* Xin ông cho biết những hoạt động hướng về Việt Nam của AAFV kể từ khi thành lập?
- AAFV được thành lập năm 1961 với mục đích ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong khi nhân dân Việt Nam đang anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cách đó hơn 10 nghìn km tại nước Pháp, cũng sôi sục các cuộc biểu tình, tuần hành yêu cầu nhà cầm quyền đế quốc chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là phong trào sát cánh với Việt Nam do AAFV phát động.
Nhiều thành viên tích cực của AAFV như Raymon Dien, Madelaine Riffaud, Pôn Phrô-mông-tơi... đã không tiếc thân mình vì Việt Nam, từng bị chính quyền Pháp bắt bớ, giam cầm. Có những người như Ăng-đrê Măng-rát, Paris Charles (tên Việt Nam là Cao Minh Tâm) hăng hái sang Việt Nam để được đứng trong hàng ngũ "bộ đội Cụ Hồ" chiến đấu chống kẻ thù. Trải qua bao mất mát đau thương, nhân dân Việt Nam đã được hưởng niềm vui hòa bình, thống nhất đất nước bằng chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu 30-4-1975. Hay tin chiến thắng, các thành viên AAFV đã òa ra đường, hòa trong dòng người Pháp yêu chuộng hòa bình chia vui với nhân dân Việt Nam.
* Với tư cách Chủ tịch, xin ông cho biết phương hướng hợp tác với Việt Nam của AAFV trong thời gian tới?
- Phải khẳng định rằng Việt Nam là người bạn thân thiết, chí tình nhất của AAFV trước kia cũng như bây giờ. Chúng tôi rất cảm động khi Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp Trịnh Xuân Thái đã sang dự Ðại hội lần thứ 12 của AAFV.
AAFV đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ công cuộc đổi mới do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đã thu được những thành tựu đáng kể, đúng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "dân giàu, nước mạnh".
Bản thân tôi đã thăm Việt Nam nhiều lần, tận mắt chứng kiến những đổi thay đáng kinh ngạc, để lại trong tôi ấn tượng khó phai. Hội đồng quốc gia AAFV vừa thông qua phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới, trong đó tiếp tục thực hiện các dự án giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo.
Các dự án nước sạch ở Hà Giang, Tây Ninh, giáo dục đào tạo ở Quảng Bình, Ninh Thuận, giúp phụ nữ dân tộc Ê Đê làm kinh tế ở Ðác Lắc,... đang tiến hành thuận lợi, thu kết quả khả quan nhờ chính sách đầu tư thông thoáng và thủ tục hành chính đã được điều chỉnh gọn nhẹ.
* Xin ông nêu rõ hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam của AAFV thời gian qua.
- Thời gian qua, AAFV đã có các hoạt động thường xuyên và tích cực ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, khởi đầu bằng Hội nghị quốc tế về hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với Việt Nam diễn ra đầu năm nay tại Paris. Hội nghị đã gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới, qua đó giúp mọi người hiểu rõ hơn về hậu quả khủng khiếp của chất độc da cam/dioxin đối với nhân dân Việt Nam và với cả nhân loại, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế sát cánh với nạn nhân Việt Nam trên chặng đường đòi công lý. Việc chính quyền và 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ chối bỏ nghĩa vụ, không chịu thừa nhận và bồi thường các nạn nhân là điều không thể chấp nhận được. Chính vì vậy, AAFV tiếp tục thúc đẩy mạnh hoạt động ủng hộ như quyên góp tiền cho nạn nhân, tổ chức các cuộc hội thảo, mít-tinh, biểu tình trên khắp nước Pháp nhằm lên án chính quyền Mỹ và kêu gọi thế giới sát cánh với nạn nhân Việt Nam trong vụ kiện.
Ðầu năm 2005, AAFV xuất bản cuốn Sách trắng, trong đó đề cập mọi khía cạnh vấn đề chất độc da cam/dioxin. 1.000 cuốn được nhanh chóng bán hết. Ngoài ra, AAFV còn thành lập một ủy ban chuyên trách về các hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Trước sự thật rõ ràng và với sự ủng hộ không mệt mỏi của AAFV, nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng thế giới, tôi tin rằng các nạn nhân Việt Nam sẽ là người chiến thắng.
|