Kiếm tiền điều trị bệnh
Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, là nơi chị Nguyễn Thị Lan được sinh ra, lớn lên rồi lập gia đình với người bạn thời niên thiếu. Những tháng ngày hạnh phúc cứ dần trôi qua để rồi một ngày tai hoạ đã ập đến nhà chị bởi chồng chị đã bị bắt vì sử dụng và buôn bán ma tuý. Lúc đó, đứa con đầu lòng mới được gần 1 tuổi. Chồng đi tù, ở nhà nuôi con, chị vẫn không yên tâm vì sợ lây nhiễm HIV/AIDS. Bởi chị thường nghe người ta nói người dính vào ma tuý dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS. Thế rồi, chị cũng chuẩn bị tâm lý và quyết định đi xét nghiệm. Tuy đã chuẩn bị trước về một tình huống xấu sẽ xẩy ra nhưng khi nhận kết quả chị không thể tin vào sự thật. Đó là HIV (+). Chị quyết định đi xét nghiệm lại và kết quả không thay đổi.
Kể từ ngày đó, chị cứ lặng lẽ sống chung với AIDS. Sau những tháng ngày lo âu, muộn phiền, chị đã quyết định công khai về tình trạng sức khoẻ cho gia đình và cộng đồng. Sau khi biết chị nhiễm HIV, Hội Phụ nữ phường đã vận động tham gia vào câu lạc bộ Đồng cảm - câu lạc bộ của những bà vợ, người mẹ có chồng con nhiễm HIV/AIDS. Tham gia vào câu lạc bộ chị đã tìm được sự chia sẻ của những người cùng cảnh.
Được sự động viên của mọi người, chị đã tìm những người có HIV/AIDS để tuyên truyền và vận động họ hướng tới một cuộc sống tích cực hơn. Chị vận động người có H tham gia vào nhóm tự lực “Vì ngày mai tươi sáng” để chia sẻ với họ những khó khăn trong cuộc sống.
Chị tâm sự: “ Tôi luôn xác định, mình mắc bệnh nhưng chưa thể chết ngay. Cuộc sống vẫn còn tiếp diễn. Vì thế tôi vẫn đi chợ kiếm sống để trang trải sinh hoạt cho gia đình và để dành mua thuốc điều trị bệnh... Qua sách báo nên tôi biết nếu được điều trị bằng thuốc thì sẽ kéo dài cuộc sống hơn. Vì thế tôi vẫn tin và hy vọng đến một ngày nào đó Y học sẽ có thuốc chữa bệnh...nên tôi vẫn phải lao động kiếm tiền để kéo dài sự sống và chờ đợi...”.
Ước có một sức khoẻ để hoàn thành tốt công việc.
Đã hơn một năm nay, người dân phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông đẩy xe đi thu gom rác. Đó là một công việc rất đáng trân trọng đối với một người bình thường. Nhưng đáng trân trọng và khích lệ hơn đó lại là công việc của một người đã từng nghiện ma tuý và có HIV.
Là người nghiện ma tuý nhiễm HIV/AIDS, không có công việc làm, anh L đã được UBND phường và Trung tâm Y tế thị xã can thiệp, tạo điều kiện để anh được đi thu gom rác và hỗ trợ phương tiện làm dụng cụ thu gom.
Hằng ngày, khoảng 16h, anh L trong trang phục bảo hộ lao động và dụng cụ để đi đến các ngõ ngách được phân công để thu gom rác thải. Địa bàn “hoạt động” của anh gồm 3 tổ dân phố, mỗi tổ 80 hộ. Nếu làm tích cực thì hết 3 tiếng, còn bình thường hết khoảng 4 tiếng. Hôm nào nhiều việc anh lại được vợ, con hỗ trợ thêm.
Trò chuyện với chúng tôi anh bảo: “Với thu nhập 400 ngàn đồng/tháng đã giúp tôi cải thiện cuộc sống. Đây là nguồn động viên, khích lệ đối với tôi và gia đình. Lao động đã giúp tôi yêu đời hơn và quên đi bệnh tật...Được các anh, các chị ở phường quan tâm, thật là quý hoá. Vì thế, tôi cố gắng hoàn thành công việc để không ai phải bận tâm. Bây giờ gia đình tôi còn bỏ tiền đóng thêm một xe thu gom rác nữa. Tôi chỉ ước một điều nho nhỏ là có được sức khoẻ để tiếp tục công việc của mình...”.
Anh Bùi Tất Thành ở xóm 8 xã Vũ Tây, Thái Bình là một trong những người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV/AIDS của xã trong lúc vợ anh mang thai. Khi đó, cả gia đình anh đều bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Bản thân anh mất việc làm. Cháu trai lớn đến trường đều bị bạn bè xua đuổi. Hàng xóm thì xa lánh, không dám qua lại gia đình... Thế rồi, nhờ sự quan tâm và can thiệp của chính quyền địa phương nên mọi khó khăn cũng qua. Gia đình anh được cán bộ y tế thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên, UBND xã còn tạo điều kiện về địa điểm kinh doanh. Kể từ đó, anh đã đầu tư vào buôn bán vật liệu xây dựng ngoài bãi sông Trà Lý và chạy xe công nông. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Anh tâm sự: “Từ chỗ bị xa lánh, kỳ thị, gia đình tôi đã được UBND xã quan tâm đó là hạnh phúc lớn nhất đối với gia đình. Có công việc đã giúp gia đình thoát khỏi khó khăn về kinh tế. Đó là chiếc “cần câu” mà tôi phải chăm chỉ “đi câu” để cả gia đình đều được ...no bụng. ...”.
Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn tham gia vào công tác tuyên truyền HIV/AIDS của xã và là thành viên tích cực của nhóm Tự giúp của Vũ Tây để đi tuyên truyền và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS trong xã. Ngoài ra, anh còn tham gia in ấn tài liệu, tờ rơi để phát cho những người đi làm ăn xa và xây dựng nhóm “Vì Ngày mai tươi sáng” của Vũ Tây.
Như vậy đấy, những người nhiễm HIV/AIDS mà tôi kể trong bài viết này đã thể hiện được trách nhiệm với bản thân và cộng đồng và quan trọng hơn họ đã không quay lưng lại với cuộc đời.
Đặng Thanh
▪ Singapore thông báo bệnh tình bệnh nhân AIDS cho bạn đời của họ (08/12/2005)
▪ Người nhiễm HIV/AIDS được trợ cấp ít nhất 140.000 đồng/tháng (05/12/2005)
▪ Hoa hậu “HIV dương tính” (03/12/2005)
▪ Chờ đợi điều kỳ diệu (01/12/2005)
▪ "Ngọn đèn" cho người đồng tính (01/12/2005)
▪ Cuộc sống vẫn tiếp diễn bất chấp HIV (01/12/2005)
▪ Quỹ Clinton giúp chống AIDS ở Ukraine (01/12/2005)
▪ Ấn Độ: Sinh viên trường Delhi thiếu hiểu biết về AIDS (30/11/2005)
▪ "Cuộc sống vẫn tiếp diễn" (28/11/2005)
▪ 28% bác sĩ được đào tạo chăm sóc bệnh nhân HIV (26/11/2005)