Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ
Các Website khác - 04/02/2006
Những ngày đầu Xuân 2006, phóng viên báo Nhân Dân có cuộc trò chuyện (qua mạng internet) với Chủ tịch Hội Hữu nghị Rumania - Việt Nam, cựu Đại sứ Rumania tại Việt Nam Côn-xtan-tin Lu-pê-a-nu về công việc của ông hiện nay và cảm nhận của ông về Bác Hồ, về đường lối đổi mới, về đất nước và con người Việt Nam.
Côn-xtan-tin Lu-pê-a-nu là người đã dịch tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Rumania.

Ông C.Lu-pê-a-nu cho biết, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, ông đã lập tức tiến hành các công việc cần thiết để thành lập Hội Hữu nghị Rumania - Việt Nam. Trong quá trình xúc tiến kế hoạch thành lập hội, ông đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của bốn người Rumania khác có tình cảm sâu sắc với Việt Nam gồm con trai ông, một bác sĩ y khoa truyền thống, cựu Tham tán Kinh tế thuộc Đại sứ quán Rumania tại Hà Nội; một nhà văn nổi tiếng đã từng thăm Việt Nam trong những năm chiến tranh, đã viết và làm các bộ phim tài liệu về Việt Nam; cùng hai nhà doanh nghiệp trẻ tuổi. Cả năm người là những thành viên sáng lập hội và sau khi hội được đăng ký hoạt động ngày 15-9-2004, họ đã được bầu vào Ban Chấp hành trung ương Hội Hữu nghị Rumania - Việt Nam, do ông C.Lu-pê-a-nu làm Chủ tịch.

Hiện nay, hội đã có vài trăm hội viên là những người có cảm tình và yêu mến Việt Nam, có các chi hội được thành lập ở mười tỉnh và thành phố lớn của Rumania. Năm 2005, hội đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam tại thủ đô Bucharest; xuất bản và phát hành cuốn Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh in song ngữ tiếng Rumania và tiếng Việt; tổ chức các cuộc gặp mặt hữu nghị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước Việt Nam và Rumania.

Năm nay, hội sẽ phối hợp Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumania tổ chức các đoàn thăm lẫn nhau; hợp tác trong lĩnh vực văn học, văn hóa, thể thao, làm cầu nối thúc đẩy sự hợp tác về thương mại, kinh tế giữa hai nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Rumania và Việt Nam. Ông C.Lu-pê-a-nu cũng hy vọng hội sẽ xuất bản được ít nhất hai cuốn sách, Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Thơ của Hồ Xuân Hương ra tiếng Rumania trong năm nay.

Trả lời câu hỏi về cảm nhận của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông C.Lu-pê-a-nu nói rằng, Bác Hồ không chỉ là một nhà chính trị mà còn là một học giả lớn, một danh nhân văn hóa người Việt Nam, một nhà tư tưởng sâu sắc, một nhà triết học. Điều đó có thể thấy qua thơ của Người.

Qua những năm làm Đại sứ Rumania tại Việt Nam, ông C.Lu-pê-a-nu nhận xét rằng: Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Việt Nam không được yên bình. Mấy cuộc chiến tranh liên tiếp đã làm cho đất nước này kiệt quệ nên sau khi thống nhất đất nước năm 1975, tình hình Việt Nam rất khó khăn. Thời cơ chỉ mới đến hơn một thập kỷ qua. Năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới. Ba năm đầu rất khó khăn. Sau đó, nền kinh tế khôi phục nhanh. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên ASEAN; năm 2001, bắt đầu thực hiện Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ; bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu năm 1990; năm 1992, ký Hiệp định buôn bán hàng dệt may với EU; năm 1995, nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.

Mốc thời gian nêu trên làm nổi bật những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Việt Nam theo hướng hội nhập kinh tế thế giới. Đó là một thời kỳ thi đua thật sự trong cả nước. Ngày nay, không dễ phát triển và xây dựng thành công một xã hội lành mạnh với một nền kinh tế hiện đại liên tục phát triển từ đổ nát, nghèo nàn và đói khổ trong thời gian một phần tư thế kỷ. Đó là một điều thật kỳ diệu mà Việt Nam đã làm được. Ông đã đi thăm khắp đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng thấy những dấu hiệu của công cuộc hiện đại hóa và sự khởi sắc kinh tế. Đất nước phát triển nhanh chóng và vững chắc với một nền kinh tế thị trường đạt mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực 15 năm gần đây.

Ngoại thương của Việt Nam cũng phát triển mạnh. Các đối tác chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Đức. Các mặt hàng xuất khẩu bao gồm hàng dệt may, dầu thô, gạo (năm 1975 Việt Nam còn phải nhập khẩu ngũ cốc, nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới), hải sản, cà-phê, chè, hàng thủ công mỹ nghệ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước khác bao gồm máy móc và thiết bị, dầu lửa, vật liệu giao thông, sắt, thép dùng trong xây dựng dân dụng và công nghiệp. Môi trường kinh tế vĩ mô được cải thiện. Sức cạnh tranh tăng. Đầu tư nước ngoài vượt qua mọi dự đoán, đạt 5,8 tỷ USD năm 2005. Việt Nam được đánh giá là nước phát triển nhanh và có môi trường kinh doanh thuận lợi, đối xử công bằng với các đối tác nước ngoài với mối quan tâm duy nhất là chất lượng và giá cả.

Những thành công của Việt Nam là do chính sách kinh tế hợp lý, chấp nhận quá trình toàn cầu hóa với những cơ hội và thách thức, áp dụng các chính sách do một số tổ chức quốc tế khuyến nghị trong điều kiện riêng của mình. Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn: đất đai màu mỡ, tài nguyên giàu có, bờ biển dài ba nghìn km, lực lượng lao động được đào tạo, rẻ, môi trường kinh tế liên tục được cải thiện, môi trường chính trị ổn định, an ninh cho con người và đầu tư được bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu kém cần khắc phục, đó là khả năng cạnh tranh còn hạn chế, tệ quan liêu, thông tin giữa chính phủ và các cơ quan kinh tế kém, biểu thuế cao. Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Ngày càng nhiều các công ty tư nhân và doanh nghiệp mới được thành lập là điều kiện hấp dẫn và thuận lợi đối với các thành phần kinh tế của Rumania. Nền kinh tế hai nước có thể bổ sung cho nhau.

THANH TRÀ