![]() |
Đường vào thôn Đá Bạc quạnh quẽ và hiu hắt. |
Cách thủ đô Hà Nội không xa, đường vào đây khá thuận, vậy mà không hiểu tại sao dân nơi đây vẫn còn nghèo đến như vậy. Song khi được hỏi, người dân vẫn bảo: “Thế là đỡ lắm rồi, hồi xưa còn kinh khủng hơn!”. “Bão ết” ập làng Sơ lược về nguồn cơn bạo bệnh “ết” đang hoành hành ở đất này, ông Nguyễn Mạnh Tín - Chủ tịch xã Liên Sơn - ngậm ngùi: “Khổ lắm, không hiểu sao năm 2000 có mấy người ở trong Quảng Nam tìm đến, họ bảo trong đó đang rộ lên nghề đào vàng, cần người làm thuê. Có người về rủ, không tiền, đói ăn, chẳng biết cái miền đất Quảng xa tít kia thế nào, thanh niên trong xã Liên Sơn vẫn nô nức lên đường, với một suy nghĩ giản đơn là kiếm được miếng ăn. Thế nhưng nghèo khổ chưa qua, miếng ăn chưa có được thì họ đã nhiễm AIDS”. Không ma tuý, không mại dâm - nhiều người bệnh “thế hệ đầu” còn sống khẳng định. Khi biết nhiễm bệnh, khi bệnh phát, chắp nối lại thời gian phu phen, họ nhớ: Hình như họ đã bị lây nhiễm từ chiếc kim tiêm do tay bưởng tuyển mộ họ đã dùng tập thể mỗi khi họ ốm đau, ngã nước ở bãi vàng. Theo tập quán sống tập trung nên khi vào đất Quảng Sau 3 năm, các bãi vàng tàn, trai Mường Liên Sơn trở về. Họ vẫn không biết mình đã vô tình nhiễm bệnh. Họ chỉ bắt đầu biết khi có anh Bùi Văn B (sinh năm 1985), người cũng đi làm thuê, trong lần lên đường nhập ngũ bị đơn vị trả về vì bị bệnh AIDS. Hiền lành như con gái, không ăn chơi lêu lổng, suốt ngày chỉ ruộng nương, tin B nhiễm “ết” khiến nhiều người già trong xã ngao ngán: Hiền lành như thằng B mà còn “dính ết” thì đất này khó tránh khỏi nhiều thằng bị. Lời tiên đoán ấy của các cụ già như một định mệnh. Sau khi B mất, nhiều thanh niên trong xã ngã bệnh, Trạm Y tế Liên Sơn tổ chức tập trung những thanh niên một thời đi làm thuê cho các bưởng vàng ở Quảng Nam lấy máu để xét nghiệm. Toàn xã đã có 34 nam giới, 24 con người vừa là chồng vừa là cha bị nhiễm HIV, tập trung ở độ tuổi 18-34. Đau lòng hơn, có 7 đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai cũng bị lây nhiễm từ mẹ. Trong các thôn xóm có người bị bệnh, đáng chú ý nhất là thôn Đá Bạc. Thôn có 84 hộ gia đình thì có tới 29 người nhiễm bệnh, 5 người trong số họ đã tử vong. Tôi muốn tìm đến một người phụ nữ có hoàn cảnh nhất để tìm hiểu, với bộ mặt già nua, buồn bã, ông Bùi Văn Viên - Trưởng thôn Đá Bạc - rầu rĩ: “Biết đưa các anh đi đâu bây giờ! Ở thôn này, phụ nữ goá chồng vì “ết” nhiều lắm”. Suy tính một hồi, ông Viên quyết định đưa tôi đến nhà chị Q. Chị Q sinh năm 1975, thời thiếu nữ nổi tiếng xinh đẹp. Hiền lành, chăm chỉ, nhiều trai làng đến đánh tiếng. 20 tuổi, Q lấy chồng. Khi Q mang thai đứa con đầu được 4 tháng, trong một lần đi ăn cỗ, do rượu say lời qua tiếng lại, chồng Q đã bị anh trai chém trọng thương, sau đó tử vong. Đầu xanh, khăn trắng, con chưa biết mặt cha, Q goá bụa lần đầu. Q ở vậy nuôi con. 10 năm sau, Q đã gặp Thặng, một thanh niên từng đi làm phu vàng ở đất Quảng Cũng như lần trước, đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai thì chồng đột nhiên bị ốm. Vay dọc vay ngang, kiếm tiền dưỡng bệnh cho chồng mãi không khỏi, Q đưa chồng xuống Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán anh Thặng nhiễm HIV. Đứa con thứ 2 ra đời được vài tháng, anh Thặng mất, Q goá bụa lần 2, sau đó đứa con cũng mất. Rồi Q đi xét nghiệm và biết “ết” vẫn chưa buông tha gia đình cô. Người phụ nữ mới hơn 30 tuổi đã 2 lần góa bụa, già như người 50. Các bà cụ người Mường ngậm ngùi: “Cái Q ăn bao nhiêu, uống bao nhiêu cũng thành nước mắt hết rồi! Hàng ngày nó chỉ khóc và khóc, khóc cả trong lúc ngủ đấy!”. Vào Đá Bạc lần này, chúng tôi cũng qua nhà bà H. Bà H có 4 đứa con trai, nổi tiếng là to khoẻ lực lưỡng nhất làng. Cùng gia đình quần quật làm suốt ngày, nhưng chỉ có cái cuốc, cái cày, vài ba thửa ruộng, thửa nương cằn cỗi, gia đình bà vẫn đói ăn. Trong cơn sốt đi làm phu cho chủ các bưởng vàng trong Quảng Sau này về làng, 3 đứa lăn ra ốm rồi lần lượt qua đời. Giờ căn nhà chỉ còn một mẹ một con sống hiu hắt… Cần nhiều hơn nữa những tấm lòng đồng cảm Theo ông Hồ Quốc Thảo - Cán bộ phụ trách HIV/AIDS ở Liên Sơn: Trong tất cả các ca lây nhiễm, các vùng miền hiện có căn bệnh này thì hiện tượng lây nhiễm AIDS ở Liên Sơn là đặc biệt và thương cảm nhất. Họ không nghiện hút, quan hệ mại dâm, chỉ vì nghèo, phải đi làm thuê rồi bị phơi nhiễm. Họ toàn bị như vậy đấy, tôi tin điều này vì người Mường nói thật lắm. Đứng trước bạo bệnh này, năm 2005, Trạm Y tế xã Liên Sơn đã thành lập nhóm QCT (quản lý - chăm sóc - tư vấn) có 4 thành viên là cán bộ trạm. Sau một thời gian tuyên truyền, nhóm này đã có 4 người bệnh tham gia. Trên cơ sở này năm 2006, Hội Phụ nữ tỉnh Hoà Bình đã phát triển thành câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” ,tình hình bạo bệnh ở đây bước đầu đã có dấu hiệu khả quan. Nhưng theo chị Hoàng Thị Duyên - Phó Ban Gia đình xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh): Còn rất nhiều khó khăn, cần sự trợ giúp của các ban ngành, đoàn thể và các cá nhân vì hậu hoạ và di chứng của AIDS ở đây tồn tại ở các nhóm đối tượng nhậy cảm là phụ nữ và trẻ em. Nếu không có sự trợ giúp, không sự vào cuộc kịp thời hơn nữa, thì tình hình khó có thể cải thiện được. Câu nói này của chị làm tôi chợt nhớ đến hình ảnh của chị Q. Tuy bị bệnh nhưng chị vẫn hay lam, hay làm. Có điều, mọi thứ chị làm ra, nếu dùng không hết thì khó bán cho người khác. Còn nữa, nhà nào có giỗ tết, những người bệnh tự “biết thân biết phận” ngồi cùng mâm nhau. Tuấn Hợp - Đơn Thương
▪ Nam sinh và “áp lực mất trinh” (12/11/2007)
▪ Phụ hồ với chặng đường chống HIV/AIDS. (17/10/2007)
▪ Phải đâu là số phận (12/10/2007)
▪ Đời xa vợ (12/10/2007)
▪ Hàn Quốc: Mỗi ngày có 2.2 người nhiễm HIV (17/07/2006)
▪ Cảnh báo về tình hình đại dịch AIDS ở khu vực Thái Bình Dương (12/07/2006)
▪ Gia tăng tình trạng quan hệ tình dục đồng tính (11/07/2006)
▪ LHQ lo ngại về tình hình đại dịch HIV/AIDS ở Mozambique (10/07/2006)
▪ Dân số VN tăng 1,3 triệu người mỗi năm (10/07/2006)
▪ Pakistan vẫn còn thờ ơ với AIDS (06/07/2006)