Theo một khảo sát mới đây của ngành công nghiệp phần mềm, việc kiềm chế nạn sao chép phần mềm trái phép sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trên toàn thế giới, trong đó bao gồm cả những nước như Trung Quốc và Nga, nơi tỷ lệ sao chép phần mềm trái phép đang ở mức cao.
Cuộc khảo sát này được Liên minh Phần mềm Thương mại (BSA) thực hiện ở 70 quốc gia. Kết quả cho thấy, nếu lượng phần mềm sao chép trái phép, theo ước tính hiện chiếm khoảng 35% trên thị trường, giảm xuống khoảng 10% sẽ giúp tạo ra 2,4 triệu việc làm, cùng các hoạt động kinh tế trị giá 400 tỷ USD và 67 tỷ USD thu nhập từ thuế trên toàn cầu.
Cuộc khảo sát này đã đưa ra một kết luận đáng chú ý: Các nước có tỷ lệ phần mềm sao chép cao sẽ thu được lợi ích nhiều nhất trong sự phát triển kinh tế toàn cầu. Thí dụ như Trung Quốc, có thể tạo ra được khoảng 2,6 triệu việc làm trong ngành công nghệ thông tin và Nga có thể sẽ tăng được gấp ba lần việc làm trong lĩnh vực này nếu nạn sao chép trái phép giảm 10%.
Ông Robert Holleyman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của BSA nói: "Khi các quốc gia thực hiện những biện pháp để giảm nạn sao chép phần mềm trái phép, tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Công nhân sẽ có việc làm mới, khách hàng sẽ có thêm sự lựa chọn, các doanh nhân sẽ được tự do tiếp thị khả năng sáng tạo của họ và các chính phủ sẽ được hưởng lợi ích từ số thuế gia tăng".
Ông John Gantz, quan chức của International Data, hãng nghiên cứu đã thực hiện cuộc khảo sát này, nói rằng lợi ích từ việc kiềm chế nạn sao chép trái phép sẽ được chia sẻ trên toàn cầu thậm chí ngay cả khi tiền bạc chạy về các nước giàu như Mỹ, nơi sản xuất phần mềm. Ông nói: "Các hãng bán lẻ, các kênh dịch vụ, cài đặt, triển khai và đào tạo, đó là một thị trường lớn hơn nhiều so với bản thân gói phần mềm".
Dù sao, theo báo cáo thì nước Mỹ sẽ thu được một lợi ích kinh tế lên tới 125 tỷ USD cho đến năm 2009 nếu nạn sao chép trái phép giảm xuống 10%. Cuộc khảo sát cũng khẳng định rằng mặc dù ngành công nghệ thông tin toàn cầu hiện được dự kiến sẽ phát triển 33% đến năm 2009, nhưng nếu giảm được 10% nạn sao chép trái phép thì tốc độ phát triển này sẽ tăng lên đến 45%.
Tỷ lệ phần mềm bị sao chép trái phép trên toàn cầu đáng giảm xuống đáng kể từ con số 40% ba năm trước đây và còn thấp hơn nhiều so với mức độ 49% của năm 1994. Ông Holleyman nói rằng một số nền kinh tế, thí dụ như Italy và Đài Loan, đã ít nhiều cũng thu được thành công trong việc kiềm chế nạn sao chép trái phép. Theo ông thì mục tiêu giảm 10% là có thể đạt được và bổ sung thêm rằng một nỗ lực như vậy sẽ "thúc đẩy sự bùng nổ ngành công nghệ cao trên toàn cầu".
Còn ông Chris Israel, điều phối viên của nhóm sở hữu trí tuệ toàn cầu thuộc Bộ Thương mại Mỹ, nói rằng các chính phủ nên chứng tỏ hơn nữa mong muốn của họ trong việc chặn đứng nạn sao chép trái phép. Theo ông thì lãnh đạo các quốc gia trên khắp thế giới "đang nhận ra rằng nền kinh tế của họ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều nếu họ bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ". Cuộc khảo sát cũng phát hiện ra rằng ở những quốc gia có tỷ lệ sao chép trái phép cao chỉ có rất ít sự thay đổi trong một năm vừa qua.
Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ sao chép trái phép cao nhất với 92%, tiếp theo là Ukraine (91%), Trung Quốc (90%), Indonesia và Nga (87%), Kazakhstan (85%) và Serbia-Montenegro (81%). Còn trong số các khu vực, châu Mỹ la-tinh hiện có tỷ lệ cao nhất với 66%, sau đó là Trung Đông và châu Phi (58%) và châu Á - Thái Bình Dương (53%). Bắc Mỹ có tỷ lệ sao chép trái phép thấp nhất với 22%, và trên đó là Liên minh châu Âu (35%).
|