ấn tượng về hoạt động cộng đồng của giới trẻ Mỹ
Các Website khác - 12/07/2008

Ba cô gái trẻ Việt Nam vừa có chuyến đi Mỹ 10 ngày với tư cách là Đại sứ Văn hóa. Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Nguyễn Đỗ Thùy Anh, 1 trong 3 đại sứ trở về từ chuyến đi kể trên.

Ba Đại sứ Văn hóa Việt Nam đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam (Từ trái qua: Phạm Thủy Tiên, Nguyễn Đỗ Thùy Anh, Thân Nguyễn Thùy Linh)

Để trở thành Đại sứ Văn hóa Việt Nam, Thùy Anh đã làm một bài luận tiếng Anh. Bài luận ấy bàn về vấn đề gì?

Bài luận được giới hạn viết không quá 1.000 từ, vì thế, nội dung muốn chuyển tải rất hạn chế. Bài viết của mình có tựa đề Goodmorning VietNam - (Chào buổi sáng ở Việt Nam). Bài viết này là cách nhìn nhận về tương lai tươi sáng của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực...

Đại sứ Văn hóa Việt Nam Thùy Anh đã chuẩn bị những gì trước chuyến đi?

Việc đầu tiên mình nghĩ đến khi trở thành Đại sứ Văn hóa là củng cố và tìm hiểu thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam. Tiếp đó mình dành thời gian tìm hiểu về nước Mỹ và văn hóa Mỹ.

10 ngày trên đất Mỹ, các Đại sứ Văn hóa Việt Nam đã được tham gia những hoạt động gì?

Trong 10 ngày, chúng mình đã được tham gia 3 hoạt động chính:

Thứ nhất, tìm hiểu các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của giới trẻ Mỹ. Chúng mình đã gặp gỡ, thảo luận với sinh viên tại các trường đại học như: Học viện Tiếp xúc cộng đồng và Công dân, Đại học De Anza, gặp gỡ các chuyên gia trẻ, tham dự giờ lên lớp cho các lãnh đạo trẻ trong các cộng đồng tại trung tâm văn hóa Mission, tham quan khu San Francisco.

Thứ hai, giao lưu, trao đổi và tìm hiểu về các hoạt động cộng đồng của giới trẻ Mỹ. Đoàn đã tham gia các hoạt động như sống chung với gia đình bản xứ, ở trong ký túc xá sinh viên, tham quan các trường đại học như: Duke, University North Carolina (UNC), nghe giới thiệu về nhạc Jazz, tham quan các triển lãm, thăm nhà ở và trực tiếp phục vụ ăn trưa từ thiện cho những người vô gia cư.

Thứ ba, các hoạt động về môi trường. Đoàn đã được tham quan trao đổi các vấn đề môi trường với Viện Martin thuộc khu giải trí Golden Gate, trao đổi về vấn đề thanh niên và các phương tiện truyền thông  hiện đại tại Cty  truyền hình cáp Current TV.

Điều gì ở sinh viên Mỹ khiến Thùy Anh tâm đắc?

Sinh viên Mỹ tham gia bất cứ hoạt động gì cũng xuất phát từ niềm đam mê thực sự, đó là điều khiến mình rất ấn tượng. Từ hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học cho đến các công việc xã hội, một khi họ đã tham gia thì họ dành hết niềm đam mê và năng lực để cống hiến cho công việc.

Thanh niên của Mỹ tham gia vào các sự kiện chính trị của đất nước họ như thế nào?

Đây cũng là một trong những mục đích và hoạt động trọng tâm mà đoàn đặt ra. Trong cuộc thảo luận bàn tròn tại Đại học North Carolina, mình đã có dịp thảo luận và trò chuyện với họ về những hoạt động chính trị trong đó có hoạt động bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra.

Mình thấy rằng, chiến thắng của Barack Obama trong cuộc đua trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ có phần đóng góp rất lớn của giới trẻ Mỹ vì họ tin rằng, Obama có thể đưa đến những sự thay đổi, những điều mới mẻ.

Còn những hoạt động cộng đồng thì sao?

Hoạt động cộng đồng của giới trẻ Mỹ nói chung và sinh viên Mỹ nói riêng đã tạo ấn tượng mạnh đối với mình trong chuyến đi này. Trong một trường đại học, những hoạt động trợ giúp sinh viên của họ không bó hẹp trong một trường đó mà luôn được mở rộng ra với sinh viên các trường khác.

Ấn tượng nữa của mình về hoạt động cộng đồng của giới trẻ Mỹ là ngay trong trường đại học của họ có một bếp ăn cộng đồng dành cho những người vô gia cư. Thậm chí, những bếp ăn cộng đồng tại trung tâm này còn dành cho cả những công nhân, sinh viên nghèo.

Cảm ơn Thùy Anh!

Phan Kiền