* Trước tiên, ông có thể cho biết vài nét về xu hướng phần mềm nguồn mở (PMNM) trên thế giới?
PMNM ngày nay đang được ứng dụng rộng rãi cả ở những nước phát triển và những nước đang phát triển. Chính phủ ở khoảng 90 nước trên thế giới có kế hoạch và chính sách phát triển PMNM. Hệ điều hành (nguồn mở) Linux đang được sử dụng hiệu quả tại hơn 40% các tổ chức và công ty ở Đức. Ở Brazil, khoảng 45% máy trạm đã chuyển sang dùng PMNM. Còn ở Hàn Quốc, có khoảng 10.000 trường học ứng dụng PMNM.
Việc ứng dụng và phát triển PMNM được các nước khai thác ở những mức độ và các khía cạnh khác nhau: trong khi các nước đang phát triển chú trọng nhiều hơn đến lợi ích của PMNM ở khía cạnh tiết kiệm chi phí, giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền thì các nước phát triển lại chú trọng đến tính độc lập, tính mở của hệ thống và độ an toàn an ninh thông tin.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều các công ty đa quốc gia như Intel, IBM, HP, SUN, Oracle... tham gia cung cấp giải pháp và hỗ trợ PMNM.
Điều này cho thấy PMNM là hướng kinh doanh có triển vọng, một xu hướng phát triển tất yếu (theo đánh giá của Intel) mà người vào cuộc sớm sẽ có lợi thế. Với PMNM, mô hình kinh doanh cũng có những thay đổi, chuyển từ mô hình kinh doanh sản phẩm sang mô hình kinh doanh dịch vụ, một mô hình không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư.
Đây là cơ hội tốt cho các công ty vừa và nhỏ cũng như đối với các công ty mới thành lập, bởi họ có thể phát triển, tuỳ biến sản phẩm phần mềm của mình dựa trên những PMNM sẵn có (miễn phí) rồi sau đó kinh doanh dưới hình thức cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và hỗ trợ kỹ thuật.
PMNM là những phần mềm được cung cấp dưới cả dạng mã và nguồn, hoàn toàn miễn phí về bản quyền, người dùng có quyền sửa đổi, cải tiến, phát triển, nâng cấp mà không cần phải xin phép. Nhà cung cấp phần mềm nguồn mở có quyền yêu cầu người dùng trả một số chi phí về các dịch vụ bảo hành, huấn luyện, nâng cấp, tư vấn...
|
* Còn ở Việt Nam, PMNM đang có vị trí như thế nào, thưa ông?
Việt Nam bắt đầu tiếp cận PMNM từ cách đây khoảng 10 năm nhưng chủ yếu nằm trong khuôn khổ nhóm nghiên cứu và chưa sẵn có nhiều ứng dụng cụ thể. Sự tham gia của Việt Nam trong lĩnh vực phổ biến ứng dụng PMNM có thể nói là mới ở giai đoạn đầu và còn hạn hẹp với khoảng 30 công ty tham gia cung cấp dịch vụ, giải pháp và sản phẩm trên nền nguồn mở.
Tuy nhiên, chúng ta đã có những điển hình thành công trong việc ứng dụng PMNM như SACOMBANK ở TP Hồ Chí Minh với 3.000 máy trạm dùng phần mềm văn phòng mở (openoffice), tiết kiệm cho ngân hàng 950.000 USD. Viện Tin học Pháp ngữ cũng đã chuyển toàn bộ hệ thống máy tính của nhà trường phục vụ công tác dạy và học sang PMNM. Một trường hợp khác là Văn phòng Trung ương Đảng đã chuyển toàn bộ máy chủ sang PMNM và đang có kế hoạch chuyển đổi thí điểm cho máy tính để bàn.
Việc chuyển đổi trên máy chủ cho thấy không gặp nhiều trở ngại do đội ngũ làm việc đều là những người am hiểu và có trình độ về công nghệ thông tin. Nhưng đối với các ứng dụng trên máy trạm, việc chuyển đổi này lúc đầu thường vấp phải sự e ngại của người sử dụng. Nhưng chính với tính năng không thua kém gì so với phần mềm nguồn đóng tương ứng, PMNM đã hoàn toàn thuyết phục được họ.
Một ví dụ điển hình đối với việc chuyển đổi các ứng dụng PMNM trên máy tính để bàn, đó là việc chuyển đổi sang dùng Openoffice tại SACOMBANK. Lúc đầu, người ta duy trì song song hai phần mềm văn phòng; sau đó, khi người sử dụng đã quen dần với phần mềm văn phòng mở thì phần mềm văn phòng đóng sẽ được dỡ đi. Mặc dù Ngân hàng khẳng định, những ai không cảm thấy thoải mái với phần mềm văn phòng mở sẽ được Ngân hàng mua cho bản quyền phần mềm nguồn đóng nhưng kết quả không có yêu cầu nào được đưa ra cả. Tôi cho rằng lộ trình chuyển đổi như SACOMBANK rất hợp lý và hiệu quả.
Mặc dù như tôi đã nói ở trên, sự tham gia của Việt Nam trong lĩnh vực phổ biến ứng dụng PMNM mới ở giai đoạn đầu, nhưng có thể dự đoán rằng, PMNM đang có những cơ hội thuận lợi để trở thành một xu hướng công nghệ thông tin ở Việt Nam trong thời gian tới.
* Ông có thể nói rõ hơn về những yếu tố tạo nên cơ hội này?
Hiện nay, theo điều tra của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ sử dụng phần mềm không có bản quyền ở Việt nam là rất cao. Vấn đề bản quyền đang thật sự trở thành thách thức, thành yêu cầu bắt buộc (trước hết là trong khu vực nhà nước) khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và đang tiến hành các vòng đàm phán vào WTO.
Theo tôi, đây chính một cơ hội tốt để PMNM phát triển. Với giá cả hợp lý mà nhiều người có thể chấp nhận và chất lượng được đánh giá cũng tương đương với phần mềm nguồn đóng (do mã nguồn được chia sẻ với rất nhiều người và khả năng phát hiện ra lỗi kỹ thuật rất cao), PMNM thực sự có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với phần mềm nguồn đóng. Hiện nay, trên thế giới, trong lĩnh vực hệ thống nhúng và máy chủ, PMNM đã chiếm lĩnh thị trường với mức tăng trưởng cao. Theo Intel dự đoán, hai năm nữa, sẽ bùng nổ những ứng dụng của PMNM trên máy trạm.
Nhận thấy rằng, PMNM có thể là một công cụ đảm bảo tính độc lập, làm chủ công nghệ, đảm bảo tính mở của thệ thống cũng như giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền và chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin, đầu năm 2004 Chính phủ đã thông qua Chương trình Ứng dụng PMNM 2004-2008 nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng PMNM ở Việt Nam. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, gồm chín tiểu dự án giao cho bảy Bộ (Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động- Thương binh và Xã hội, Bưu chính -Viễn thông, Nội vụ, Quốc phòng, Công an) và hai thành phố (Hà Nội và Hồ Chí Minh) thực hiện với mục đích hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật có năng lực làm chủ công nghệ, lựa chọn các công nghệ PMNM thích hợp và tạo được một số sản phẩm đặc thù phù hợp với yêu cầu ứng dụng trong nước.
* Ông có thể nói thêm về dự án nhỏ của Bộ Khoa học và Công nghệ trong chương trình này?
Dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ là xây dựng Trung tâm Nguồn lực về PMNM với những nhiệm vụ chính là: xây dựng cổng thông tin và kho dữ liệu; đào tạo đội ngũ giảng viên và chuyên gia trình độ cao; xây dựng các chuẩn, tuỳ biến, bản địa hoá và phát triển một số PMNM mang tính phổ cập cao, đồng thời có thể tổ chức đánh giá chất lượng các sản phẩm PMNM. Trung tâm cũng là đầu mối quốc gia nhằm giúp các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai ứng dụng và phát triển PMNM. Chúng tôi hy vọng Trung tâm có thể sớm ra mắt vào đầu năm tới.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
|