Trào lưu “sống thử” – vở kịch không hồi kết
Các Website khác - 13/01/2009
Dường như xu hướng “sống thử” ở giới trẻ ngày nay trở thành một thứ “mốt”, một điều hiển nhiên. Khi mà đi đâu người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh chung sống tạm bợ này…


(Ảnh minh hoạ)

Xóm… vợ chồng

Choáng váng khi nghe một người bạn nói về một khu trọ ở Q. Cầu Giấy, HN, có một xóm trọ toàn các đôi vợ chồng hờ chung sống với nhau. Tôi làm quen với một cô gái trong khu trọ tên Lan, và được vinh dự mời về chơi với lời giới thiệu rất ấn tượng “nơi đây ấm cúng như ở nhà”. Khi mới bước chân vào khu trọ, tôi quả có ấn tượng tốt về nơi này thật. Sạch sẽ, cao ráo, tường cổng đàng hoàng, phòng ở khá khang trang, ít ai có thể nghĩ rằng đây là lại nơi trọ của sinh viên.

Dãy phòng trọ có tất cả 6 phòng, La ở phòng cuối cùng. Ở đây “nhà” nào cũng có ti vi, tủ lạnh thậm chí cả xe máy, đầy đủ không khác gì một gia đình. Khi nghe tôi hỏi Lan ở cùng với bạn bè hay với người nhà, thì cô chỉ cười và nói “lát nữa chị sẽ biết”. Lan đi chợ mua khá nhiều đồ ăn và hoa quả, ngỡ sự có mặt của mình được tiếp đón nhiệt tình như vậy, tôi thầm tự hào. Nhưng sau đó mới biết mình lầm, hoá ra Lan mua đồ ăn cho hợp khẩu vị của người “bạn cùng phòng”. Đến khi người đó về ngọt ngào hỏi “bà xã hôm nay mua gì cho anh ăn thế?”, thì tôi mới vỡ lẽ.

Theo như Lan giới thiệu, thì khu trọ này là xóm “vợ chồng”, bởi có bao nhiêu phòng thì có bấy nhiêu cặp đôi tất cả. Mới đầu khởi xướng là một chị tên Xuân người Phú Thọ xuống Hà Nội làm công nhân, thấy chủ nhà dễ tính, không quan tâm đến đời tư của người thuê nhà nên cô kéo cả bạn trai về ở. Mới đầu cả xóm còn “mắt tròn mắt dẹp” nhìn chị khi thấy hai người cứ xưng hô “vợ vợ, chồng chồng”, nhưng sau cũng quen dần, rồi trở thành trào lưu cho cả xóm khi nào không hay.

“Đến nay thì khu trọ đã chính thức trở thành khu tập thể của các “đôi vợ chồng trẻ”, như chị thấy đấy!”. Lan bộc bạch vậy. “Thế đã đôi nào thành đôi, thành lứa thật chưa?”, khi nghe tôi hỏi vậy nét mặt Lan thoáng buồn, cô thở dài: “Yêu nhau thì đến với nhau thế thôi chị ạ!, chứ cưới xin gì, bọn em còn đang học hành giang giở thế này. Hơn nữa sống với nhau nhiều đâm nhạt không muốn nghĩ đến đám cưới…”. Tôi tự hỏi biết thế tại sao Lan và nhiều cô gái trẻ khác vẫn lao vào… Như đọc được ý nghĩa đó của tôi Lan tiếp lời “Yêu nhau là phải thế mà chị, nếu không thì không phải là yêu hết mình. Vả lại người ta cũng xa nhà như mình, tội gì không nương tựa vào nhau mà sống, vừa đỡ tốn kém lại đầm ấm như gia đình, sau này có lấy nhau về cũng đỡ bỡ ngỡ…”.

Tôi hiểu suy nghĩ của cô gái trẻ này, cô yêu không vì vụ lợi, không vì chút dục vọng thấp hèn, nhưng với cách suy nghĩ lệch lạc này tương lai cũng như cuộc đời của cô sẽ về đâu? Khi mà Lan đã từng chung sống như vợ chồng với người đàn ông hiện tại đã là thứ 3?

Cùng trong xóm trọ của Lan có một cô gái còn rất trẻ tên Trang, độ tuổi mới chỉ mười tám, xinh xắn, cao ráo. Trang mới tốt nghiệp lớp 12, không thi đỗ ĐH cô xin gia đình cho về Hà Nội học cắt may. Thời gian đầu, Trang ở cùng hai người bạn gái cùng quê cũng đi học như cô. Nhưng sau có bạn trai, người yêu Trang đề nghị cô ra ở riêng để cho anh ta đến “góp gạo thổi cơm chung”. Mới đầu chỉ là những bữa cơm ăn, sau dần anh ta bắt đầu mang đồ đến, hôm thì nhờ Trang giặt hộ, hôm thì tá túc nhờ vì đủ lý do này nọ. Rồi chẳng biết từ khi nào Trang cũng có một ông chồng hờ như bao “tổ ấm” khác trong xóm.

Trang rất tin tưởng vào một đám cưới trong tương lai, mặc dù trong xóm trọ nhiều người ngăn cản vì “chồng” cô hơn nhiều tuổi quá, lại không rõ quê quán ở đâu. Mọi người lo rằng “chồng” Trang đã có gia đình. Nhưng Trang nhất mực không nghe, cô nói như đinh đóng cột rằng: “Nếu có gia đình rồi, tại sao ở với em bao lâu có thấy anh ấy về thăm vợ con khi nào đâu? Mà nếu không yêu em, tại sao phải mua sắm cho cả hai nhiều thế…?”. Trang càng tin tưởng vào tương lai hơn, khi có Xuân (người tiên phong trong xóm) ủng hộ.

Xuân nói rằng cho dù “chồng” Trang có gia đình rồi thì cũng có sao, vì Trang chẳng mất gì mà bù lại còn được bao nhiêu thứ, nào xe, nào điện thoại, đồ đạc tiện nghi… Thậm chí Xuân còn dẫn chứng ngay từ bản thân mình. Qua mấy “đời chồng”, từ một cô công nhân bình dị, giờ đây Xuân trở thành một “bà chủ”. Xuân khá dư dả, nên cô khiêm luôn dịch vụ cho vay nếu ai có nhu cầu, dĩ nhiên là phải đi kèm có lãi. Theo như lời Lan, thì không biết hiện tại Xuân làm gì. Chỉ biết rằng với cách ăn mặc sành điệu và đi xe đẹp như của cô thì chắc chắn không thể là một công nhân cho được…

Bi kịch không có hồi kết

Lâu ngày không gặp Lan, tôi tìm đến khu trọ ngày nào tìm cô. Xóm trọ giờ đây không còn yên tĩnh như dạo trước nữa, mà nó ồn ào vì có nhiều sinh viên mới đến thuê. Lan đã già dặn đi nhiều, bụng cô lùm lùm như mang bầu mấy tháng. Khi nghe hỏi về những “tổ ấm” khác, Lan chỉ thở dài lắc đầu. Cô kể, mấy tháng trước, Trang bị một người phụ nữ đến tận xóm trọ đánh, hoá ra “ông chồng” của Trang ở dưới quê có vợ thật. Trang bị một trận đòn nhừ tử và bị “bà cả” lột sạch tài sản mang đi, xấu hổ với mọi người nên Trang cũng bỏ đi luôn từ đấy…

Còn Xuân mới bị Công an đến tận nhà giải đi, vì có liên quan đến một đường dây gái gọi. Theo Lan thì cũng chỉ có hai người đó là gặp “vận đen”. Nhưng nhìn vào đó, nhiều người cũng thấy ớn cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” này, nên các đôi khác cũng lặng lẽ tìm cách chia tay, mỗi người một ngả.

Riêng có Lan là không muốn lựa chọn giải pháp đó, nhất là khi cô đã lỡ có thai. Nhưng thật trớ trêu cho cô, lúc báo tin vui cho người yêu cũng chính là lúc cô nhận ra bộ mặt thật của anh ta. Người tình của cô phủi tay không chịu nhận đứa con, rồi cũng bỏ mặc cô mà đi. Lan cay đắng định đi phá bỏ cái thai, nhưng nó đã quá lớn nên các bác sĩ không thể thực hiện được. Giờ đây cô phải chấp nhận bảo lưu việc học lại, gồng sức lo cho lúc sinh nở một mình. Lan không dám báo cho ai biết, vì sợ gia đình và bạn bè coi thường, dị nghị. Giọt nước mắt muộn màng lăn dài trên khuôn mặt cô sinh viên nghèo, giá như Lan biết suy nghĩ hơn và đừng để tình yêu lôi kéo thì đâu đến nỗi...

Theo Phununet