Những nghịch lý trong ứng dụng CNTT
Các Website khác - 14/10/2005
Những nghịch lý trong ứng dụng CNTT

Tuấn Anh
Một cuộc nghiên cứu trên quy mô toàn cầu do tập đoàn khảo sát thị trường IDC thực hiện mới đây cho kết quả đáng kinh ngạc: Mọi đối tượng người dùng phần mềm từ các nhà quản lý cao cấp cho tới những nhân viên "quèn" trung bình chỉ khai thác chưa tới 15% các tính năng của phần mềm. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy đang tồn tại những khoảng cách khá lớn giữa sự phát triển CNTT và việc sử dụng thực tế.

Không mấy người dùng hết các
tính năng phức tạp và tinh xảo của
Microsoft Office.
Bao la bát ngát thế giới phần mềm
Trong số khoảng 1 tỉ máy tính cá nhân đang được sử dụng trên toàn thế giới, tuyệt đại đa số có cài đặt các bộ phần mềm văn phòng và hơn 90% trong số này là bộ phần mềm Microsoft Office. Mỗi chủ nhân của những bộ máy tính này (tất nhiên không kể những người dùng phần mềm không bản quyền) phải trả từ hơn 100 cho tới vài trăm USD cho bộ phần mềm được coi là gần như "hoàn thiện", tiện ích, mạnh mẽ và rất nhiều tính năng, công dụng. Tuy nhiên, hỏi bất kỳ một người sử dụng Microsoft Office nào rằng họ có bao giờ sử dụng hết những tính năng phức tạp và tinh xảo của bộ phần mềm này không, chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời là "không". Vậy nhưng chúng ta vẫn phải trả tiền cho những tính năng mà chúng ta hầu như rất hiếm khi sử dụng hoặc thậm chí không biết đến.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở các phần mềm đóng gói, vốn khó cá thể hoá bởi phải phục vụ số khách hàng quá đông. Nhiều khách hàng doanh nghiệp cũng bắt đầu phàn nàn về việc phải trả chi phí quá lớn cho những phần mềm được thiết kế riêng cho họ. Theo anh T.M - phó giám đốc một doanh nghiệp, xin được giấu tên - thì trong vòng hai năm qua, công ty anh đã thuê một đơn vị tin học có tiếng phát triển một loạt phần mềm ứng dụng. Tuy nhiên, những thống kê từ phòng tin học của "khổ chủ" cho thấy, gần 50% chi phí được trả cho những tính năng thừa và công tác bảo trì, nâng cấp hệ thống phần mềm. Anh T.M cho biết, hầu hết các công ty tin học của VN hiện vẫn tính giá theo cách truyền thống, tức là dựa trên chi phí phát triển phần mềm. Để cho công bằng hơn, nên chăng có sự thay đổi cách tính giá dựa trên giá trị thực sự mang lại cho người sử dụng, nhằm tránh thiệt thòi cho khách hàng và buộc nhà phát triển phải "tinh chế" hơn sản phẩm của mình?

Sự lãng phí đối với phần cứng

Một điều hiển nhiên là thu nhập bình quân của người dân VN chưa cao, mặt bằng ứng dụng CNTT cũng còn thấp. Điều này lý giải rõ ràng cho thực tế là có rất nhiều công nghệ đang "nóng bỏng" trên thị trường thế giới lại vẫn hết sức im ắng và chẳng được mấy ai chú ý tới tại VN, như blog, iPod video, GPS (hệ thống định vị vệ tinh), phát thanh qua vệ tinh (sattellite radio)... Những công nghệ như trên đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của hạ tầng cơ sở CNTT và viễn thông, phần cứng, phần mềm, giải pháp tích hợp... với những yếu tố như khả năng ứng dụng của mọi người, môi trường kinh tế, xã hội...

Ví dụ, muốn GPS phát triển phải có người số hoá bản đồ một cách chính xác, rồi có người đưa lên vệ tinh, có nhà cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp thiết bị, nhà tích hợp giải pháp... Để blog phát triển thì phải có nhiều người "chịu khó" viết và nhiều người khác đọc, thay vì hễ vào mạng là chat hoặc chơi game online...

Thế nhưng, trong khi chưa có sự phối hợp phát triển như trên thì những thiết bị phần cứng vẫn phải và được phát triển ở VN. Nói "phải" là bởi phần cứng luôn cần thiết, dù chỉ để phục vụ những nhu cầu sơ đẳng, còn nói "được" là bởi rất nhiều thiết bị công nghệ đã trở thành thời trang. Vậy là dẫn đến cảnh những "con" điện thoại di động (ĐTDĐ), máy tính xách tay (MTXT), máy tính bỏ túi, máy nghe nhạc... giá hàng trăm đến hàng nghìn USD bán chạy như tôm tươi. Một mặt, những kẻ "sành điệu" không thể tự cho phép mình sử dụng ĐTDĐ màn hình đen trắng bé tẹo. Mặt khác, nhiều người dù chỉ cần một vài tính năng cao cấp cũng buộc phải mua cả thiết bị tối tân. Chẳng hạn, cho dù bạn chỉ cần dùng MTXT để soạn thảo văn bản và vào mạng Wi-Fi khi ngồi ở quán càphê, bạn vẫn phải bỏ ra ít nhất 1.000USD để tậu một chiếc máy đủ khả năng xử lý đồ hoạ. Hoặc nếu tính năng duy nhất bạn cần ở một chiếc ĐTDĐ (ngoài nghe, gọi, nhắn tin) là chụp ảnh 1.3 megapixel, bạn vẫn phải tiêu ít nhất 5 triệu đồng để mua về cho mình vô số chức năng khác...

Những hiện tượng kể trên chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh lãng phí và bất hợp lý trong ứng dụng CNTT. Nên chăng các nhà phát triển CNTT lưu ý hơn tới những yếu tố đặc thù và nhu cầu sử dụng của người dân VN để làm ra những sản phẩm vừa túi tiền hơn, đồng thời ứng dụng một cách thích hợp hơn?