Đừng lấy con làm "vũ khí"
Các Website khác - 10/10/2008

Việt Nam hiện có khoảng 60.000 trường hợp ly hôn mỗi năm, dẫn đến hiện tượng những đứa trẻ phải sống trong các gia đình khuyết thiếu tăng lên. Điều khiến các nhà xã hội học lo lắng là sau khi ly hôn, nhiều ông bố bà mẹ đã sử dụng con mình như một thứ vũ khí để “trút hận” lên đối phương.

Chị Mai Tâm (Hà Nội), đã có hai con, nhưng biết chồng ngoại tình nên nhất quyết ly dị. Toà phán quyết chị được nuôi cả hai đứa nhỏ, người chồng có trách nhiệm chu cấp kinh tế. Những ngày đầu ba mẹ con sống riêng, chị luôn nhận được thái độ lạnh nhạt của các con. Thậm chí có lúc, cả hai đều đề nghị mẹ được về sống cùng bố. Mãi sau này chị mới biết, trong thời gian hai người chuẩn bị ly hôn, người bố đã không ngừng nói xấu mẹ, thậm chí còn nói chị ngoại tình làm cho gia đình tan vỡ.
 
Muốn cho con lớn lên và ít bị ảnh hưởng bởi sự chia cắt, các chuyên gia hôn nhân gia đình khuyên cha mẹ ly dị nên là bạn của nhau

Nhiều cha mẹ khác trước khi ly dị cũng “tranh thủ” tình cảm của con cái bằng cách nói xấu đối phương để có lợi khi ra toà xử ly hôn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ có thể thắng tại toà, nhưng những đứa con thì luôn thất bại, vì tình cảm của chúng đối với bậc sinh thành đã bị tổn thương ghê gớm. Đó là chưa kể trường hợp nói xấu đối phương để giành phần thắng, nhưng sau đó lại bị con cái phát giác, sự tổn thương còn lớn gấp bội, như trường hợp chị Thu Mai, hiện đang là giáo viên dạy THPT ở Hà Nội.

Bố mẹ chị Mai ly hôn khi chị mới 13 tuổi. Chị sống với bố nhưng thường xuyên nghe những lời không hay ho về bố từ mẹ mình. Chị đâm ra ghét bố, nên sau khi học xong THPT thì chuyển về sống cùng ông bà ngoại. Một ngày, có người bạn của bố đã chủ động tìm chị và kể hết toàn bộ sự tình câu chuyện. Lúc đó, chị mới nhận ra rằng mẹ không những là người phá bỏ tổ ấm, mà còn tước đi những tình cảm tốt đẹp đáng lẽ ra phải có giữa chị và bố trong suốt thời thơ ấu.

Theo Th.S tâm lí Phạm Mạnh Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc cha mẹ nói xấu nhau sau khi ly hôn là để trả thù. Ngoài ra, sau một thời gian dài xây tổ ấm, khi phá bỏ nó, người ta phải tìm lý do cắt nghĩa sự chia tay, nếu không họ sẽ có cảm tưởng chính họ mới là kẻ có tội.

Muốn cho con lớn lên và ít bị ảnh hưởng bởi sự chia cắt, các chuyên gia hôn nhân gia đình khuyên cha mẹ ly dị nên là bạn của nhau. Còn nếu vì những tình cảm đã làm tổn thương nhau quá nặng tốt nhất là nên im lặng, con cái cần được sống trong tình yêu thương của cha mẹ và bản thân chúng sẽ biết cách định đoạt phẩm hạnh của cha mẹ khi trưởng thành.          

Theo Thùy Tâm
gdvaxh