta phải dịch các văn bản pháp luật sang tiếng Anh, để họ hiểu. Tất nhiên, văn bản nhà nước ban hành họ có thể dịch, song có thể hiểu khác.

Như Trang thực hiện