Anh Sơn đang may giày dép tại chợ Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - Ảnh: Hoài Nhân |
“Bao nhiêu tiền hả chú?”. “Một nghìn”. “Năm trăm thôi mà”. “Ừ, thì năm trăm...”. Đó là những mẩu đối thoại diễn ra hằng ngày bên cổng chợ giữa anh và khách hàng. Quanh anh là những đôi giày bị đứt, những chiếc thau nhựa bị bể, những cái giỏ xách rách...
Anh là Lê Thanh Sơn (50 tuổi), người mà một thời là con nghiện nặng, đến mức trong giới nghiện ma túy ở Quảng Ngãi đã từng tôn anh lên hàng sư phụ...
20 năm tăm tối
“Tui là con một nên được cưng chiều hết mực - anh kể - Nhà khá giả nên mẹ gửi tui vô tỉnh (thị xã Quảng Ngãi) để học. Có tiền, tui ăn chơi và làm quen với ma túy từ những năm học trung học. Năm 1969 tui rớt tú tài và bị bắt vô lính. Quá chán nản, tui lao vào ăn chơi, nhiều lần đào ngũ, đến ngày giải phóng trở về...”.
Rồi anh có vợ, lần lượt ba đứa con chào đời. Vẫn mỗi mình vợ anh với mẹt trái cây bán ở chợ vừa lo cho con, vừa lo cho chồng. Từ hút anh chuyển qua chích. Trong nhà có cái gì bán được là anh đem bán, đến khi không còn gì thì anh bán căn nhà.
Nhiều lần anh hứa với vợ là bỏ, nhưng hàng chục lần quyết tâm cai nghiện vẫn không thành. Đầu năm 1996, được Nhà nước cho 4 triệu đồng vô dưỡng đường Lê Văn Sĩ, TP.HCM để cai nghiện. Nhưng được đâu 20 ngày, khi bước ra cổng là anh bị ma túy níu kéo trở lại.
“Ba bỏ chơi cho con học”
Chị Trầm Hương, vợ anh Sơn, với mẹt trái cây nhỏ tại chợ Châu Ổ - Ảnh: Hoài Nhân |
Hôm ấy, trong lúc anh vật vã vì đói thuốc thì đứa con trai đầu Lê Thanh Phong từ TP.HCM điện về. Giọng của con, lời của con anh không bao giờ quên được: “Con đậu Đại học Bách khoa rồi ba ơi. Thôi ba nghỉ chơi để cho con học, còn không thì con nghỉ học để ba chơi...”. “Lúc đó tui bật khóc, không nói được..., tui chỉ hứa với nó một câu: ba bỏ chơi để con học”.
Kể từ mùa hè năm 1996 ấy, cứ mỗi lần lên cơn, hình ảnh đứa con trai đang bước vào giảng đường lại hiện ra trong anh... Vì vậy, ban ngày anh tự trói mình nằm ở nhà, ban đêm sợ lên cơn ảnh hưởng đến hàng xóm, một mình anh lang thang ra bờ sông tìm nơi vắng vẻ một mình la hét. Nhiều lúc không chịu nổi anh nhảy xuống sông. Mỗi đêm như thế chị Hương theo sau động viên và đề phòng bất trắc.
Chị Hương nói: “Ròng rã hơn ba tháng trời đêm mô tui cũng thức trắng để theo ảnh. Có đêm tui mệt quá nằm ngủ luôn bên bờ sông”. Hơn một năm sau anh mới cắt được cơn nghiện. Sợ anh nằm nhà một mình nghĩ quẩn, vợ anh bàn tính tìm việc làm cho anh vui. Nói hôm trước, hôm sau anh sắm đồ nghề ra ngồi ở chợ.
Khi Lê Thanh Phong học xong năm 2, anh vào TP.HCM thăm và dự định đưa con về nhà để con thật sự thấy anh đã “nghỉ chơi” mà yên tâm học hành. Nhưng khi anh vào nhà vệ sinh của ký túc xá, tình cờ bắt gặp một sinh viên đang tiêm chích ma túy, anh rùng mình và vội quay ra bến xe đón xe tức tốc về quê. Mãi sau này khi đã ra trường, con anh mới hiểu lần trở về vội vã của anh.
Nhờ học giỏi nên vừa tốt nghiệp ra trường Phong được một công ty của thành phố nhận vào làm việc. Đứa con thứ hai Lê Thanh Sỹ tiếp tục đậu vào khoa kiến trúc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện đang học năm 3; còn con gái út đang vào lớp 12. Anh Sơn tâm sự: “Chừ thì vợ chồng tui đỡ lo rồi, hai đứa đang học đã có thằng Phong lo, vợ chồng chỉ lo buôn bán, dành dụm làm mới lại căn nhà”.
Không chỉ cai cho mình
Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã không tiếc lời khi tôi hỏi về chuyện cai nghiện thành công của anh Lê Thanh Sơn: “Cả thị trấn có bốn người nghiện. Tấm gương của anh Sơn đã giúp chúng tôi vận động các đối tượng khác cai nghiện. Bây giờ, ngoài công việc kiếm sống hằng ngày để nuôi con ăn học, anh Sơn còn tham gia nhiều công tác tại địa phương. Anh còn là một cộng tác viên tích cực của Trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ngãi”.
Thiếu tá Nguyễn Công Binh, trưởng Công an thị trấn Châu Ổ, cho biết: “Có lần nhờ anh mà lực lượng công an chúng tôi phá một đường dây buôn bán ma túy từ Nghệ An đưa vào Quảng Ngãi tiêu thụ...”.
Khi tôi hỏi chuyện anh cùng công an phá đường dây ma túy, anh Sơn bảo nhỏ: “Có chi mô mà kể, mình cố gắng làm những việc có ích được chừng mô hay chừng nấy thôi mà...”. Như lời anh kể, hơn bảy năm sau khi cai nghiện, anh đã giúp đỡ hàng chục anh em nghiện khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ bỏ ma túy từ kinh nghiệm cai nghiện của mình.
Và đến bây giờ anh vẫn dành thời gian đi bất cứ nơi đâu trong tỉnh để nói chuyện với các bạn trẻ về tác hại của ma túy từ cuộc đời thật của mình.
HOÀI NHÂN
▪ Campuchia: Nhà sư và việc hỗ trợ những người sống chung với HIV/AIDS (26/07/2004)
▪ Anh và tôi (04/06/2004)
▪ Câu chuyện của một ông bố 19 tuổi (03/06/2004)
▪ Bạn tôi mới ra đi vì AIDS (03/06/2004)
▪ Câu chuyện của một người đồng tính đã lấy vợ (03/06/2004)
▪ Thăm ''làng'' trẻ em nhiễm HIV (28/07/2004)
▪ Những người chặt ngón tay thề cai nghiện giờ ra sao? (11/08/2004)
▪ Cậu bé và chiếc đàn dương cầm (10/08/2004)
▪ "Còn sống được ngày nào, chúng tôi còn giúp cộng đồng..." (09/08/2004)
▪ “Con bạch tuộc dương tính”... (04/08/2004)