Vợ chồng “lây nhau”
Các Website khác - 16/01/2009
 
 Ngày còn con gái, những buổi tối rỗi rãi, các cô em họ, nhà ở trước cửa nhà tôi, cách một con đường, hay sang nhà tôi chơi, khi đọc báo, khi xem sách hoặc thêu thùa. Những buổi tối ấy, chúng tôi thi nhau nói hết chuyện này đến chuyện khác. Nào chọn màu áo, chọn nghề, chọn chồng ra sao… lại đến việc nhận xét một số cặp vợ chồng có những nét giống nhau. Thậm chí họ còn giống nhau cả về sở thích nữa

Cô em họ tôi (cô bé) nói:

- Không phải giống nhau thật đâu. Thầy em thích ăn cá to, mẹ em lại thích ăn cá diếc kho tương hoặc nấu dấm. Cụ ông chiều cụ bà, đành gượng thích cá nhỏ. Mà mẹ chỉ vì tiết kiệm đấy thôi, chứ “cá cả, lợn lớn”, ai chẳng thích.

Tôi cũng kể:

- Thầy chị thích cá kho khô mà phải nhừ xương, mẹ chị thích các món xào. Thầy chị thường nói đùa: “Khi nào tao chết, chúng mày cứ làm một nồi cá kho cúng, còn mẹ mày thì cứ món xào lổn nhổn, lộn xộn ấy!”.

Chả là năm nào cũng thế, mâm cỗ tất niên mẹ chị cũng làm món xào hạnh nhân. Úi, mẹ chị làm cẩn thận lắm, xu hào, cà rốt, đậu Hà Lan, giò, nấm… thái hạt lựu đều tăm tắp. Mà ngon thật, bao giờ món ấy cũng hết đầu tiên. Lúc đầu, món cá kho khô của thầy chị chỉ có một mình thầy chị ăn. Nhưng mà lạ lắm cơ, bọn mình dần dần thích tất cả các món mà thầy mẹ thích. Đặc biệt là mẹ chị, cụ vốn thích canh chua chua man mát và các món xào. Vì chiều chồng, cụ kho cá rất ngon, và rồi cũng “mê” món cá kho đấy!

Cô em họ (cô lớn) ngắt lời:

- Em nói câu này nhá. Các cụ hay “lây nhau” lắm cơ, cái bệnh lây ấy ở nhiều điều lắm. Này nhớ, khi ông cụ vừa hắng giọng “e hèm” để răn dạy các con, là y như rằng cụ bà cũng cứ nhịp nhàng “chêm” từng tội một của từng đứa con. Hoặc mỗi khi chúng em xin tiền mua sắm thứ gì đó, mẹ em lại ca cẩm chi tiêu tốn kém, và y như rằng cụ ông nhắc: “Bà nhớ dành dụm để cuối năm nay xây mộ cho các cụ hoặc tu sửa nhà thờ họ”… Còn về ăn uống ấy à, các cụ “lây nhau” tất! Dù không thích cũng cứ nói là ngon bắt cả nhà ăn theo. Em sau này mà có chồng, đừng hòng em chịu thế. Mình phải có cá tính, sở thích riêng, phải có “độc lập tính” để không bị đồng hoá!”.

Đến bây giờ chúng tôi đều có gia đình riêng, lắm lúc ngồi nhớ lại chuyện cũ cứ cười một mình mà tiêng tiếc thời con gái. Chị em gần gũi thân thiết nhau là thế. Cho đến ngày giỗ ông nội tôi vừa rồi, do có hai cô tôi ở Sài Gòn ra, thầy tôi hào hứng “đăng cai” và “mở rộng” đến hàng con cháu (vì mọi năm hai cô tôi ở xa, chỉ có hai chú tôi ở gần, cho nên mỗi lần giỗ chỉ có “Bộ chính trị” thôi, nghĩa là chỉ mời hàng các cụ). Lần giỗ này anh chị em chúng tôi lại được ngồi chuyện gẫu như năm xưa, lại cùng ngồi trộn nộm, gói nem… Cô em họ tôi (cô lớn) nói to: “Chị ơi, bác gái có còn làm cái món lổn nhổn, lộn xộn và cá kho không?”. Chúng tôi lại cười vang.

Cô em họ (cô bé) rủ rỉ bên tai tôi:

- Này, chị em ấy mà, chị ấy lúc nào cũng hùng hồn tuyên bố là bảo vệ cá tính, sở thích của mình, lúc nào cũng “độc lập tính”. Hí, hí, em nói cho chị biết nhé, anh Hưng rất khó tính trong việc ăn uống. Thịt gà thiếu lá chanh ư? Mắm tôm chua mà thiếu tí gừng hoặc chuối chát ư? Có mà co cẳng chạy ngay ra chợ. Bây giờ, trong bộ nhớ của chị ấy đã có đầy đủ các loại gia vị cho từng món ăn rồi đấy!

Cô lớn chừng hiểu chúng tôi chuyện gì liền hỏi:

- Các người đang nói xấu tôi phải không?

Tôi cười:

- Chúng tôi đang khâm phục cô là người không bị “đồng hoá” mà vẫn giữ được tính “độc lập” đấy!

Cô lớn xếp những cái nem mới gói vào đĩa cho người đang rán, quay lại phía tôi, cười thoải mái:

- Độc lập thì vẫn độc lập, tuy vậy cũng có bị “đồng hoá” đấy, nhưng cái chính là họ bị “đồng hoá” nhiều hơn chị ạ. Rồi cô ngồi xích lại, nói thật lòng:

- Em bây giờ mới thông cảm với thầy mẹ em. Mỗi thời đại một khác. Các cụ ngày xưa khổ quá. Muốn gia đình hoà thuận phải ép, phải nén con người mình như ép mía, nén cà ấy. Suy cho cùng, mình yêu chồng, muốn chồng cũng yêu, chiều mình thì cũng… gian khổ đấy. Chị còn lạ gì tính em. Mẹ em bảo: “Mày ngang như cua bò”, còn nhà em thì nói: “Trán không dô mà bướng!”…

Rồi cô kể cho tôi nghe cái thời bắt đầu làm vợ của cô. Chồng cô là con trai một gia đình nề nếp, giàu có. Anh là người tốt bụng, hiền lành nhưng vì được cưng chiều, muốn gì được nấy từ bé nên ích kỷ và gia trưởng. Sau tuần trăng mật, vợ chồng đã có những va chạm. Song cô em họ tôi là người rất “tỉnh”, cô biết ở nhà chồng nếu chỉ chệch ra ngoài khuôn phép một tí sẽ bị “cô lập” ngay. Cách sống nén nhịn của cha mẹ xưa kia mà cô bất đồng quan điểm giờ là một cứu cánh cho cô, nhưng bản lĩnh cao hơn, cô chấp nhận chịu lùi lại một bước - nghĩa là phải chịu “đồng hoá” lối sống của chồng để rồi với “nghệ thuật” khéo léo, dần dần cô đã “đồng hoá” được chồng. Họ “lây” nhau một cách êm ái, ngọt ngào, không ai cảm thấy bị ép cả. Lúc này, món thịt gà dù có lỡ thiếu là chanh, anh chồng vẫn cảm thấy ngon lành. Họ trở thành cặp vợ chồng rất hợp nhau.

Tôi mỉm cười mừng cho cô, lòng rất vui và nghĩ, nếu các cặp vợ chồng khác, ai cũng biết nén ép cá nhân mình một chút để đi đến chỗ “lây nhau” như thế thì hạnh phúc biết bao cho gia đình và cộng đồng.

Theo Phununet