Kỳ thị - nỗi đau của người nhiễm HIV/AIDS
Các Website khác - 01/12/2004

TT - “Khi tôi đi gặp bác sĩ, người ta cho tôi một cái ghế để ngồi. Tuy vậy, khi tôi đứng dậy họ lại lau cái ghế đó. Bác sĩ không khám trực tiếp cho tôi, ngay cả khi ông ta đeo găng tay. Người ta hỏi tôi về triệu chứng và kê đơn cho tôi. Tự tôi phải đi mua thuốc”. Đó là lời ngậm ngùi của một người nhiễm HIV trả lời phỏng vấn Dự án Policy (dự án đánh giá các nhu cầu hỗ trợ phòng chống AIDS tại TP.HCM, do Úc thực hiện) về vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử.

Một người nhiễm HIV khác cũng cho biết: “Tôi bị sốt trong ba ngày liền và được nhập viện. Nhưng khi tôi nói rằng mình bị nhiễm HIV, không ai dám động vào người tôi. Họ cho rằng đây là một ca trầm trọng và tôi phải chuyển sang bệnh viện khác”.

Một bệnh nhân tâm sự: “Tôi đang làm việc cho chương trình phòng chống AIDS. Tôi không dám thừa nhận điều này với chủ cho thuê nhà. Tôi chỉ nói là mình làm việc như một cán bộ xã hội. Nếu tôi nói thật, chủ nhà có thể không cho tôi thuê nhà nữa”.

Không chỉ trong hội thảo thông qua Dự án Policy, mà hầu như ở bất cứ cuộc họp, hội nghị nào về phòng chống HIV/AIDS chúng ta cũng được nghe nhắc đến câu nói “không nên (hoặc vẫn còn) sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”! Ai cũng biết sự kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm đang xảy ra ở mọi nơi và rộng khắp. Ai cũng biết điều này là mối lo ngại lớn nhất của người nhiễm. Và ai cũng biết hậu quả của sự kỳ thị, phân biệt đối xử này có thể sẽ khiến họ không hoặc khó tiếp cận được với các dịch vụ y tế, không được điều trị chăm sóc đúng mức khi có bệnh. Có thể khiến họ không chốn nương thân. Và có thể khiến họ chết trong cô đơn, lạnh lẽo... ngoài góc phố, công viên.

Khi có người nhiễm HIV cũng là lúc bắt đầu có sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Và hơn mười mấy năm trôi qua, sự kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm vẫn còn đó. Những nhà hoạch định chính sách phòng chống AIDS đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn điều này.

LÊ THANH HÀ