Xem xét việc cấm học sinh chơi game online trong giờ học
Các Website khác - 27/10/2005
Bộ trưởng Phạm Quang Nghị. Ảnh: Anh Tuấn

"Quan điểm của chúng tôi là tránh xu hướng cực đoan theo kiểu cấm tiệt mọi trò chơi trên mạng. Nhưng cũng cần phải quản lý để tránh những tác động xấu của loại hình giải trí này." Bộ trưởng Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị đã bộc lộ quan điểm này khi trao đổi với VnExpress chiều 26/10.

- Là người đứng đầu ngành văn hoá, Bộ trưởng nghĩ gì về cơn sốt game online hiện nay?

- Đây là hình thức giải trí mới xuất hiện ở nước ta, nên luật chưa kịp quy định. Theo tôi biết, những người say mê game online không chỉ có học sinh, sinh viên mà có cả những người lớn tuổi. Nhưng trong trò chơi này, có những người làm chủ được bản thân, nhưng cũng có những người không đủ khả năng làm chủ bản thân và gây hậu quả xấu đến sức khoẻ, tâm lý. Do vậy, ở đây cần có vai trò của nhà quản lý.

- Nhiều nhà cung cấp game online phản ánh là các quy định của pháp luật dường như đang đi sau sự phát triển của dịch vụ mới này. Bộ trưởng nghĩ sao?

- Ở ta, game online mới phát triển nên luật chưa kịp quy định. Tôi cho rằng, luật đi sau nhưng vấn đề là đi sau bao nhiêu? Nếu để đến khi biết vi phạm mà không xử lý là không thể chấp nhận. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thảo luận các phương án để quản lý.

Luật có những cái điều cấm, nhưng không thể cấm hết được. Nhiều điều pháp luật không cấm, nhưng người kinh doanh cũng phải tự xét đến khía cạnh trách nhiệm xã hội và đạo đức, đảm bảo sức khoẻ khách hàng. Các nhà cung cấp không nên chỉ quan tâm đến doanh thu, số người chơi đông.

- Vậy quan điểm của Bộ Văn hoá Thông tin với vấn đề quản lý game online là gì, thưa Bộ trưởng?

- Hiện nay, Bộ Văn hoá Thông tin và Bưu chính viễn thông đều có trách nhiệm quản lý game online. Bộ Văn hoá Thông tin thì quản lý về nội dung, quy chế, Bộ Bưu chính viễn thông có trách nhiệm quản lý về kỹ thuật, xem xét cấp phép cho các nhà cung cấp.

Quan điểm của chúng tôi là tránh xu hướng cực đoan theo kiểu cấm tiệt mọi thứ trò chơi trên mạng. Chúng ta phải đánh giá mặt tích cực và tiêu cực của trò chơi trên mạng, để từ đó đề ra các biện pháp quản lý.

- Vậy chúng ta sẽ quản lý game online thế nào để hạn chế những tiêu cực của nó?

- Trước hết, chúng ta phải xem xét nội dung trò chơi, xem có lành mạnh hay không. Tiếp đó là quản lý cách thức chơi. Nếu nội dung không vi phạm nhưng cách thức chơi chưa phù hợp thì cũng phải xem lại. Tôi lấy thí dụ, đá bóng rất có lợi nhưng người ta chỉ chơi 90 phút thôi, không ai đá bóng suốt ngày, suốt đêm. Người ta cũng chỉ đá bóng vào những giờ có lợi cho sức khoẻ con người, không ai giữa trưa hè đưa nhau ra sân vận động.

Trò chơi game online cũng vậy, cho dù nó bổ ích, là có lợi nhưng không có nghĩa là mặc sức cho game thủ chơi thâu đêm, suốt sáng. Cơ quan kinh doanh ngoài doanh thu, nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, cũng phải nghĩ đến sức khoẻ cho khách hàng.

- Hiện nay, một số nước châu Á đã dùng biện pháp hạn chế giờ chơi game để đảm bảo sức khoẻ game thủ và bước đầu có hiệu quả. Kinh nghiệm đó được chúng ta vận dụng thế nào?

- Ngoài việc thẩm định nội dung trò chơi xem có lợi hay không có lợi, chúng tôi cũng đang tính đến việc quản lý giờ chơi, ngày chơi. Ví dụ, ngày thứ bảy, chủ nhật, số giờ chơi có thể cao hơn ngày bình thường. Rồi có khi cũng phải quản lý đối tượng chơi, học sinh sinh viên không được chơi trong giờ học.

- Các trò chơi trên mạng rất khó kiểm soát, Bộ trưởng nghĩ thế nào về tính khả thi của quy định quản lý hành chính?

- Biện pháp quản lý muốn có kết quả thì phải cần sự hợp tác của cả hai phía. Nhà quản lý phải thực thi nghiêm minh và nhà cung cấp, người chơi game phải tự giác chấp hành. Nhân đây, tôi muốn các cơ quan báo chí nên lắng nghe ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân, tránh xu hướng cực đoan, "dị ứng" với những quy định của cơ quan quản lý. Thật ra, nhà nước đưa ra những biện pháp quản lý cũng là nhằm đáp ứng nhu cầu, bảo vệ sức khoẻ của người dân.

- Với các quy định mới ban hành, nhiều nhà kinh doanh game chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng cũng có không ít đơn vị hoạt động không phép. Theo Bộ trưởng, nên xử lý thế nào?

- Không thể vì quá ham muốn nhu cầu kinh doanh mà bỏ qua quy trình, thủ tục xin phép cơ quan chức năng. Với những quy định đã ban hành và một số nhà cung cấp đã thực hiện, nếu không chấp hành thì phải xử lý nghiêm. Quan điểm của chúng ta là với bất kỳ vấn đề nào, nên tránh cách ứng xử cực đoan nhưng cũng không được coi nhẹ vai trò quản lý.

Ý kiến của bạn:

Việt Anh thực hiện

Theo dòng sự kiện:
Không có giấy OSP phải ngừng kinh doanh game online (26/10)
VinaGame bị yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ game online (25/10)
Xem tiếp»