Ma tuý, HIV ở Sơn La: Nỗi đau còn lại...
Các Website khác - 13/03/2010
Cậu bé này bị nhiễm HIV từ bố mẹ
Theo người quen, tôi đến Sơn La - một tỉnh miền núi phía tây Bắc vào những ngày đầu xuân để xem người dân tộc Thái trảy hội, múa hát... Những đêm hội, những cô gái Thái đẹp như trong tranh, những tiếng hát, tiếng kèn vang núi rừng... cùng đêm đầy sương với những ánh sao. Tôi đã ngất ngây với nó trong men say của rượu nồng. Tỉnh lại, mọi thứ chỉ còn trong ký ức. Trước mắt tôi là cái nơi mà tôi rất ghét, không muốn đến mà cũng chẳng muốn tìm hiểu. Cảm nhận đầu tiên là hoang vắng đến lạnh người. Nó không âm u, bí hiểm nhưng hình như nó có âm khí bao trùm. Nơi đây, người già, trẻ em và phụ nữ... nương tựa vào nhau để sống khi những người đàn ông là trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chắc của họ đã bị ả phù dung cuốn đi cùng với bệnh tật và sự lây nhiễm, hoặc còn sống thì đang ở trong trạng thái "chờ khói", "bắt khói". Huyện Thuận Châu, huyện Mộc Châu, về thị trấn Hát Lót, về Tông Lệnh, bản Bai B... trở thành những ám ảnh trong tôi.

Bài 1: Sự thật tàn khốc!

Con số hãi hùng

Tổng số đối tượng nghiện đang trong diện quản lý của Sơn La là hơn 17.000 người. Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La, năm 2008 có gần 1.000 người nhiễm HIV, tức là số tích luỹ đến tháng 11.2008, toàn tỉnh có 6.271 trường hợp nhiễm HIV, chiếm 0,5% dân số. Trong số 6.271 trường hợp nhiễm HIV thì có 1.095 trường hợp chuyển sang AIDS và đã có hơn 1.000 người đã chết vì AIDS. Với những con số trên, Sơn La được liệt vào danh sách 10 tỉnh, thành có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất nước. Số người nhiễm HIV/triệu dân còn cao ở cả những điểm nóng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Sơn La đứng thứ 2 về số lượng người nhiễm HIV/triệu dân, TP. Hồ Chí Minh là cao nhất. Những điểm nóng về ma tuý ở Sơn La là thị xã Sơn La, huyện Mai Sơn, huyện Mường La, huyện Thuận Châu và huyện Mộc Châu. Sơn La có 10 huyện, thị thì có đến 5 huyện, thị là điểm nóng của ma tuý. Điểm nóng của những điểm nóng phải kể đến xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu và thị trấn Hát Lót, huyện Mộc Châu... Tông Lệnh thì gần với đường biên giới nước bạn Lào, còn Hát Lót thì được ví là điểm trung chuyển thuốc phiện, chất ma tuý khác đi mọi nơi.

Điểm nóng

Tâm trạng của tôi rất lạ khi có người dẫn đường xuống Tông Lệnh, nửa muốn đi, nửa lại không. Quả thật, tôi thấy sợ khi phải đối diện với thực tế tàn nhẫn đó. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì toàn xã Tông Lệnh có tới 156 người nhiễm HIV, trong đó có 25 nữ. Họ bị lây nhiễm từ chồng, từ cha. Và, Bai B chỉ là một trong số những bản ma tuý của Tông Lệnh mà thôi. Dẫn chúng tôi đi là Trưởng bản Lò Văn Lả - một trong số rất ít người đàn ông còn sót lại sau cơn bão ma tuý tràn về nơi này. Vừa đi, anh vừa kể với giọng xót xa: 54 gia đình của bản đều là người Thái. Bản nằm trên địa hình rất đẹp, cạnh dòng suối Muội hiền hoà. Dòng suối, núi rừng quê tôi đã chứng kiến bao mối tình đẹp của những chàng trai và cô sơn nữ của bản. Tình cảm đẹp, cuộc sống hiền hoà, yên ổn... cũng không giữ chân được các chàng trai trước ả phù dung đầy ma lực với nhưng phép thuật riêng mà chỉ có chất ma tuý mới biết nó là phép thuật gì. 54 gia đình nhưng có đến 25 chàng trai đã chết vì AIDS và hàng chục chàng trai chưa vợ, hàng chục người đàn ông có vợ đang nghiện phải đi cai tập trung hoặc tái nghiện vật vờ đâu đó như một cái xác không hồn. Anh dẫn chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Bang. Anh dặn rằng: Cứ nhìn thôi, đừng hỏi gì, ông ấy sống không những để ôm nỗi đau của kiếp mình mà còn ôm hết nỗi đau của người đời đấy - giọng anh Lả đợm buồn. Ông Bang có 5 người con trai thì cả 5 đều nghiện, 4 người đã chết vì AIDS. Người con trai còn lại duy nhất của ông là Lò Văn Tâm đang thụ án phạt tù ở trại giam vì phạm tội liên quan đến ma tuý. Dù con bị đi tù nhưng ông Bang luôn mong, sau khi mãn hạn tù, đứa con trai duy nhất còn sống sẽ cai nghiện được và trở về thành người bình thường để ông được một chút an ủi của phần đời còn lại. Ông Bang chưa phải là người cha duy nhất bất hạnh cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ở bản Bai B này. Chuyện cha mẹ bị chính đứa con mình dứt ruột sinh ra, nuôi dưỡng đánh khi can ngăn chúng đừng theo ả phù dung ở Bai B là rất bình thường. Bởi khi nghiện, thú tính trong người nổi trội hơn nhân tính. Nhiều bậc cha mẹ đã cạn khô nước mắt, trở lại trạng thái bình thản mỗi khi nhắc đến nỗi đau ở cái bản ra nhìn thấy nghiện vào nhìn thấy mồ con AIDS này. Nỗi đau đã lặn vào trong, đến mức không thể đau đớn hơn được nữa để rồi những người cha, người mẹ lại trở về trạng thái ban đầu, thương cho con, thương cho cái sự lầm lạc của nó, thương nó nhiều hơn giận khi chứng kiến cảnh nó bị ả phù dung hành hạ mỗi lần lên cơn...

Cơn lốc ma tuý

Trưởng bản Lả kể chuyện quá khứ. Những năm 90 của thế kỷ trước, bản Bai B hoang sơ, nguyên vẹn và thanh bình. Tất cả các hộ dân đều là người dân tộc Thái, sống rất đoàn kết và thương yêu, đùm bọc nhau, dù rằng, đời sống kinh tế có khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào tự nhiên là đi rừng, làm rẫy. Cuối thập kỷ này, cơn lốc ma tuý như một ngọn gió độc tràn về bản. Trai làng thậm thụt, đua nhau đi làm thuê, chở thuê và cuối cùng thành nô lệ cho ma tuý. Những món tiền từ chở thuê, do mất rất ít công sức so với đi rừng kiếm củi, với làm rẫy mà có được đã làm cho trai tráng trong bản sinh hư. Họ ỷ lại, trông chờ vào cái sự tự nhiên có đó mà không biết rằng, mình đang phạm tội, đang tiếp tay cho bọn xấu gieo mầm của tội ác. Vận chuyển thuê, rồi trực tiếp đi buôn đến nghiện và chích ... con đường đến của từng công đoạn ngắn hơn rất nhiều so với đoạn trường con người phải trải qua trong cuộc sống. Đang thanh bình thì đánh nhau, tranh giành địa phận làm ăn, tranh giành chủ và ngược lại. Người dân hiền lành bỗng chốc trở thành “nhân chứng” bất đắc dĩ của những cuộc thư hùng, tranh giành ảnh hưởng trong việc buôn bán, vận chuyển chất ma tuý. Cuộc sống của người dân bắt đầu bị xáo trộn từ đó. Người dân trong bản bắt đầu phát hiện những bóng người dật dờ như những bóng ma ở hang, ở đằng sau núi, sau bản. Họ tụ tập hút, chích và lăn ra phê thuốc...

Minh Vi - Quế Ngân
(Báo Đời sống và Pháp luật)

(Còn nữa)