Bi kịch “cơm sôi thổi thêm lửa”
Các Website khác - 19/12/2008
Đến bát đũa còn có lúc xô thì vợ chồng sống với nhau cả đời không thể tránh được những lúc giận dỗi, cãi cọ. “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”, từ ngàn xưa, các cụ đã có lời khuyên về cách đối nhân xử thế trong gia đình như vậy. Ấy nhưng, chân lý tưởng chừng như đơn giản ấy lại không có “đất sống” trong nhiều gia đình nhất là các gia đình trẻ.
 

Khi “dầu” gặp “lửa”

Đó đúng là cụm từ chính xác để miêu tả tình trạng của Hoa mỗi khi hai vợ chồng cô cãi nhau. Mới lấy nhau được chưa đầy 6 tháng nhưng hai vợ chồng Hoa – Phát đã phát sinh nhiều mâu thuẫn, từ những cái lớn nhất như quan điểm sống đến những cái lặt vặt như chuyện phân công việc nhà.

Không phải Hoa – Phát không có thời gian tìm hiểu nhau trước khi cưới mà ngược lại, họ đã có hẳn 3 năm yêu nhau. Khi yêu nhau, tình cảm rất thắm thiết, chàng và nàng luôn luôn nhường nhịn nhau nhưng lấy nhau rồi cả hai mới “té ngửa” khi phát hiện ra những “mảng tối” mà bản thân chưa biết về người bạn đời. Cả hai vợ chồng Hoa đều thuộc dạng nóng tính và khó thỏa hiệp.

Đôi khi, chỉ những chuyện nhỏ nhặt mà khiến hai vợ chồng cô chiến tranh lạnh đến cả tuần. Như hôm trước, Phát dặn vợ giặt và là trước cho mình mấy bộ quần áo để anh mang theo trong chuyến công tác miền Trung. Mải nhiều chuyện, Hoa quên khuấy việc chồng dặn. Đến khi Phát sắp xếp quần áo chuẩn bị thì thấy mấy cái áo vẫn nhàu nhĩ nguyên xi. Bực mình, anh cáu gắt với vợ. Sẵn nhiều bực dọc vì công việc cơ quan không mấy thuận lợi, Hoa gào lên: “Tôi không phải là ôsin cho anh mà anh muốn sai gì thì phải làm. Anh đi làm, tôi cũng phải đi làm thế mà về đến nhà thì anh nào đọc báo, nào xem tivi còn tôi thì đầu tắt mặt tối vào đống quần áo, xong chảo, bát đĩa”.

Lời qua tiếng lại, cãi vã càng lúc càng lớn hơn. Thế là thay vì tình cảm bịn rịn, lưu luyến tiễn chồng đi công tác, Hoa đã biến buổi chia ly thành ngày khởi đầu cho chiến tranh lạnh. Thay vì chỉ đi công tác 1 tuần như đã dự định, Phát đã kéo dài thành 10 ngày. Suốt chục ngày đó, cả hai tuyệt nhiên không ai chịu xuống nước hỏi thăm, nhắn tin cho nhau lấy một lời. Hai vợ chồng son mà không khí gia đình lúc nào cũng như địa ngục.

Đay nghiến chuyện quá khứ

Giống như vợ chồng Hoa, gia đình anh Linh cũng thường xuyên rơi vào tình trạng bất ổn với những trận cãi vã liên tu bất tận của hai vợ chồng. “Ba ngày một trận cãi nhỏ, năm ngày một trận cãi lớn” là cụm từ mà người hàng xóm dùng để diễn tả “sinh hoạt” nhà anh chị. Mai, vợ anh được luôn được đánh giá là người sống hiền hòa, chịu thương chịu khó. Mẫu người đó thông thường có khả năng nhẫn nhịn, chịu đựng rất giỏi; vậy mà xóm làng đã không ít lần thấy cô phải gay gắt và to tiếng với chồng. Nguyên nhân là do Linh có tật rất xấu là hay chì chiết, lôi những chuyện quá khứ ra để nhiếc móc vợ mỗi khi hai người nảy sinh mâu thuẫn.

Trước khi lấy Linh, Mai đã từng đính hôn với một người. Không hiểu lý do gì người này đã hủy bỏ đám cưới và bỏ đi mất tăm tích. Biết được điều đó nhưng khi đó, Linh đã bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị để lấy người con gái mình đã thương thầm nhớ trộm lâu nay. Thế mà yên ổn không sao nhưng khi có mâu thuẫn gì trong cuộc sống, Linh đều nhắc lại quá khứ đó với những lời suy đoán vô căn cứ như: “chắc con ong đã tỏ đường đi lối về rồi nên nó mới bỏ cô phải không?” hay “thằng đó nó thấy trước được những tính xấu xa của cô nên đã bỏ của chạy lấy người, chỉ có tôi là ngu thôi, tôi ngu nên mới rước cô về làm vợ!”. Những lời ác ý của Linh đã khiến người đàn bà yếu đuối, hiền lành như Mai cũng không thể chịu nổi. Sau mỗi lần cãi nhau, biết là do chồng giận quá mất khôn nhưng Mai đã luôn thấy lòng tự trọng bị thương tổn khó có thể hồi phục như cũ.

Phản ứng mỗi khi “cơm sôi”

Thông thường, sau mỗi lần “cơm sôi”, các cặp vợ chồng thường rơi vào trạng thái giận dỗi hoặc đóng băng tình cảm. Giống như “trẻ con” lúc mâu thuẫn, những cặp vợ chồng này cũng không nói chuyện với nhau, nếu bị buộc phải nói thì thường nói nhát gừng, thiếu chủ ngữ hay nhờ con cái chuyển lời hộ.

Khi vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, một số ông chồng có thói quen bỏ đi đâu đó uống rượu đến say xỉn mới mò về nhà nôn ói tung tóe khiến người vợ đã sẵn bực trong người, thêm cảnh tượng này càng bức xúc hơn, nói ra những câu ít nhiều đụng chạm tới chồng. Thế là, “cơm” vốn sôi lại sùng sục lên trong bếp. Tình cảm, niềm tin từ cả hai phía chồng vợ bị suy giảm đến mức nghiêm trọng.

Các bà vợ thì có “chiêu trả đũa” bằng cách mang con bỏ về nhà ngoại. Họ hả hê khi nghĩ đến chuyện không có mình, chồng sẽ vật lộn thế nào với nhà cửa, quần áo, cơm nước... Có cô bạo mồm tuyên bố chồng có mang kiệu tám người khênh đến rước cũng không thèm về. Họ không biết rằng, bỏ về nhà mẹ là tự mình đã “trao trả tự do tạm thời” cho người chồng. Với những ông chồng không có tính trăng hoa thì không sao những với những người đã sẵn có máu lăng nhăng trong người, ai dám đảm bảo rằng nhân sự “tự do tạm thời” đó, họ không tìm đến với một bóng hồng khác và một bi kịch thực sự của gia đình sẽ bắt đầu từ hành động tức thời lúc nóng giận?

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, không mâu thuẫn gia đình nào là không thể hòa giải được nếu cả vợ hoặc chồng thực sự mong muốn giải quyết nó. Để cãi nhau phải có ít nhất là 2 người nhưng để “ngừng bắn” thì một người cũng làm được. Bạn hãy chủ động trong việc chấm dứt chiến tranh. Đặc biệt không nên dùng “vũ khí hạng nặng” (lời lẽ đao to búa lớn có tính chất quy về bản chất con người) thì lúc làm làm lành sẽ dễ hơn. Vì trước sau gì cũng phải làm lành.

Giải pháp tốt nhất là “rút quân” khi thấy cuộc chiến căng thẳng. Bạn có thể đi ra khỏi nhà một lúc để “hạ hoả”. Kinh nghiệm cho thấy tranh luận trong cơn giận dữ chẳng bao gìơ giải quyết được gì. Vì đối phương có nghe mình nói đâu. Họ còn mải nghĩ câu để “trả đũa”. Dù bạn có lẽ phải cũng nên để lúc khác nói họ mới tiếp thu được.

Càng cãi nhau càng lắm chuyện. Nhiều khi cãi nhau xong không biết bắt đầu cãi nhau vì cái gì? Đặc biệt nên khoanh vùng  vấn đề không để ngọn lửa chiến tranh lan rộng sang các vấn đề khác, nhất là không bới móc quá khứ và tổng kết lại thì sẽ rất nặng nề.

K.Hương
                                                                                                                              Theo Phununet.com