Màu tình yêu - những giấc mơ về cuộc sống
Các Website khác - 30/11/2004

Tình yêu là cái giữ ta lại và là nguồn sữa ngọt mà ta luôn tìm kiếm để có thể sống trong thế gian nhiều đau khổ - đó là thông điệp toát ra từ cuộc triển lãm tranh của 2 hoạ sĩ trẻ có HIV: Lưu Quang Thắng và Nguyễn Trọng Kiên. Triển lãm với chủ đề Màu tình yêu khai mạc 29/11 tại 45 Tràng Tiền, HN.

Thiếu nữ bên hoa sen của Lưu Quang Thắng.

23 bức tranh sơn mài của Lưu Quang Thắng làm người xem ngạc nhiên bởi những gì mà chàng trai trẻ sớm gặp nhiều khổ đau này nhìn thấy trong cuộc sống lại là hoa và thiếu nữ. Trên nền không gian trầm trầm đầy tính ưu tư, những thân hình thiếu nữ trải ra mềm mại, êm êm, vừa uể oải vừa đầy sức sống. Cuộc sống, với hoạ sĩ Thắng, dường như là lời thì thầm của những vật nho nhỏ, gần gụi như con mèo, bông hoa chuối, con trâu… và chúng luôn gắn với biểu tượng vĩnh hằng của cái đẹp: phụ nữ. Sắc màu trầm tĩnh của những bức sơn mài cho thấy chủ nhân của chúng đã lấy lại sự bình tâm để nhìn cuộc sống như một dòng chảy mà cái lưu lại không phải khổ đau mà là những gì anh cần nhất, yêu nhất, muốn nhìn thấy nhất.

Còn 48 bức sơn dầu của Nguyễn Trọng Kiên lại thể hiện sự vật vã của một linh hồn từng tin rằng thiên đường thuộc về mình. Con người tự tin và giàu khát vọng này dường như không tin nổi trước đòn đánh của số phận. Những bức tranh Kiên vẽ trong mấy năm đầu mới biết mình nhiễm HIV dường như là lời gào thét giận dữ, tuyệt vọng, thể hiện trong các tác phẩm Máy chém, Những con thiêu thân, Trăng Hàn Mặc Tử..., với các hình khối khi xô lệch, quằn quại, lúc xuôi xuống mệt mỏi trong không gian ít ánh sáng. Các bức tranh Luân hồi, Nỗi day dứt khôn nguôi… với hình ảnh những đứa hài nhi trở đi trở lại cho thấy sự ám ảnh của hoạ sĩ về sự sống-cái chết; dường như bên tai anh luôn nghe thấy tiếng chuyển động của bánh xe luân hồi.

"Mùa xuân đã về" của Nguyễn Trọng Kiên.

Sắc màu trong những bức tranh Nguyễn Trọng Kiên vẽ gần đây đã sáng lên. Anh cho biết đó là lúc đã biết chấp nhận hoàn cảnh và lấy lại sự tự tin khi những người xung quanh đã bớt đi sự kỳ thị và xa lánh. Mùa xuân đã đến, Hội hoa đăng… là cái mỉm cười làm lành với cuộc sống, với sắc màu trầm ấm và vui vẻ. Hình ảnh trẻ thơ vẫn tràn ngập nhưng không côi cút và tội nghiệp như trước mà đầy vẻ an lành của những linh hồn được nâng niu. Tuy vậy, dường như hoạ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn tình yêu và không nguôi khao khát nó. Trong tác phẩm Tình yêu của đời, anh vẽ một đứa bé nằm cuộn tròn trong tư thế của thai nhi, được nuôi dưỡng bằng mật ngọt của những bông hoa truyền qua rau thai. Bức Thành phố trong mơ vừa là niềm hy vọng, vừa là giọt nước mắt mừng tủi như một đứa trẻ bị ruồng rẫy khi được một bàn tay vỗ về. Hình ảnh thành phố trong bức tranh này chỉ là những ngôi nhà thấp nhạt nhoà trong bầu trời xám xịt, nhưng trong một ô cửa sổ có ánh đèn sáng ấm áp, ánh sáng cứu rỗi ấy hắt ra con đường tối mò như một lời hứa hẹn. Nhiều bức tranh khác cho thấy Nguyễn Trọng Kiên vẫn chưa thực sự tin ở lòng người, vẫn phải tự trấn an mình bằng những giấc mơ đẹp.

Xem tranh của 2 hoạ sĩ Kiên và Thắng, hoạ sĩ Thành Chương nhận xét: “Những bức tranh này toát lên sự trẻ trung táo bạo, cho thấy người vẽ chúng đã thoát ra khỏi những thằng thúc và thể hiện cá tính. Trong nghệ thuật, mỗi người có một cách cảm riêng, nhưng Kiên và Thắng đã thể hiện được cái cảm của mình và đem được nó đến với mọi người”.

Bà Khuất Thu Hồng, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu xã hội, cho rằng việc đưa những bức tranh ra triển lãm chứng tỏ các hoạ sĩ đã mở lòng ra với mọi người, nó thể hiện lòng tin với chính mình và với đồng loại. Bên cạnh nỗ lực của họ, chính thái độ thân thiện của những người xung quanh đã đem lại sự thay đổi ấy.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 4/12.

Thanh Nhàn