Cơm sôi… dập lửa
Các Website khác - 17/11/2007
Dù có bắt anh ăn quả cân, ốc vít hay mỏ hàn mà em khỏe lại thì anh cũng cố ăn cho bằng hết. Anh thua rồi, đáng lẽ ra anh chỉ có thể tranh giành với một người còn sống chứ không thể đấu đá với bóng hình của một người đã chết.


Cô bây giờ như "con chim sợ cành cong"

Khi trong lòng người ta chỉ cất giữ một bóng hình nguyên vẹn của người cũ thì về căn bản không có chỗ cho người đến sau. Chồng cũ của Nhung đã mất trong một vụ đắm tàu, nhưng hình ảnh của người đó lại quá tròn trịa trong trái tim cô và còn khắc sâu hơn nữa bởi khuôn mặt của đứa con trai giống ba nó như tạc.

Ngày Nhung sinh cu Tí, ai cũng bảo cô đi đẻ thuê vì cu cậu giống ba từ đôi mắt đến cái cằm chẻ trông rất hút mắt người ta: “Sau này cu Tí quơ tay trái cũng được vài cô vợ”. Rồi cô lại bị bố mẹ chồng khép vào tội “sát chồng” nên sau khi chồng mất, Nhung bị gia đình người ta ruồng bỏ, hắt hủi không bằng người ở.

Cực chẳng đã, cô phải rời khỏi ngôi nhà cất giữ bao kỉ niệm của những ngày hạnh phúc ngắn ngủi. Nhung ra đi với hai bàn tay trắng, lại không được mang con theo, gia đình nhà chồng nhất quyết đòi giữ lại đứa cháu đích tôn “vàng ngọc” duy nhất của mình.

Cô lang thang kiếm việc làm mong sao nhanh có nhiều tiền để quay về giành lại quyền nuôi con. Cô đi gánh nước thuê, rửa bát, bốc vác vật liệu xây dựng... từ nặng đến nhẹ, không việc gì cô từ chối, miễn sao là có tiền. Cô đã phải học cách vật lộn để sinh tồn, bởi đó mới là cuộc sống, nhưng sao nó không giống như những điều cô hình dung.

Trước đây, mọi công to việc lớn trong nhà đều do chồng lo, Nhung chỉ quanh quẩn trong nhà với việc vặt đơn thuần của người làm vợ, chăm sóc chồng con và lo ngày có ba bữa “cơm dẻo canh ngọt”. Gái nông thôn lấy chồng thành phố mấy ai sướng hơn cô, nhưng ngặt nỗi chồng mất sớm để lại cho cô nỗi sầu chưa vơi thì lại phải rời xa đứa con trai chưa đầy 5 tuổi.

Giờ cô thấy việc kiếm tiền giữa nơi “người khôn của khó” sao mà chật vật. Về quê thì cô không dám vì sợ mang tiếng là bị bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà nên giờ đây dù có phải đi ở trọ làm thuê cũng không dám mở lời. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn đối với Nhung là ở nơi đây, cô còn đứa con trai bé bỏng đang bị giam lỏng trong ngôi nhà lạnh ngắt khuất sâu trong ngõ kia. Cô hay lén đến nhìn trộm con một lát rồi lại vội vã bỏ đi vì sợ nếu bị mẹ chồng bắt gặp thì dễ sinh chuyện.

Mọi lần, hễ có được vài trăm nghìn là cô đem đến nhà một người bạn chí cốt của chồng để nhờ anh cất hộ. Dũng được mẹ chồng cô rất quý, coi như con nuôi, và từ khi con trai bà mất thì vị trí của anh trong lòng bà lại càng quan trọng. Bà coi Dũng như hình thay thế của con trai mình.

Anh không phải kẻ “thừa nước đục thả câu” nên thấy vợ bạn gặp hoàn cảnh đáng thương cũng ái ngại, nhưng lại sợ tiếng đời dị nghị. Thỉnh thoảng anh giả vờ xin phép mẹ chồng cô để đưa cu Tí đi chơi công viên nhưng thực ra là anh tạo điều kiện cho mẹ con họ sum họp. Nhìn cô ôm con trong vòng tay nghẹn ngào mà người cứng rắn như anh phải quay mặt nhìn đi nơi khác.

Thấy cuộc sống của Nhung quá vất vả mà số tiền kiếm được chẳng đáng bao nhiêu, anh rụt rè đề nghị: “Bố anh bị bệnh liệt nửa người đã chục năm nay, mình mẹ anh chăm sóc quá vất vả, hay là em chiếu cố đến phụ giúp để mẹ có thời gian nghỉ ngơi?”. Nhung ngần ngại: “Có được công việc như thế với em đã là quá tốt, nhưng em sợ người ngoài lại nghĩ không tốt về anh. Phàm việc gì có hại đến người khác thì em không muốn làm”.

Mẹ Dũng vốn rất quý Nhung nên bà đồng ý ngay: “Có gì mà phải ngại, là bác nhờ con giúp chứ có phải con tự đến đâu. Ở đây, thỉnh thoảng bác xin phép cho cu Tí qua để mẹ con gặp nhau”.

Ông trời đã không bạc đãi kẻ có tâm, cô ăn ở hiền lành nên có nhiều người thương. Cô sống trong ngôi nhà rộng thênh thang của gia đình Dũng dưới thân phận một người giúp việc và trong tâm trạng của một kẻ thọ ơn. Nhung cần mẫn như một con tằm, việc gì cũng làm không nề hà. Từ việc bón cơm đến thay quần áo, tắm rửa cho bố Dũng - việc mà trước đây chỉ có mẹ anh cáng đáng.

Dũng đã từng nghĩ mình có đủ lạnh lùng, đủ kiên cường để phản kháng lại tình yêu nhưng cuối cùng anh đã thua, thua sự dịu dàng nhẫn nại, thua sự ân cần chăm sóc cô dành cho từng thành viên trong gia đình mình, nơi mà đối với cô không ai là người có chung huyết thống hay một sự ràng buộc nào về trách nhiệm, nơi mà không có gì là tài sản của riêng cô.

Dù được hay không đặng anh cũng quyết “bắn cho tường mặt bia”, Dũng nhờ mẹ đánh tiếng: “Chồng con mất đã lâu, mà con cũng cần phải có người để nương tựa, chứ con định sống một mình mãi sao?”. Nhung chỉ cười: “Gái sát chồng như con ai dám lấy, vả lại điều con mong mỏi nhất bây giờ là có thật nhiều tiền để giành lại quyền nuôi con”. Bà tỏ thật lòng: “Việc đó con không phải lo, chỉ cần con với thằng Dũng kết hôn thì đó là điều đầu tiên mẹ sẽ làm”. Cô khéo léo từ chối: “Con không muốn hai bác và anh Dũng gặp rắc rối vì con nên con vẫn chưa dám nghĩ tới điều đó”.

Nhận lời từ chối dịu ngọt ấy mà sao lòng Dũng thấy khó chịu đến thế, anh như con thú bị trúng thương: “Em mang bom tình dội xuống đầu anh rồi lại thản nhiên nói là em chưa nghĩ tới. Không phải đến khi chồng em mất thì anh mới yêu em. Ngay từ khi cậu ấy đưa em đến nhà anh chơi lần đầu tiên thì anh đã thích em rồi, nhưng vì em quá yêu nó nên anh không có lấy một chút cơ hội để làm kẻ chen ngang...”.

Dẫm chân vào đường yêu, con người ta thường ích kỉ, tình yêu của anh không được chấp nhận nên sinh ra nhỏ nhen. Hễ đặt chân về đến nhà là Dũng bày la liệt mọi thứ lung tung khắp bốn tầng nhà rồi luôn miệng ca cẩm: “Nhà cửa kiểu gì mà bẩn như chuồng lợn thế không biết”.

Dũng bày ra bao nhiêu cô lại dọn gọn vào bấy nhiêu. Dũng làm rất nhiều việc “ngang” chỉ để hành Nhung cho hả lòng “kẻ bại trận”. Có hôm, cô vừa với chiếc điều khiển bật ti vi để xem chương trình sân khấu cho đỡ buồn thì Dũng chạy uỳnh uỵch từ trên gác xuống tắt phụt đi: “Nghe cải lương cứ ỉ eo như nhà có chồng chết ấy”.

Nhung lẳng lặng dời sang phòng khách, Dũng nhìn theo cho đến khi cánh cửa phòng khép lại. Anh đã lục xới quá khứ đau buồn và làm tổn thương người mình yêu, nhưng sao trong lòng vẫn không thấy nhẹ nhõm. Anh vào tủ lạnh lục tìm đồ ăn làm rơi vãi lung tung.

Trằn trọc mãi không ngủ được vì câu nói của Dũng, Nhung lại vùng dậy dọn dẹp để “giết thời gian”. Chẳng may, Nhung giẫm phải miếng phomát Dũng đánh rơi và ngã đập đầu phải cạnh bàn nằm bất tỉnh. Anh vội lao xuống gọi xe đưa vào bệnh viện cấp cứu, mọi người lay gọi mãi mà cô vẫn chưa tỉnh lại. Hàng mi Nhung khép hờ nhưng không ngăn nổi hai giọt nước mọng căng nơi khóe mắt.

Vĩnh Thương ( theo HPGD )