Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của các đại biểu tại ba hội nghị lấy ý kiến đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong cả nước đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Thực hiện chương trình phối hợp công tác, vừa qua Ban Khoa giáo T.Ư phối hợp với Ðảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ba hội nghị lấy ý kiến của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong cả nước đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng. Hội nghị ở khu vực phía bắc được tổ chức tại Hà Nội, khu vực miền trung - Tây Nguyên tổ chức tại TP Ðà Nẵng, vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Hàng trăm nhà khoa học, công nghệ tiêu biểu trong cả nước đã tham dự các Hội nghị nói trên. Tâm huyết và trách nhiệm đối với Ðảng, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung cụ thể của Dự thảo Báo cáo Chính trị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò động lực của khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chúng tôi giới thiệu tóm tắt một số ý kiến tại các cuộc Hội nghị nói trên.
Các đại biểu tham dự ba cuộc Hội nghị đều nhất trí cho rằng, nhìn chung sau 20 năm sau đổi mới, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, các thành tựu thực tế trên nhiều lĩnh vực là rất to lớn, đời sống toàn dân từng bước được nâng cao, nhiều tiềm năng được khơi dậy và phát huy, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo được sự phấn khởi và niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều thách thức nặng nề cần phải giải quyết, nếu chúng ta không vượt qua được những thách thức đó, các mục tiêu của sự nghiệp đổi mới rất có thể sẽ khó đạt được. Do vậy, việc công bố và tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị là một bước quan trọng góp phần vào việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước cho cả trước mắt và lâu dài.
Tạo bước đột phá về tư duy lý luận
Về chủ đề của Ðại hội X và những nội dung mang tính định hướng, các nhà khoa học, như TS Mai Ðức Lộc (TP Ðà Nẵng), GS Phạm Hữu Ðức (Ðại học Ðà Lạt), GS TS Nguyễn Ân Niên (Viện Khoa học Thủy lợi miền nam) đều thống nhất cho rằng, Dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu được những nội dung chính, cơ bản của tình hình phát triển đất nước trong 5 năm qua.
PGS Tô Bá Trọng (Liên hiệp các Hội KH KTVN) phát biểu: "Bằng đường lối đổi mới từ Ðại hội VI đến nay, chúng ta đã có những thành tựu vượt bậc so với thời kỳ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, và có thể khẳng định rằng, đây là một thành tích có tầm vóc chiến lược quyết định xu thế phát triển lâu dài của đất nước. Tuy vậy, cần nhấn mạnh đến việc đề phòng tư tưởng chủ quan, tự mãn, vì chúng ta còn nhiều việc phải làm mới theo kịp một số nước trong khu vực".
TS Phạm Sĩ Liêm (Hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng: "20 năm qua, Ðảng ta dẫn dắt nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn, rất cơ bản. Nhưng, như Bác Hồ đã dạy, khi thắng lợi không được say sưa mà phải càng tỉnh táo nhìn xa về những thách thức phía trước".
Góp phần hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Chính trị, GS Trần Ngọc Hiên (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) đề xuất ý kiến: "Vấn đề đặt ra là tư duy của Ðảng ta phải đổi mới như thế nào trước thời kỳ mới. Phải nhìn vấn đề theo tư duy mới - tư duy hệ thống. Ðại hội X của Ðảng có sứ mệnh tạo ra một bước đột phá về tư duy lý luận, xây dựng đường lối, chính sách từ nay đến năm 2010 và năm 2020".
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Ðằng (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: "Tôi xem Ðại hội X như một bước ngoặt cần thiết cho con đường đi lên của công cuộc cách mạng nước ta, nếu thể hiện ở mức bình thường thì sẽ không chủ động đối phó được với bao nhiêu phức tạp, cả nội sinh, lẫn ngoại sinh gần như là tất yếu trong những năm tháng trước mắt".
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Hội Sử học Việt Nam) bày tỏ mong muốn: Dự thảo Báo cáo Chính trị thể hiện một quyết tâm cao, trách nhiệm đối với dân tộc, song, tất cả những cái đó chỉ trở thành sự thật khi có được niềm tin và sự đồng tâm của toàn xã hội.
Phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội
Cũng như GS TS Nguyễn Thế Hùng (Ðại học Ðà Nẵng), PGS TS Võ Xuân Chiến (Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), PGS Nguyễn Trọng Bảo khẳng định: "Ðộng lực phát triển kinh tế - xã hội chính là khoa học - công nghệ". GS Phạm Duy Hiên (Viện Năng lượng quốc gia) phát biểu ý kiến: "Dự thảo Báo cáo Chính trị khẳng định là sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển", tuy nhiên, nên chăng cần làm rõ hơn thế nào là "kém phát triển", các cách thức cụ thể để đưa nước ta ra khỏi tình trạng đó.
Ðề cập vấn đề chiến lược phát triển phải dựa trên cơ sở khảo sát thực tiễn, phải dựa trên nền tảng luận chứng có tính lý luận và khoa học nghiêm túc, GS TS Phan Kỳ Phùng (Ðại học Ðà Nẵng) đề nghị, quan tâm phát triển kinh tế tri thức cần phải được xác định cụ thể và nên tập trung phát triển những ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, phù hợp điều kiện hiện tại của nước ta, đồng thời các ngành khoa học đó lại có khả năng đáp ứng được các yêu cầu trực tiếp của phát triển.
TS Ðoàn Gia Dũng cho rằng, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần khu biệt nội hàm hai khái niệm "tăng trưởng kinh tế" với "chất lượng tăng trưởng kinh tế". Theo ông, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần chỉ rõ mối quan hệ "chất lượng sự tăng trưởng phụ thuộc vào tính ổn định, khả năng tiến lên của Việt Nam, khả năng tiếp cận các nguồn nhân lực của xã hội, của các khu vực kinh tế và thế giới để từ đó có một sách lược cụ thể.
Vấn đề "cổ phần hóa" cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm, trong đó đáng chú ý là ý kiến của GS TS Nguyễn Thế Thọ (Ðại học Huế), ông cho rằng: "Quá trình chuyển những tài nguyên quốc gia sang cổ phần hóa cũng phải lưu ý. Ở nước ta, đất đai là nguồn tài sản rất lớn mà trong quá trình chúng ta giao đất cho các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư đang có vấn đề. Nhiều doanh nghiệp xem đất như là tài nguyên chung đã chuyển hóa cho các nhà đầu tư, chuyển của Nhà nước sang của tư nhân...", nên "có tình trạng đất bị tư nhân hóa". Tương tự như vậy, GS TS Nguyễn Ân Niên đề nghị: "Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ nếu không sẽ làm thất thoát tài sản của nhân dân".
Các tham luận và ý kiến đóng góp cho thấy nhiều trí thức đã và đang rất trăn trở trước tình trạng phân hóa giàu - nghèo, tình trạng gia tăng các tệ nạn xã hội trong những năm gần đây. Nhiều ý kiến khẳng định, nếu sự phân hóa giàu - nghèo trở nên gay gắt thì vấn đề công bằng, bình đẳng xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trí thức, nhà khoa học đề nghị Ðảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa các chính sách dành cho người nghèo như y tế, nhà ở, đào tạo nghề, tạo việc làm,... Như cách nói của GS Cao Văn Phương (Ðại học Dân lập Bình Dương), "Không phải là cấp con cá mà là trao cần câu" để cùng với sự trợ giúp của Nhà nước, người nghèo có thể tự mình vươn lên làm giàu có cuộc sống của bản thân và gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, vấn đề không chỉ là chính sách, mà còn phụ thuộc vào việc thực thi chính sách như thế nào một cách thiết thực, như ý kiến của GS TS Nguyễn Ðăng Vang (Viện Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT), TS Phạm Tỵ (Bình Ðịnh). Nhiều ý kiến đề nghị, vấn đề phát triển cân đối giữa các vùng, miền; phát triển vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là phát triển khu vực nông thôn, phải được chú ý hơn nữa và nhất thiết phải quan tâm đến tính hiệu quả. GS TS Hoàng Xuân Sính cho rằng: "Ðể phát triển bền vững, cần tập trung đẩy mạnh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn và các vùng xa, làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, không dừng ở các hình thức và biện pháp hiện nay, phải thiết thực đưa người nghèo ra khỏi cảnh nghèo đói...". Một số ý kiến nhấn mạnh, không thể để xảy ra tình trạng Nhà nước đầu tư phát triển lớn nhưng do buông lỏng kiểm tra, giám sát mà dẫn tới tình trạng thất thoát, tắc trách, không đạt được mục đích đề ra...
Ðào tạo con người Việt Nam đủ đức - tài xây dựng xã hội mới
Phải nói rằng, giáo dục - đào tạo là đề tài được đa số trí thức, nhà khoa học tham gia hội nghị trên cả ba miền rất quan tâm, coi đây là vấn đề bức xúc hiện nay. Ðiều này thể hiện khá rõ qua ý kiến phát biểu của các trí thức, nhà khoa học, như GS TS Phạm Tất Dong (Ban Khoa giáo T.Ư), PGS TS Nguyễn Lê Ninh (Hội ô-tô và thiết bị động lực TP Hồ Chí Minh), GS TS Phan Kỳ Phùng (Ðại học Ðà Nẵng)...
Ðiểm đáng chú ý là, trong khi góp ý kiến về chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, phần lớn trí thức và nhà khoa học không tập trung "mổ xẻ" các hiện tượng tiêu cực đang tồn tại trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, mà hướng tới mục đích cao hơn là đi tìm nguyên nhân và đề xuất ý kiến đóng góp với Ðảng. Như GS Hoàng Tụy đặt vấn đề: "Chúng ta từng nêu rất đúng đắn rằng, phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, song cho đến nay giáo dục, khoa học và công nghệ vẫn tụt hậu, tụt hậu so với thế giới và khu vực. Vì sao?". Theo ông, một trong các nguyên nhân đẩy tới tình trạng đó là do chúng ta: "Chưa đổi mới tư duy trong lĩnh vực này, chưa đổi mới cung cách quản lý, lãnh đạo lĩnh vực này, do vậy không chỉ lãng phí về vật chất, mà còn cả chất xám". Ông hy vọng, Ðại hội sẽ đặt lại vấn đề này và đưa ra được quyết sách cơ bản để chỉ đạo phương hướng chấn hưng giáo dục, khoa học có hiệu quả thật sự.
Vấn đề "chất lượng con người" cũng là một nội dung được các trí thức, nhà khoa học chú ý. GS Cao Văn Phương cho rằng, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trước hết phải tính đến yếu tố "chất lượng con người". Mà chất lượng con người có quyết định được hay không phần lớn là do giáo dục. Theo ông, phải đa dạng hóa cách học và cách tổ chức các lớp học. Phải mở rộng phạm vi và quốc tế hóa giáo dục. Thứ nữa là đa dạng hóa các phương thức đào tạo. Theo các nhà khoa học, kinh tế tri thức phát triển và phát huy tính hiệu quả của nó như thế nào có vai trò rất quan trọng của giáo dục - đào tạo. Do đó, số đông các nhà khoa học khẳng định rằng, đã đến lúc một cuộc cải cách giáo dục mới nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, lạc hậu, luẩn quẩn của những năm qua, dựa trên cơ sở những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, phải được triển khai. Có như vậy, nền giáo dục - đào tạo của nước ta mới theo kịp yêu cầu của sự phát triển, đồng thời trực tiếp góp phần dung dưỡng và đào tạo các thế hệ con người Việt Nam đủ tài - đức để xây dựng xã hội mới.
Ðảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề quan trọng nhất đối với Ðảng ta là phải xây dựng đội ngũ thật sự trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo sự nghiệp chấn hưng dân tộc. Nhiều ý kiến đề cập nạn tham nhũng mà trong đó trách nhiệm trước hết thuộc về cán bộ và đảng viên. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Ðằng bộc bạch: "Sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm giảm sút niềm tin trong nhân dân. Tình trạng đó không bình thường. Cho nên giải pháp cũng phải "đặc biệt", dám đột phá. Không thể bằng biện pháp thông thường mà giải quyết được tình trạng không bình thường".
Trước một số vấn đề như khuyết điểm trong công tác đào tạo và bố trí cán bộ, chưa huy động được nhân tài và nguồn lực trong Ðảng, trong nhân dân để đưa vào các vị trí xứng đáng, PGS Tô Bá Trọng đề nghị: "Ðảng cần nghiên cứu đánh giá, kiểm tra để loại trừ các tệ nạn đó, không chỉ để khai thác tốt hơn nữa khả năng phát triển của đất nước, mà còn để bảo vệ uy tín của Ðảng và giữ gìn bản chất trong sáng, sự tận tụy hy sinh của đảng viên vì nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh vì sự sống còn của đất nước".
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà khoa học, nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Ðảng luôn có quan hệ mật thiết với việc mở rộng dân chủ trong nội bộ Ðảng, dân chủ trong các sinh hoạt kinh tế - văn hóa - xã hội. GS Mạc Ðường (Viện KHXHNV TP Hồ Chí Minh) coi vấn đề đoàn kết "là nhân tố sống còn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Còn TS Phạm Sỹ Liêm đề xuất ý kiến: "Trong vấn đề chiến lược này, Ðảng ta phải tạo nên sự gắn kết dân tộc kiểu mới nhằm đạt tới mục tiêu trước mắt là đuổi kịp các nước trong khu vực".
Các trí thức và nhà khoa học tham dự ba cuộc hội nghị gửi gắm hy vọng vào quyết tâm đổi mới và chỉnh đốn của Ðảng. TS Trương Văn Ða (Hội làm vườn TP Hồ Chí Minh), cho rằng, "không lúc nào hơn lúc này, xã hội đang đòi hỏi tính gương mẫu cao của đảng viên, nhất là các đảng viên có chức, có quyền và viên chức Nhà nước".
|