Công nghệ chống sao chép CD mới của Sony bị virus lợi dụng
Các Website khác - 11/11/2005
Hãng Sony BMG mới đây đã tung ra một công nghệ chống sao chép đĩa CD mới, tự động cài đặt một chương trình chống sao chép vào máy tính của người dùng khi họ mở một đĩa nhạc của hãng này. Tuy nhiên, chương trình này vừa bị các tin tặc khai thác bằng cách lợi dụng khả năng của công nghệ chống sao chép để giấu các file phá hoại.
Cho đến nay, các hãng phần mềm chống virus đã nhận diện được ba chương trình phá hoại dạng ngựa Trojan được đặt tên theo những cách thức nhằm kích hoạt tính năng ẩn giấu trong công nghệ chống sao chép XCP2 của Sony.

Chương trình chống sao chép của Sony đã được tích hợp vào khoảng 20 album nhạc nổi tiếng, trong đó có cả các album của Van Zant và The Bad Plus. Sự xuất hiện của chương trình này đã làm dấy lên sự giận dữ trong cộng đồng người dùng máy tính, những người coi đây là một dạng phần mềm gián điệp.

Sony BMG Music Entertainment và First 4 Internet, công ty đã phát triển ra phần mềm này, đã khẳng định rằng công nghệ của họ không hề có một đe dọa nào về bảo mật. Tuy vậy, hồi tuần trước, Sony cũng đã phải phát hành một bản vá lỗi để bỏ tính năng che giấu các file của phần mềm. Ngày 10-11, Sony đã công bố một thông cáo “rất lấy làm tiếc” về những sự cố mà công nghệ của họ gây ra. Thông cáo này cũng cho biết hãng đang hợp tác với Symantec và các hãng khác để bảo đảm về sự an toàn của các công nghệ bảo vệ nội dung.

Ông Mark Russinovich, một chuyên gia về Windows, đã phát hiện ra công nghệ chống sao chép được giấu kín này của Sony vào ngày 31-10 và đã công bố khám phá này trên trang web cá nhân của mình. Ông lưu ý rằng cũng có một thỏa thuận cấp phép được ghi trong một cửa sổ bật lên nói rằng sẽ cài đặt một chương trình nhỏ, nhưng thỏa thuận này không chỉ rõ rằng chương trình này sẽ bị giấu kín.

Những nỗ lực tìm cách gỡ bỏ phần mềm này một cách thủ công có thể khiến cho ổ đĩa CD của máy tính bị ngưng hoạt động. Sony cũng cung cấp một chương trình gỡ cài đặt, nhưng để sử dụng được chương trình này, khách hàng lại phải điền yêu cầu vào hai mẫu biểu trên mạng Internet.

Sony cho rằng phần mềm chống sao chép của họ là một biện pháp cần thiết để hạn chế số lần sao chép một chiếc đĩa CD. Phần mềm này chỉ có tác dụng đối với những máy tính sử dụng hệ điều hành Windows, còn việc sao chép trên các máy tính Macintosh hoặc Linux thì lại không bị hạn chế.

Những virus mới tận dụng công nghệ sao chép của Sony chỉ nhắm vào các máy tính sử dụng Windows. Khi chúng đã lây nhiễm vào một máy tính, chúng sẽ mở một cổng hậu để giúp tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng, phát động các cuộc tấn công tới máy tính khác hay gửi thư rác.

Ngoài ra, Sony hiện cũng đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý. Vào ngày 1-11, ông Alexander Guevara đã gửi đơn kiện lên Tòa án Los Angeles cáo buộc rằng hành động của Sony đã cấu thành tội lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, vi phạm các điều luật của bang và liên bang về việc loại trừ phần mềm phá hoại và can thiệp vào máy tính của khách hàng. Còn Electronic Frontier Foundation, một tổ chức về quyền tự do dân sự trực tuyến, thì nói rằng họ đã có những thông tin về một số khách hàng gặp vấn đề khó khăn với phần mềm chống sao chép của Sony. Luật sư của EFF, ông Jason Schultz cho biết tố chức cũng đang cân nhắc nộp đơn kiện.

Theo AP