Nỗi niềm có “con dê” Tây
Các Website khác - 16/01/2009
 
 Người ta nói chuyện cùng lắm là mỏi miệng, đằng này phải thêm nói chuyện với con rể tương lai mà hỏi hết cả tay lẫn miệng. Chừng nào êm hết mỏi tay thì hai đứa chúng bay mới được làm lễ cưới

Bắt người Việt nói tiếng Tây, buộc người Tây nói tiếng Việt chẳng khác chi mang đũa mà gặp “chẩm chéo” cách ví von rất thật nhưng lạ tai của bà Lò Thị Sắm khiến cho anh chàng John nghĩ mãi mới phát âm được lơ lớ: “Chẩm chéo là món gì?”.

Bà không biết giải thích thế nào cho anh chàng ngoại quốc này hiểu được. Bà càng cố gắng diễn tả bằng hành động thì John cứ lăn ra mà cười, cuối cùng bà phải trực tiếp cho John nhìn tận mắt. Bà lấy một quả ớt rừng to hơn ngón tay cái hơ nướng qua lửa cho chín mềm, lấy vài nhánh tỏi bóc trắng vỏ, thêm chút muối rồi cho vào bát giã thật nhuyễn và nêm chút nước hoặc mắm, đó là thứ nước chấm duy nhất trên mâm cơm của người Thái đen.

Anh chàng John lúc đó mới ú ớ câu gì đó ra điều mình đã hiểu rồi thản nhiên chấm ngón tay vào bát nước chấm rồi đưa lên miệng, anh gật gù: “Ngón, rất ngon!”. Đúng lúc Bạc Thị Síu mang về một giỏ lá Vón Vén để nấu canh lá chua đãi khách quý thì John ghé tai cô nói khẽ: “An thít eng con năm vá tăm truông nhu đong báo”. Siu cười nghiêng ngả: “Ai bảo anh như thế?” John thật thà: “bạng an báo thật mà”.

Những câu nói ngọng líu ngọng lô, nửa Ta nửa Tây khiến cho một nhà dân tộc học như anh càng trở nên gần gũi và đáng yêu hơn trong mắt một cô sơn nữ vùng cao. Thì ra anh đã nghe bạn bè anh đùa, lên công tác vùng cao thì phải sống giống như đồng bào: “Ăn cơm nắm và tắm không quần”.

Siu giải thích kỹ cho John hiểu về phong tục của đồng bào mình: “Đồng bào đồ xôi cho vào Ếp, để lên gác bếp hoặc đeo bên hông đi làm nương, làm đồng khi nào đói thì có xôi nếp ăn luôn. Còn lúc nóng nực muống tắm thì đồng bào cứ việc xuống suối mà tắm. Ai cũng thế cả mà”. Cô dẫn John ra con suối trong vắt cạnh nhà rồi hồn nhiên cuộn váy cao dần lên và lội xuống suối, nước ngập tới đâu thì váy được cuốn lên tới đó và khi tắm xong thì người nhô lên khỏi mặt nước tới đâu váy được buông tới đó. Xem ra kiểu tắm này rất tế nhị mang đậm nét văn hóa của vùng cao chứ không dung tục như mọi người vẫn nghĩ.

Lần đầu tiên có cử nhân sử học vùng cao đưa anh chàng dân tộc học ngoại quốc về ra mắt Ải Êm (bố mẹ). Vừa nhìn thấy cái Tằng cẩu trên đầu bà Sắm anh cứ ôm bụng cười khiến cho bà chau mày khó chịu. Bà kéo con gái ra khuất ngoài hiên trước trách mắng: “Ải cô là chủ tịch xã còn Ểm là Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã nên cô mới được cử đi học ở tận Thủ Đô, Ểm tưởng mang về cho dân bản nhiều cái chữ, đằng này rước về của nợ gì thế hả? Chẳng biết lễ phép là cái gì lại còn cười nhạo cái Tằng cẩu của Êm”. Siu cố gắng giải thích cho mẹ hiểu: “Anh ấy là tiến sĩ dân tộc học người Mỹ, chuyên nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc thiểu số ở một số nước Đông Nam Á. Con đưa anh ấy đi điền dã chuyến này để nghiên cứu thực địa và văn hóa ở đồng bào Thái ở Tây Bắc. Anh ấy là một người thông minh và dễ mến, con tin anh ấy sẽ nhanh hòa nhập và Êm sẽ quý anh ấy nhanh thôi”.

Sau khi tốt nghiệp cô chưa có dịp về “báo hiếu” với quê hương. Siu vào làm trong một Viện chuyên nghiên cứu về văn hoá, tộc người của người đồng bào thiểu số, Siu thấy đây là dịp cô có thể giới thiệu với rất nhiều người trên thế giới hiểu thêm nét đẹp về con người và văn hóa của đồng bào mình.

Mối tình không ngăn cách bởi nửa vòng trái đất ấy được bắt đầu từ rất sớm, ngay trong những ngày đầu Siu mới về nhận công tác. Một cô sơn nữ có nước da khỏe mạnh của miền non cao, có tiếng hát trong như tiếng suối đầu nguồn và mang trong đầu bao nhiều suy nghĩ rất tiến bộ, ham học hỏi và thích khám phá nên cô muốn tìm một công việc được đi đây đi đó, học rộng biết nhiều.

Trong bản ai cũng khuyên: “Con gái học làm gì nhiều cái chữ cho khó lấy chồng” nhưng điều đó không làm thay đổi sự thích học của Siu. Ngày mới xuống Hà Nội học cô nói tiếng phổ thông chưa sõi, không biết cách hỏi đường, ăn kem phải ngồi đợi cho nguội không còn bốc khói nữa mới dám ăn. Vậy mà sau bốn năm đại học không những hiểu nhiều tiếng phổ thông mà còn nói tiếng Anh rất giỏi.

Cô ước ao trở thành một nhà dân tộc học chân chính hết mình vì công việc nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hai người đến với nhau như một sự sắp đặt định mệnh của ông Trời. Họ thích nhau từ lần đầu tiên gặp mặt và quấn quýt nhau như nhân vật Hiến Hon trong chuyện kể dân gian của đồng bào Thái.

Siu đưa John đến gặp những già làng, trưởng bản “đức cao vọng trọng” và hiểu biết nhiều về sự đời và phong tục tập quán. Cô đã xuất sắc trong vai trò phiên dịch, còn John lại là người rất tỉ mỉ trong chuyên môn. Anh say sưa hỏi về sự tích tên bản, tên mường, tên dòng sông, con suối hay ngọn núi và những huyền tích kể về nó.

Anh theo đồng bào lên mương trỉa hạt, nướng ngô, nướng sắn, đi gặt lúa ngoài đồng và cả tắm suối nữa. Về nhà bố mẹ Siu lại chiêu đãi nhiều món ngon đặc trưng của đồng bào như món xôi ngũ sắc, vịt nướng lá sả, nộm rau cỏ Bợ… nhưng món John thích nhất vẫn là thứ nước chấm có vị cay nồng của ớt rừng, mùi thơm dịu của vị tỏi được gọi là Chẩm Chéo ấy.

Chưa đầy một tháng anh đã thấy yêu mảnh đất ấy vì đó sắp trở thành quê hương thứ hai của anh. Siu đưa anh đi dự các “nghi lễ vòng đời” được tổ chức theo nghi thức cổ truyền. Từ việc sinh để bên bếp lửa của người phụ nữ. Lễ đặt tên (Phú chư) khi đứa trẻ đầy tháng đến cưới hỏi (Pay mia), ma chay và các nghi lễ nông nghiệp như Lễ Cầu mùa, Lễ Mừng cơm mới, Lễ gọi họn, lễ cúng ví trâu (Táy Quăn Quai)…

John cũng đã phần nào hiểu được những điều cấm kị của từng dòng họ. Đến nhà nào có Ta Leo là một tấm nan tre hình vuông 20x20cm, có những nan tre đan chéo cánh sử, trên đó buộc một cành lá và hòn than để trừ tà ma ở ngay đầu cầu thang thì John biết ngày nhà đó đang làm lễ hoặc có bà đẻ nên anh không bao giờ tự ý bước lên cầu thang. Siu đã dạy John nói sõi tiếng Việt và John dạy lại Siu nói thạo tiếng Anh. Anh học được rất nhiều câu bằng tiếng dân tộc để có thể tự nói chuyện với mẹ vợ tương lai. Anh lại ghé vào tai Siu nói nhỏ đủ cho hai người nghe: “Anh thích ăn cơm mắm và tắm không mặc quần”.

Cả hai cười như nắc nẻ khiến cho mọi người thấy vui lây. Núi rừng như rộng mở vòng tay đón chờ người con xứ lạ. Siu đưa John đi chơi Hội Gầu Tào (Hội Xuân) quả còn rực rỡ muôn màu sắc trong tay cô bay vút đi, trong tích tắc nó đã nằm gọn trong tay John – chàng trai Mường lạ.

(Ảnh mang tính minh họa)

Theo Phununet