Nhân chuyến thăm chính thức Cam-pu-chia của Thủ tướng nước ta Phan Văn Khải, Việt Nam và Cam-pu-chia đã ra Tuyên bố chung. Dưới đây là toàn văn Tuyên bố:
1- Nhận lời mời của Sâmdech Hunsen, Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Phan Văn Khải đã thăm chính thức Vương quốc Cam-pu-chia từ ngày 6 đến 7-3-2006.
2- Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Phan Văn Khải và Ðoàn đại biểu Việt Nam đã được tiếp kiến Quốc vương Cam-pu-chia Preah Bat Sâmdech Preah Bâromneath Norodom Sihamoni. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Thượng viện Xăm-đéc Chia Xim và Quyền Chủ tịch QH Xăm-đéc Hêng Xom-rin, hội đàm với đoàn Ðại biểu Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia do Thủ tướng Hun Xen dẫn đầu. Thủ tướng Phan Văn Khải và Ðoàn đại biểu Việt Nam đã đến đặt vòng hoa tại Ðài Ðộc lập và Tượng đài Hữu nghị Cam-pu-chia - Việt Nam.
3- Các cuộc hội đàm chính thức đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hữu nghị. Hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau về các nỗ lực phát triển ở mỗi nước và trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề song phương và khu vực.
4- Thủ tướng Phan Văn Khải và Ðoàn đại biểu Việt Nam đã nêu bật ý nghĩa to lớn của chuyến thăm CHXHCN Việt Nam sắp tới của Quốc vương Cam-pu-chia Norodom Sihamoni, sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18-3-2006. Hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực chung của hai nước nhằm củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.
5- Hai Thủ tướng tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc đã được vững vàng truyền lại cho các thế hệ mai sau, đồng thời tái khẳng định quyết tâm củng cố và mở rộng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác gắn bó trên cơ sở những nguyên tắc nêu trong Tuyên bố chung tháng 3-2005 về chuyến thăm Cam-pu-chia của Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nông Ðức Mạnh từ ngày 28 đến 30-3-2005 và Tuyên bố chung về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Xen từ ngày 10 đến 12-10-2005. Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cam kết triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực cũng như không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định của nước kia.
6- Thủ tướng Hun Xen đã bày tỏ sự khâm phục đối với những thành tựu phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực cũng như những thắng lợi khác mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong quá trình đổi mới. Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại đúng đắn và sự hội nhập tích cực của Việt Nam vào các tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 vào năm 2004 tại Hà Nội cũng như việc chuẩn bị chủ trì Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội tháng 11 năm nay.
7- Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn của Cam-pu-chia trong tiến trình tìm kiếm hòa bình, chính sách hòa hợp dân tộc và phát triển kinh tế trong những năm qua, đặc biệt là thành công của các chương trình cải cách trong khuôn khổ ''Chiến lược tứ giác về tăng trưởng, việc làm, công bằng và hiệu quả''. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng tăng của Cam-pu-chia trong ASEAN và khu vực thể hiện qua việc tăng cường hội nhập khu vực và thế giới. Thủ tướng Phan Văn Khải chúc nhân dân Cam-pu-chia tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng một đất nước hòa bình, độc lập, trung lập, không liên kết và phồn vinh.
8- Nhân dịp này, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã nhắc lại lòng biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, các vị lãnh đạo và nhân dân Cam-pu-chia đã dành cho nhân dân Việt Nam trước đây cũng như hiện nay. Thủ tướng Hun Xen cũng bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự ủng hộ chí tình dành cho Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia trong đấu tranh giải phóng thoát khỏi chế độ diệt chủng và trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội hiện nay của Cam-pu-chia.
9- Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau các chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2005.
10- Hai Thủ tướng đã bày tỏ hài lòng về việc ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, coi đây là nền tảng của mối quan hệ gắn bó giữa hai nước và khẳng định lại quyết tâm thực hiện Hiệp ước nhằm biến đường biên giới Cam-pu-chia - Việt Nam trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên nhất trí đẩy nhanh việc hoàn thành phân giới cắm mốc theo mục tiêu đã được thỏa thuận trong Hiệp ước bổ sung. Liên quan đến vấn đề này, hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký Thỏa thuận về việc Việt Nam giúp sản xuất mốc giới cho Cam-pu-chia trong chuyến thăm này. Thủ tướng Hun Xen đã đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ Việt Nam về cử chỉ cao quý đầy tình hữu nghị này.
11- Hai Thủ tướng đã hoan nghênh việc ký kết Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới, Kế hoạch hợp tác về thông tin và Bản ghi nhớ về thực hiện ban đầu hiệp định này, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và người qua biên giới tại cặp cửa khẩu Bà Vẹt - Mộc Bài. Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những thỏa thuận này trong việc đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và khách du lịch, mở rộng các mối quan hệ liên kết kinh tế song phương.
12- Thủ tướng Hun Xen và Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân của mỗi nước được đối xử bình đẳng như các ngoại kiều khác. Chính phủ Việt Nam bày tỏ cảm ơn chân thành đối với Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Cam-pu-chia đã cho phép Việt kiều thực hiện quyền hợp pháp của mình là sinh sống và làm ăn bình thường ở Cam-pu-chia.
13- Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác với Cao uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) thực hiện nghiêm chỉnh Bản ghi nhớ ba bên ký tháng Giêng năm 2005 về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia.
14- Thủ tướng Hun Xen và Thủ tướng Phan Văn Khải đều cho rằng quá trình toàn cầu hóa đang làm rộng khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo trên thế giới và nhất trí về sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách phát triển. Về vấn đề này, hai Thủ tướng ủng hộ lời kêu gọi các nước phát triển và các thể chế tài chính quốc tế xóa nợ cho các nước kém phát triển nhất (LDCs) để các nước này tập trung các nguồn lực vào xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống các loại bệnh dịch truyền nhiễm như cúm gia cầm, HIV/AIDS, sốt rét cũng như để bảo đảm sự phát triển bền vững.
15- Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về việc hai nước đồng quan điểm về các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, nhất trí cho rằng hai nước cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ khu vực và đa phương như LHQ, Phong trào không liên kết (NAM), Nhóm 77 (G77), Ðối thoại hợp tác châu Á (ACD), ASEAN, Chiến lược hợp tác kinh tế A-gi-a-oa-đi - Chao Phay-a - Mê Công (ACMECS), Hội nghị Á-Âu (ASEM), Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và Hành lang Ðông Tây (WEC). Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác chặt chẽ với Lào đẩy mạnh việc triển khai Quy hoạch tổng thể về Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam. Nhân dịp này, Cam-pu-chia và Việt Nam đã bày tỏ cảm ơn Nhật Bản đã dành sự giúp đỡ cho Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam.
16. Thủ tướng Hun Xen và Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhắc lại cam kết mạnh mẽ của hai nước hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN khác nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động Viêng Chăn, đặc biệt là Chương trình hội nhập ASEAN để đối phó với những thách thức trong việc thiết lập Cộng đồng ASEAN và thắt chặt quan hệ đối tác giữa ASEAN với các nước đối thoại.
17- Thủ tướng Phan Văn Khải đã hoan nghênh ý định của Cam-pu-chia tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong thời gian sớm nhất sau khi APEC bãi bỏ quy định tạm ngừng kết nạp thành viên mới. Về phần mình, Thủ tướng Hun Xen cũng khẳng định lại việc Cam-pu-chia ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào thời gian sớm nhất.
18- Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các nước ven bờ sông Mê Công để bảo đảm sự phát triển bền vững cho các nước có liên quan, đặc biệt là những nước ở khu vực hạ lưu. Hai nước sẽ đóng góp tích cực vào việc triển khai dự án Ðường xuyên Á và Mạng đường sắt Singapore - Côn Minh (SKRL), cụ thể là về đoạn đường sắt nối Cam-pu-chia với Việt Nam, với nhận thức rằng việc thực hiện các dự án này sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của khu vực.
19- Thủ tướng Phan Văn Khải đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia về lòng mến khách và sự đón tiếp nồng hậu nhất dành cho đoàn Ðại biểu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trong thời gian ở thăm chính thức Vương quốc Cam-pu-chia.
20- Thủ tướng Phan Văn Khải đã trân trọng mời Thủ tướng Hun Xen sang thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Hun Xen chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời.
|