Ý kiến dân về giá điện chỉ để tham khảo
Các Website khác - 11/03/2006

Kế hoạch đăng tải chi tiết 4 phương án tăng giá điện trong tuần này của Bộ Công nghiệp lại lỗi hẹn, nguyên nhân theo một chuyên gia là quá nhiều vấn đề chưa được thống nhất. Lãnh đạo ngành điện cho rằng kết quả trưng cầu dân ý nếu có cũng không có nhiều giá trị.

Nhiều chuyên gia cho rằng nên yêu cầu EVN tiết giảm chi phí. Ảnh: A.T.

Ông Nguyễn Văn Tạo, ở phường Định Công (Hà Nội) cho hay ông đã đọc kỹ cả 4 phương án song thật khó mà góp ý khi chẳng có thông tin gì thêm (như cơ chế hình thành giá, so sánh giá với tăng trưởng và thu nhập của ngành điện). "Nhìn tổng quát gia đình tôi mỗi tháng dùng khoảng 200 kWh thì thấy cách tính như phương án 3 là lợi nhất song bên hàng xóm có mỗi hai ông bà về hưu chỉ dùng 80-90 kWh thì lại thích cách thứ nhất. Nếu tham khảo ý kiến chẳng ai dại gì không bỏ phiếu cho phương án có lợi với mình nhất", ông bình luận.

Khi được hỏi sẽ chọn phương án nào, các doanh nghiệp sản xuất chọn ngay phương án 1 - không tăng giá điện sản xuất. Đại diện một doanh nghiệp trong ngành dệt may giải thích để sản xuất ra 1 kg sợi mất 5 kWh điện, tiền điện chiếm 5-7% tổng chi phí đầu vào, tăng giá điện sẽ buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.

Đề cập đến vấn đề này, ông Ngô Trí Long, Viện phó Viện Khoa học giá cả cho rằng quyết định giá điện như thế nào, người dân và doanh nghiệp không thể làm thay cơ quan chức năng, bởi việc này cần những nghiệp vụ rất chuyên sâu. Nếu chọn số đông thì chắc chắn là phương án 1 thắng, trong khi các chuyên gia tổ giá điện lại nghiêng về phương án 3-4. Ông nói: "Vậy Bộ Công nghiệp bênh ai, bỏ ai? Thà không lấy ý kiến còn hơn".

Một chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng, ngành điện độc quyền nhưng không được quyết định giá do đó cơ quan chức năng cần đứng ở góc độ tổng quát, tính toán lợi ích của từng nhóm khách hàng để có quyết định phù hợp nhất. "Quan trọng là công tâm và đưa ra được các luận cứ thuyết phục người dân, có tính toán bằng các định lượng cụ thể chứ không nhất thiết lấy ý kiến đại trà rồi lại không sử dụng", chuyên gia này nhận xét.

Giá cứ tăng, bất cập không sửa

Chia sẻ quan điểm tính giá điện, có chuyên gia đề nghị chia nhỏ bậc thang. Bậc thang đầu tăng ít, bậc sau tăng dần, 50 kWh đầu cũng phải tăng để người tiêu dùng thấy cần phải tiết kiệm, từ 200-300 kWh trở lên có thể tăng mạnh hơn, đồng thời nên tăng làm nhiều đợt để giảm tác động tăng giá.

Theo ông Ngô Trí Long, thay vì đưa ra mức điều chỉnh lớn, cơ quan quản lý nên yêu cầu các hộ được hưởng giá ưu đãi cũng như ngành điện tiết giảm chi phí, sử dụng điện tiết kiệm hơn. Khảo sát của Viện Khoa học giá cả cho thấy, so với những nước có tỷ trọng sản xuất thủy điện tương tự, biểu giá bán lẻ của VN cao hơn tới 20%. "Nếu những đối tượng trên tiết kiệm được chi phí, mức độ tăng giá sẽ không lớn như dự thảo đưa ra", ông Long nói.

Trên thực tế, biểu giá hiện hành đang duy trì giá bán lẻ điện ưu đãi cho một số ngành sản xuất đặc thù như nước sạch, thủy lợi, luyện thép, sản xuất phân bón, than, xi măng thấp hơn mặt bằng chung 6%-10%. Tuy nhiên, những ngành này lại sử dụng điện lãng phí, nếu được quản lý tốt hơn có thể tiết kiệm được 20% sản lượng điện tiêu thụ. Bản thân Tổng công ty điện lực VN cũng muốn điều chỉnh giá điện dành cho các hộ đặc thù lên bằng mức giá chung để công bằng trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tổ giá điện lại không đồng ý với phương án này.

Một bất cập khác là các cơ quan quản lý chưa tính đến các chế tài để hạn chế tình trạng giá điện sinh hoạt đến tay người dân thường cao hơn giá trần của Chính phủ . Đơn cử như nhiều xã ở huyện Đông Anh (ngoại thành Hà Nội), giá điện lên tới 750-900 đồng/kWh, vượt 50 đồng so với quy định vì các chi nhánh điện thường bán buôn cho tư nhân thầu qua công tơ tổng dẫn tới không kiểm soát được.

Phong Lan

Theo dòng sự kiện:
Chưa chọn được phương án tăng giá điện (18/11/2005)
Giá điện sinh hoạt tăng, sản xuất có thể giữ nguyên (17/11/2005)
Đề xuất tăng giá điện gần 15% (14/11/2005)
Chưa ép mua điện theo giờ sinh hoạt (19/10/2005)
Chuẩn bị áp giá điện theo giờ sinh hoạt (14/10/2005)
Xem tiếp»