Lặng lẽ sống, lặng lẽ vui, lặng lẽ tự hào, và lặng lẽ... khóc. Người mẹ ấy vẫn sống và thở cùng nhịp thở của đứa con gái thân yêu không may bị tật nguyền.
![]() |
Nguyễn Thị Nguyện cùng mẹ |
Cô ngồi đó, nhìn con đón nhận sự yêu thương của mọi người xung quanh dành cho con gái, và hình như trong đôi mắt của người đàn bà bước vào cái tuổi ngũ tuần ấy hiện hữu hai chữ “Biết ơn”.
Đến cùng con nhận giải thưởng của cuộc thi Mùa xuân và tôi (do mạng xã hội tamtay.vn và báo Tiền phong tổ chức), cô Ngọ chỉ im lặng ngồi nhìn từ xa.
21 năm giấc ngủ không tròn…
Con gái cô, em Nguyễn Thị Nguyện, bị bại liệt toàn thân. Từ bé, Nguyện đã ốm ngặt nghẹo, người lúc nào cũng mềm nhũn. Gương mặt cô bé Nguyện xinh xắn lắm, trong bộ váy hồng do chính tay Nguyện thiết kế, nhìn em như một cô công chúa nhỏ.
Gương mặt Nguyện thanh tú, đôi mắt trong vắt niềm tin của con gái luôn làm nhói buốt trái tim người mẹ.
Càng lớn, hai chân con gái càng teo lại, không phát triển được. Hai cánh tay nhỏ, trơ ra những đường gân xanh tái, Nguyện không thể tự cầm được cái gì. Nguyện cũng không thể tự ngồi, và để ngồi được, phải có người quấn vào ngang người em chiếc áo giáp nhựa để làm “xương sống” tựa vào xe lăn…
21 năm tuổi của con gái, là 21 năm người mẹ ấy phải bế ẵm, chăm sóc con như một đứa trẻ sơ sinh. Nhưng cô không hề kêu than nửa lời và chưa bao giờ coi con là gánh nặng.
Từ lúc sinh con ra, đêm nào cô cũng thức để nắn bóp và giúp con trở mình. Nhiều khi Nguyện thương mẹ nên cố chịu đau, nhưng trong giấc ngủ, người mẹ ấy cảm thấy tiếng khóc nhẹ lắm của con gái, thế là lại thức dậy và đúng là lúc con đang mỏi. Bàn tay chai sần sau bao lo toan vất vả của cuộc sống đời thường lại xoa dịu những cơn đau cho con.
Cánh tay của Nguyện càng ngày càng yếu. Hai vợ chồng cô Ngọ làm Đông y cũng khá bận nên ở nhà phải thuê người chăm sóc riêng. Cũng vì thế mà đã từ lâu lắm rồi, dù với bất cứ lý do gì cô cũng không bao giờ đi đâu qua đêm.
Chỉ quanh quẩn ở nhà, đêm ngủ thì trở mình cho con 5 đến 6 lần rồi nắn bóp cho con bớt những cơn đau hành hạ. Lúc nào cũng nơm nớp lo con gái ngủ không ngon, con sẽ mỏi, con sẽ đau… Những giấc ngủ chập chờn suốt 21 năm qua.
Cô kể rằng lúc sinh con ra, Nguyện đẹp lắm, bụ lắm, nhưng thời gian lớn lên tỷ lệ thuận với sự mềm oặt của cơ thể. Đau đớn, cô Ngọ đã đưa con đi các bệnh viện khám thì được xác định là bị liệt mềm tứ chi. Không nản, cô lại đưa con đi chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác.
Mẹ của Nguyện |
Thấy con ốm nhiều nên cô Ngọ không cho đi học. Nhưng một lần, nhìn thấy cảnh con chảy nước mắt khi thấy bạn đi học thì quyết tâm của người mẹ ấy lại trỗi dậy. Bất chấp mọi khó khăn, mọi điều tưởng như không thể đã trở thành có thể.
Nguyện đi học muộn hơn bạn bè một năm. Nhưng được bạn bè, thầy cô động viên, em tiếp thu rất nhanh. Lúc đầu, Nguyện còn viết được bằng cả hai tay, sau cứ yếu dần và cuối cùng thì em chỉ có thể nghe giảng. “Nhiều khi cô giáo gọi phát biểu, Nguyện không đứng lên được nhưng vẫn cứ giơ tay, rồi nhờ bạn bên cạnh lên viết, còn mình thì đọc.
Học hành, rồi văn nghệ tài lắm, chỉ đạo các bạn hát, đóng kịch, rồi viết kịch bản cho các bạn” - Mắt ngấn nước, cô Ngọ tự hào và xót xa kể về cô con gái cưng của mình.
“Bình thường thì Nguyện rất yếu, chỉ khi nào có chuyện gì vui lắm mới ngồi được vài tiếng. Ở nhà vẫn có giường cho em nằm để ép thẳng người cho dễ thở. Mỗi lần nó bị ốm thì lạ lắm, cứ kéo dài 15 - 20 ngày, nôn ra máu, không ăn gì mà cũng không việc gì.
Nó thích cái gì, thích ăn gì thì nói và mẹ bằng mọi cách phải đáp ứng thì mới cầm máu được. Bệnh viện bảo là hoại tử ruột nhưng nó lại bảo: “Không phải hoại tử đâu, mẹ cứ cho con về”. Có khi nó thèm nước chè đun với bã mía, có khi là nước canh cá, có khi là nước mưa, nước sông... Mọi người giấu, cho nó uống nước sôi để nguội thì nó phát hiện ra ngay.
Những gì Nguyện làm được, đối với tôi, như là kỳ tích vậy. Thế nên tôi cũng thấy những mệt mỏi qua đi và cũng thương con lắm, tiếc cho số phận của nó. Thậm chí có lần nó còn viết báo nói là muốn chết đi để đỡ làm mẹ khổ, nhưng tôi biết nó sống tình cảm lắm, sẽ không phụ tình yêu thương của mọi người dành cho nó để bỏ tôi mà đi đâu”. Cô Ngọ nghẹn lời.
Bật khóc. Những giọt nước mắt của người mẹ ấy như được ép ra từ bao nỗi khổ đau mất mát nhưng vẳng đâu đó tiếng hát cao vút trong trẻo của cô con gái: “Để mẹ cha đỡ buồn. Em ước gì mình vượt qua tất cả… Em sẽ tin mình vượt qua niềm đau” đã xoa dịu đi tất cả. Cô biết mình cần phải tiếp tục bước đi, giơ bàn tay chai sần để cô con gái bé bỏng của mình vịn vào để sống và chiến đấu vượt qua tật nguyền, trở thành một người có ích cho đời, cho người.
Cô giáo Vũ Thị Kim Dung (cô giáo dạy Toán hồi THCS của Nguyện, hiện dạy ở trường THCS Cao Thắng – Hòa Bình): “Tôi là cô giáo dạy toán của Nguyện. Tình cảm cô trò sâu đậm lắm. Tôi biết rằng trong ký ức của em luôn có một người cô giáo là tôi. Giờ thì Nguyện yếu lắm rồi, bên bệnh viện chỉnh hình của tỉnh phải làm cho em cái áo gỗ, có những thanh gỗ ép thẳng người để thở dễ hơn. Ngày trước, mỗi lần Nguyện đi học là có bố mẹ đưa đến, rồi cô và bạn bè lại bế em lên chiếc xe lăn để sẵn ở trường. Khổ nhất là mùa hè nóng, người của Nguyện cứ mẩn đỏ vì áo giáp chọc vào người rất đau. Tôi rất khâm phục em và sẽ không bao giờ quên nghị lực của cô bé. Đó là cô học trò sống chan hòa và rất giàu tình cảm”. |
Ngọc Đinh
▪ “Hành trình xanh” đến Huế (12/07/2008)
▪ ấn tượng về hoạt động cộng đồng của giới trẻ Mỹ (12/07/2008)
▪ Nơi ma túy đi qua (07/07/2008)
▪ Kỳ thị-nhức nhối hơn nỗi đau về bệnh tật (04/07/2008)
▪ “Thay vì mình đi chơi…” (04/07/2008)
▪ Quà tặng cuộc sống của "Cô gái thủy tinh" (04/07/2008)
▪ Nơi cuộc sống được tính bằng ngày (02/07/2008)
▪ Thung lũng của những người nhiễm AIDS (01/07/2008)
▪ Nhân ngày thế giới phòng chống ma tuý 26-6: Người biết “gác ống chích” (30/06/2008)
▪ Người biết “gác ống chích” (30/06/2008)