Phụ hồ với chặng đường chống HIV/AIDS.
Các Website khác - 17/10/2007

7 giờ, chúng tôi có mặt tại Trung tâm thương mại Minh Khôi Palaza thuộc khu đô thị Nam Châu Giang (Hà Nam), những người thợ hồ thuộc đủ lứa tuổi, có cả U60 như: Bác Thành, bác Khoát ở Vĩnh Trụ, Hà Nam. Bác Thành tâm sự: “Lương không có, đợi vào mấy sào ruộng không đủ ăn, nên chấp nhận đi làm thợ hồ, khi tới thời vụ lại về quê giúp con cháu thu hoạch mùa màng”.

Nguyễn Thanh Hải, quê ở Thanh Liêm (Hà Nam) kể, Hải làm nghề này đã được 2 năm, học xong cấp 2, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên Hải theo cha ra tận Hải Phòng, Quảng Ninh làm phụ hồ, nhưng tại đây tiền công không đủ ăn, hai bố con lại khăn gói về quê kiếm việc. Hải tâm sự: Giờ về đây, tuy tiền công không cao, nhưng được cái gần nhà, em ở lại với mấy anh nữa để gác công trình, nhiều hôm buồn không biết làm gì, anh em lại rủ nhau đi uống cà phê “thời 3 giảm”, trên đường X. mà trước đây gọi là “phố vẫy” của thị xã này”. Sao lại gọi là cà phê “thời 3 giảm”? Hải gãi tai, nói: “Đó là những quán cà phê mang nhãn mác “trong sạch” nhưng thực ra đó là những quán kinh doanh “hàng người””. Chẳng nhẽ cơ quan chức năng lại không biết được điều này? Nhưng trên thực tế những quán cà phê “thời 3 giảm” vẫn tồn tại, dưới nhiều hình thức rất tinh vi, như quán cà phê T., ở ngã 3 đi Nam Định, Hải Phòng…

Bên công trình đối diện, một thanh niên người đậm, da bánh mật đang đánh những nhã vữa nhọc nhằn, đưa mắt nhìn chúng tôi, rồi vội cúi xuống khi chúng tôi nhìn sang. Đó là Lương. T. H. (xin được giấu tên) ở đội 12, xã Chính Lý (Hà Nam), sau một lần nghe theo lời dụ dỗ của bạn cùng làm, H. đã đi tìm cái của lạ mà bấy lâu nay đang còn là “bí ẩn” đối với mình. Tuổi trẻ, sự bồng bột và thiếu hiểu biết về HIV, đã để lại cho H. một hậu quả đau đớn. H. kể lại: “Lần đầu tiên bước vào cái thế giới mờ mờ ảo ảo một thứ ánh sáng nhợt nhạt như màu da cam xen lẫn màu tím sẫm sờ sợ. Chính lần quan hệ không lành mạnh đó, H. đã dính HIV, mãi sau này khi đi hiến máu nhân đạo, H. mới biết mình có HIV dương tính. Không tin được đó là sự thật, H. đã bỏ công việc bắt xe lên tận bệnh viện trên Hà Nội xét nghiệm lại, nhưng kết quả vẫn như trước. Chán đời, hối hận H. đã đi lang thang.

H kể, ngày trước đã yêu một cô gái người Hà Tĩnh, cùng làm trong Bình Dương, cô ấy làm công nhân may trong khu công nghiệp Sóng Thần, còn H làm thợ cơ khí cho một công ty tư nhân. Khi hỏi, hai người có liên lạc với nhau không? H. trả lời, giọng rất buồn: “Liên hệ gì nữa, biết bệnh tình mình như thế này, em không muốn mang lại đau khổ và bất hạnh cho cô ấy”.

H đã quyết định về quê để cố quên đi người mình yêu, để dũng cảm nói cho gia đình về bệnh tình của mình, mong mọi người tha thứ. Ngày biết em bị bệnh, bố mẹ buồn lắm, mẹ thì bỏ cơm hàng tháng, ốm suốt… Em gái hàng ngày an ủi mẹ và em. Sợ em tự tử nên ngày nào em gái cũng bảo “Anh đừng có nghĩ dại dột nhé...” rồi chảy nước mắt, làm cho em càng thấy có tội với mọi người trong gia đình. Nên bản thân tự hứa dù thế nào đi nữa cũng không nghĩ đến cái chết, phải sống!… Phải nuôi bố mẹ về già!. Kể tới đây H. ôm mặt khóc, giọt nước mắt ân hận muộn màng.

Khác với H., Nguyễn Văn K. quê ở Thanh Hóa, biết khá nhiều về HIV/AIDS. K. tâm sự: “Mình được học và được tìm hiểu qua từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường THPT Quảng Xương 3, huyện Quảng Xương”. n tượng đập ngay vào mắt tôi là một tập báo còn đang mới. Đây là sở thích và là thú vui giải trí của thợ hồ, sau một ngày lao động nặng nhọc. Chiếc tivi màu Samsung 21 inch đang phát lại trận bóng ngoại hạng Anh tối qua, giữa Arsenal – Liverpool. Mọi người đang chăm chú xem trận cầu lửa, mà không để ý gì tới sự có mặt của chúng tôi, tiến sát lại chỗ K., lân la hỏi chuyện, được biết món ăn tinh thần hàng ngày của K. là báo Tiền phong, Công anh Nhân dân, và các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Nhờ vậy mà K. nắm rất chắc kiến thức về HIV/AIDS, không những thế còn được anh em tổ thợ gọi là cây tuyên truyền viên “không chuyên” về phòng, chống HIV/AIDS. Anh Sáng, quay sang nói: “Nhờ có nó tuyên truyền, mà hàng ngày cái lán này mới đông như thế, còn trước đây, tôi làm công trình trên Quảng Ninh, cứ tối lại là không thấy thằng nào, tới khuya mới thấy tụi nó mò về lán ngủ…”.

K. tâm sự: “Hầu hết mọi người ở đây đều rất xa lạ với căn bệnh HIV/AIDS, nhiều bác còn nói: “Biết đài báo nói nhiều về các vụ ma túy, mại dâm… chứ có thấy họ nói về cách phòng, chống HIV mấy đâu”. Hầu hết thợ ở đây từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định… đa số họ hiểu biết rất ít về vấn đề này. Họ đi mọi nơi miễn sao tìm được việc làm, đến thời vụ lại khăn gói về quê. Xa nhà, thiếu thốn tình cảm, ham của lạ, bị rủ rê, lôi kéo lại không có một chút kiến thức gì về cách phòng, chống HIV/AIDS thì nguy cơ lây nhiễm HIV là rất lớn.

Thật đáng lo cho họ!

Doãn Xuân