TP - Ở cái tuổi ngoài 50, chị Lý Thị Kiều mới biết mình bị nhiễm HIV/AIDS. Anh em, xóm giềng xa lánh, nhưng chị cố gượng dậy, đêm đêm đến các tụ điểm mà những cô gái bán hoa lui tới, rồi gặp từng ngư phủ ở cửa biển Sông Đốc để phát bao cao su...
![]() |
Chị Kiều trên hành trình phát bao cao su ở thị trấn Sông Đốc |
Chị chỉ có một mong ước thật đơn giản: Giúp họ không đi vào vết xe đổ của mình…
Tủi cực
Ngoài 50 tuổi, chị Kiều vẫn còn giữ nét duyên dáng của người phụ nữ nông thôn trong chiếc áo bà ba.
Chị bỏ quê Rạch Ráng (Trần Văn Thời, Cà Mau) theo chồng về U Minh lúc tròn 20 tuổi. Đôi vợ chồng trẻ xây dựng gia đình hạnh phúc bằng nghề đồng áng vùng rừng tràm U Minh hạ. Nhưng bệnh sốt rét rừng đã cướp đi người chồng khi chị còn rất trẻ.
Một mình chị Kiều tay xách nách mang 3 con nhỏ bươn chải kiếm sống. Rồi chị đi bước nữa với người đàn ông đã có gia đình, có vợ, có con. Vợ chồng chắp nối rơi vào cảnh “con anh, con em, con chúng ta”.
Vì nghèo đói mà vợ chồng lục đục suốt, không sống với nhau bao lâu, đành phải chia tay. Chị Kiều lại gánh thêm thằng út vừa lên 16 tuổi.
Chị tâm sự: “Đàn bà góa bụa, làm sao tránh được quan hệ tình cảm với đàn ông, phải nương tựa nhau mà sống. Thế rồi…”.
Năm 2003, chị bị sốt triền miên, sức khoẻ suy giảm, phải nằm viện dài ngày. Các bác sĩ ở Bệnh viện Trần Văn Thời phát hiện chị nhiễm HIV/AIDS.
Tuy không cưới gả nhưng chị và anh tài công N.V.B sống như vợ chồng. Chị không biết mình lây nhiễm từ bao giờ nên thú thật với anh N.V.B. Thế là cơn giận dữ đùng đùng nổi lên ở túp lều trọ của đôi vợ chồng hờ ngư phủ ở cửa biển Sông Đốc.
Hồi trước, chị em gái với nhau, cái quần còn mặc chung, có chuyện gì cũng nói nhau nghe. Còn bây giờ, chị bệnh nên em gái sợ bị lây. Khuya đêm đó, mẹ của chị lọ mọ đến bên mùng nhìn vô, không hỏi, chỉ thở dài. Chuyến về quê đó là lần cuối cùng của chị… |
Chị Lý Thị Kiều tìm về quê thăm mẹ già và anh chị em, mong gặp họ lần cuối. Chị nghĩ “mình bệnh tật thế này, biết đi lúc nào…”.
Về nhà đứa em gái út. Em gái làm bánh canh nấu với cá lóc, múc đầu cá để riêng ra tô mời chị ăn. Nhưng chị thấy không ai dám dùng chung với chị chén nước mắm. Chị ráng nuốt mà nước mắt cứ tuôn trào. Trời chưa tối, em gái út đã giăng mùng kêu chị vô ngủ! Lạnh lẽo, âm thầm, cô đơn. Đêm đó, chị nằm mà không ngủ được, nước mắt tuôn ướt gối.
Đến thị trấn Sông Đốc, chị với anh N.V.B phải thuê nhà trọ. Chị Kiều không giấu bệnh của mình, mọi người biết hết. Những người xung quanh, ai cũng xa lánh, không ai dám đến gần.
Hễ chị Kiều ngồi quán nào thì quán đó vắng khách. Người bán hàng rong cũng không muốn bán cho chị chút quà. Thằng con trai 28 tuổi, đi bạn tàu đánh cá đã có người yêu cũng bị từ hôn. Nó buồn, không ở chung với mẹ. Mỗi con nước, nó ra khơi, lênh đênh trên sóng biển. Vô đất liền, nó xin làm công cho chủ ghe để ăn cơm.
Chỉ có thằng út 16 tuổi, còn ở chung với chị. ở nhà trọ cho thuê tháng, người hàng xóm rút điện không cho xài. Mỗi lần vợ chồng lời qua tiếng lại là mọi người tránh xa. Có người còn yêu cầu chính quyền trục xuất vợ chồng chị ra khỏi nhà trọ.
“Bà Si-đa” sống cho mọi người
Chị Kiều ứa nước mắt: “Quãng đời còn lại tôi muốn sống nuôi con, muốn giúp người. Tôi thắc mắc là cán bộ y tế không cho tôi biết thêm người nhiễm bệnh để thăm hỏi, chăm sóc, an ủi nhau. Tôi chỉ biết vợ chồng cô giáo T, vợ chồng H buôn bán bên chợ cũng bị. Tội nghiệp, mấy cặp vợ chồng còn quá trẻ!”.
Thị trấn cửa biển Sông Đốc có người vãng lai nhiều hơn người ở tại chỗ. Chị Lý Thị Kiều làm nghề bói bài kiếm sống. Nhờ vậy mà chị tiếp cận được nhiều người. Trong chiếc giỏ đựng bộ bài có cả những bao cao su mà chị xin của cán bộ y tế.
Chị thường lân la các quán nhậu có tiếp viên, cà phê đèn mờ để bói toán kiếm chút tiền nuôi thân từ những nữ tiếp viên. Trong lúc tâm sự với nữ tiếp viên, chị khuyên họ giữ mình khỏi căn bệnh thế kỷ. Chiều chiều, chị Lý Thị Kiều lại xuống bến tàu neo đậu, các vựa cá, tìm đến ngư phủ xem quẻ bài.
Lân la làm quen, chị nói vài lời nhắn nhủ. Mỗi con nước biển, trăng non lên là tàu về thị trấn Sông Đốc hàng ngàn chiếc, chở theo hàng chục ngàn đàn ông. Họ cũng có gia đình, vợ con, người yêu nhưng tiền bạc không nhiều, đường về quê xa lắc.
Thôi thì mượn men rượu giải sầu, tìm hơi ấm bạn gái. Và cũng lúc trăng sáng rắc muôn ngàn ánh sao trên cửa biển Sông Đốc là gái giang hồ kéo đến. Hàng trăm nhà trọ thuê tháng, vài chục nhà trọ cho thuê ngày là tổ ấm ngắn ngủi của đời ngư phủ.
Mấy năm rồi, chị Lý Thị Kiều âm thầm, lặng lẽ, cô đơn đến với ngư phủ, gái giang hồ cửa biển Sông Đốc tư vấn và phát bao cao su, giúp những mảnh đời cơ cực thoát căn bệnh thế kỷ. Người ta gọi chị là “bà Si-đa”. Chị đã nguyện sống cho mọi người trong quãng đời ngắn ngủi còn lại.
Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Hưng
(Báo Tiền Phong)
▪ Jamaica: Đề xuất luật chống phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS (14/06/2006)
▪ Sống đẹp giữa cộng đồng (09/06/2006)
▪ “Viên gạch sáng” đưa tôi vào đời (08/06/2006)
▪ Tôi đã từng tuyệt vọng… (06/06/2006)
▪ Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV/AIDS (01/06/2006)
▪ Bà, cháu và gánh xôi (30/05/2006)
▪ Ngọn lửa vẫn được tiếp nối… (29/05/2006)
▪ Diễn viên Latifah tham gia đóng phim về AIDS (26/05/2006)
▪ Sứ mệnh sắp tới của tôi: Tiếp tục sống với HIV/AIDS (24/05/2006)
▪ Kenya: Cần quan tâm đến trẻ mồ côi vì đại dịch AIDS (17/05/2006)