Xây dựng Luật như thế nào để người chuyển giới được sống với giới tính thật?
Báo Tiếng chuông - 13/05/2017
Ngày 12/5, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng về dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Tham dự Hội thảo có đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Vụ Pháp luật (VPCP), Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế); các bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình, các tổ chức xã hội cùng cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Nhật Thy

 

Dự kiến trình Luật Chuyển đổi giới tính vào năm 2019-2020

Ngày 1/1/2017, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định cá nhân có quyền xác định lại giới tính, và đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi chưa có luật chuyên ngành về chuyển đổi giới tính, thì quyền chuyển đổi giới tính vẫn tạm bị “treo”.

Để thực hiện quyền này cần có luật quy định cụ thể, rõ ràng các nguyên tắc của việc chuyển đổi giới tính, ai là người được chuyển đổi giới tính và trình tự việc chuyển đổi giới tính cũng như một loạt các vấn đề khác có liên quan đó như vấn đề về hộ tịch, các quan hệ dân sự.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính. Theo đó, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng dự án luật này, dự kiến trình Quốc hội năm 2019-2020.

Còn nhiều bất cập khi xây dựng Luật

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, mục tiêu của Dự án Luật Chuyển đổi giới tính là bảo đảm quyền được sống đúng với giới tính của mình cho những người có mong muốn chuyển đổi giới tính. Tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất đồng bộ minh bạch để hỗ trợ người chuyển giới có được cuộc sống như những người bình thường khác, được chăm sóc y tế, phẫu thuật chuyển giới thay đổi hộ tịch hòa nhập gia đình, cộng đồng xã hội giảm kỳ thị phân biệt đối xử… Bên cạnh đó, hạn chế tối đa việc phải sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành hoặc tạo ra xung đột tác động.

Đánh giá tác động của Dự án Luật, Vụ pháp chế đã đưa ra 6 chính sách gồm: Xác định phạm vi điều chỉnh của Luật chuyển đổi giới tính; các trường hợp chuyển đổi giới tính; điều kiện đối với người chuyển đổi giới tính (độ tuổi; tình trạng hôn nhân; xác định tâm lý); điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được can thiệp chuyển đổi giới tính; công nhận các can thiệp y tế đã thực hiện chuyển đổi giới tính trước ngày Luật chuyển đổi giới tính có hiệu lực; kinh phí thực hiện can thiệp y tế để chuyển đổi giới tính. Trong đó, chính sách về điều kiện đối với người chuyển giới và điều kiện với cơ sở khám, chữa bệnh được can thiệp chuyển đổi giới tính còn nhiều bất cập và đối diện nhiều ý kiến trái chiều.

Về các trường hợp chuyển đổi giới tính, Vụ Pháp chế đưa 3 giải pháp. Giải pháp 1 là cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hooc môn trong một thời gian liên tục khoảng 2 năm trở lên thì được công nhận là chuyển đổi giới tính. Quy định này nhằm giúp những người có mong muốn chuyển đổi giới tính mà không bảo đảm các điều kiện để phẫu thuật, ví dụ sức khỏe hoặc kinh phí có thể thực hiện được ước mơ chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, nếu người có mong muốn chuyển đổi giới tính vì lý do nào đó không tiếp tục sử dụng hooc mon thì hình thức bên ngoài có thể sẽ quay trở lại hình dáng ban đầu gây khó khăn cho việc hòa nhập cộng đồng. Việc sử dụng hôc môn liên tục sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người chuyển đổi giới tính có thể gây ra các bệnh hoặc giảm tuổi thọ của người sử dụng trong thời gian dài.

Giải pháp 2 cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính đã sử dụng hooc mon trong một thời gian liên tục khoảng 1 năm và đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục) hoặc toàn bộ  được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Quy định này đnag được nhiều nước áp dụng. Việc thay đổi về ngoại hình phù hợp với việc thay đổi về giới tính và họ tên dễ được những người xung quanh và cộng đồng chấp thập. Tuy nhiên, đối với người chuyển đổi giới tính, sẽ tốn thời gian, kinh phí thực hiện phẫu thuật; có thể có tai biến trong quá trình phẫu thuật vì không phải người nào cũng đủ kinh tế; bảo đảm sức khỏe để phẫu thuật…

 

Cộng đồng người chuyển giới đóng góp ý kiến vào báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Ảnh Nhật Thy

 

Giải pháp 3 là không có can thiệp về y tế (sử dụng hooc môn  hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có Bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Giải pháp này được nhiều người trong cộng đồng chuyển giới đề xuất do tạo điều kiện thuận lợi cho người có mong muốn chuyển đổi giới tính được công nhận giới tính mới một cách đơn giản, nhanh chóng. Giảm chi phí về thời gian và kinh phí cho người có mong muốn chuyển đổi giới tính.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Huy Quang, trong giải pháp này, không có cơ sở thuyết phục để xác nhận một người thực sự có mong muốn chuyển đổi giới tính vĩnh viễn với một người chuyển đổi giới tính vì bồng bột nhất thời hoặc theo một trào lưu nào đó. Có thể có sự lạm dụng để đề nghị giới tính mới nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự hoặc nhằm đạt được mục đích nào đó trong trường hợp thông đồng với cán bộ để có Bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (do việc này thực hiện dễ dàng hơn việc can thiệp y yế). Đồng thời gây khó khăn trong quản lý, đặc biệt là về vấn đề hộ tịch và tạo ra xáo trộn lớn trong xã hội do sự dễ dàng thay đổi giới tính, họ tên của của mỗi cá nhân…

Cơ sở nào có đủ điều kiện chuyển đổi giới tính?

Để được công nhận là người chuyển đổi giới tính thì có nhiều hình thức khác nhau do vậy tương ứng với mỗi hình thức thì lại có các loại hình cơ sở khám chữa bệnh khác nhau. Hiện nay, còn nhiều quan điểm về điều kiện của từng cơ sở khám chữa bệnh thực hiện chuyển đổi giới tính. Quan điểm thứ nhất là các bệnh viện có đủ các khoa, khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu, nội tiết, tâm thần mới được thực hiện điều trị hooc môn, phẫu thuật ngực và phẫu thuật bộ phận sinh dục (bao gồm cả nhà nước và tư nhân) cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính. Quan điểm thứ hai là các phòng khám đa khoa có khoa nội tiết, phòng khám chuyên khoa nội tiết và bệnh viện trên toàn quốc (bao gồm cả nhà nước và tư nhân) được điều trị hooc môn; các phòng khám đa khoa có khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ … được phẫu thuật ngực; tất cả các bệnh viện  có khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu, tâm thần được phẫu thuật bộ phận sinh dục cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính.

Theo Bác sỹ Nguyễn Quang, Bệnh viện Việt Đức, việc thực hiện chuyển đổi giới tính, nhất là liên quan đến phẫu thuật nên thực hiện ở các cơ sở lớn, có quy trình khám bệnh, chữa bệnh đầy đủ để việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe, tính mạng của người chuyển đổi giới tính được đảm bảo.

Theo La Lam, một người chuyển giới nữ tại Hà Nội, mỗi người dân khi khám chữa bệnh đều có sự lựa chọn bệnh viện phù hợp với nhu cầu của mình. Khi cho phép có sự lựa chọn thì các cơ sở sẽ có sự cạnh tranh dịch vụ để phát triển. Hiện có nhiều tổ chức xã hội giúp đỡ, cộng đồng người chuyển giới đều có liên kết với nhau thì việc hỗ trợ kết nối với các cơ sở y tế chất lượng là có thể làm được.

Đồng quan điểm với La Lam, Trúc Linh, một người chuyển giới nữ tại TPHCM cho rằng, việc hạn chế các cơ sở thực hiện dẽ khiến người chuyển giới mất nhiều thời gian, tiền bạc đi lại hoặc phải chờ đợi lâu do tình trạng quá tải bệnh viện.

Là người đã phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục tại Thái Lan, Lê Ánh Phong (chuyển giới nữ) cho rằng, nên thực hiện với các cơ sở khám chữa bệnh uy tín có đầy đủ các chức năng thực hiện chuyển giới. Bởi chuyển đổi giới tính là chuyện quan trọng, ảnh hướng đến sức khỏe thậm chí cả tính mạng, không nên dễ dãi…

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh việc xây dựng Dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng như cộng đồng người đồng tính sẽ được Ban Soạn thảo nghiên cứu đưa vào dự thảo.