Khi những người lính chống AIDS
Các Website khác - 29/12/2005

Lúc tôi cùng thiếu ta Nguyễn Thanh Hoàng, trưởng ban Phụ nữ quân khu 9, và thiếu tá Trần Thị Kim Tuyến, chủ tịch Hội phụ nữ Lữ đoàn Công binh 25, đến nhà anh T.V.M, người nhiễm HIV, đang ở trong khu tập thể doanh trại Quân đội nhân dân ở thị xã Vĩnh Long, thì anh V.M đang ngồi bên bàn máy may mũ; vợ anh- chị L.B.B, ngồi ở bàn máy may khác, may túi xách. Đây là 2 mặt hàng mà anh chị nhận may gia công cho 1 cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong góc học tập, con trai của anh chị đang học bài. Ngoài sân, đứa lớn chơi bắn bi cùng các bạn. Khung cảnh của khu tập thể thật êm đềm, nhà cửa nơi đây đều được các gia đình bộ đội giữ gìn cẩn thận, sân của nhiều nhà được trang trí bằng nhiều chậu hoa cảnh xinh tươi.

Đỡ gói quà từ tay thiếu tá Nguyễn Thanh Hòang, chị L.B.B chớp chớp mắt:

-Các bác cứ cho quà mãi! Đến thăm chúng em là quý lắm rồi. Bác Tuyến cũng vừa tặng chúng em bộ bếp gas.

- Có gì đâu-Thiếu tá Thanh Hòang dịu dàng, nhân dịp công tác qua đây, chúng tôi tranh thủ thăm anh chị và các cháu, có chút quà của hội phụ nữ Quân khu gửi anh chị.

Anh V.M vừa rót nước mời khách vừa khoe:”cũng nhờ sự động viên, chia sẻ của các anh em trong đơn vị, nhất là khu tập thể này, giúp vợ chồng em có niềm tin vào cuộc sống. Từ khi ra viện đến nay, em lên được 13kg…Mỗi khi dự đám cưới, đám giỗ em cụng ly đủ các lựơt không kém ai đâu”

-Vẫn chưa bỏ được tật nhậu tới bến các bác à-Chị B.B vui vẻ mách với chị Thanh Hoàng- mới tuần rồi, ảnh đi đám giỗ nhà bạn, ở tới tối. Về đến nhà, say quá, ảnh té trước thềm nhà, trúng bậc cửa, máu chảy lênh láng. Em lúynh quýnh chưa biết làm gì thì chị Tám bên cạnh đã gọi điện báo cho chú Nghê. Vậy là chú ấy chạy qua ngay, chăm sóc và bang bó vết thương cho nhà em, lại cấp thuốc nữa…cũng phải đi cà nhắc mấy ngày, hôm nay mới khỏi đấy.

Chú Nghê là y sỹ Trần Văn Nghê, phụ trách trạm y tế của đơn vị. Anh Nghê cùng với thiếu tá Trần Thị Kim Tuyến là những người gắn bó, luôn kề cận với vợ chồng anh T.V.M trong thời gian đầu khi hai vợ chồng có kết quả dương tính với HIV, giúphọ rất nhiều để vượt qua mặc cảm của người nhiễm.

Chúng tôi đang nói chuyện thì một số anh chị của khu tập thể sang chơi, góp cho câu chuyện thêm rộn rã. Dân Nam Bộ mà! Thấy nhà anh V.M có khách, người thì mang sang nải chuối, người hộp bánh, lại có cặp bánh tét của một nhà mới đi dự đám giỗ về.

Năm 2002, anh V.M được biết mình bị HIV khi đang điều trị bệnh ho và sốt kéo dài tại bệnh viện 121, quân khu 9. Qua xét nghiệm người trong gia đình, vợ anh cũng dương tính, song hai cậu con trai đều âm tính. Khi hay tin vợ chồng anh V.M nhiễm HIV, đơn vị của anh đã mở rộng cánh tay nhân ái, giúp đỡ, chia sẻ đế anh chị mau chóng lấy lại niềm tin; bố trí cho anh V.M công việc nhẹ nhàng. Ban phụ nữ tìm công việc sản xuất để anh, chị làm thêm, tăng thêm thu nhập. Bây giờ hai anh chị sống lạc qua; mỗi buổi chiều anh thường chở chị và 2 đứa con trên chiếc xe Dream lên cầu Mỹ Thuận hóng mát và sau đó đi dạo ở thị xã Vĩnh Long. Cả hai hi vọng: Y khoa thế giới sẽ mau tìm ra thuốc điều trị HIV. Cán bộ của cơ quan phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long mỗi khi đi công tác ngang qua doanh trại, cũng tranh thủ đến thăm và tặng vợ chồng anh chị tài liệu về phòng chống HIV/AIDS.

…Có thể nói,một trong những thành quả nổi bật của lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong công cuộc chống HIV/AIDS là đã hình thành được tầm nhìn đúng đắn cho toàn quân về đại địch, có thái độ hành xử tốt, không phân biệt xa lánh với người nhiễm. Nếu trước đây, cán bộ chiến sỹ nào bị nhiễm đều phải ra quân ngay; đến nay, trừ khi họ bị nhiễm do sử dụng ma túy, các trường hợp còn lại ít nhiều đều được đơn vị cảm thông, chia sẻ…Để có được thành công này, thời gian qua, đặc biệt từ năm 2003, công tác phòng chống HIV được quân khu đẩy mạnh, bởi lãnh đạo quân khu nhận định:Dù môi trừơng quân đội không có điều kiện để căn bệnh HIV tồn tại. Song, bằng nhiều con đường, HIV vẫn, đã và đang tấn công vào lực lượng vũ trang quân khu.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi quân khu 9 đóng quân có 12 tỉnh thành, ngoài việc nhiều đơn vị thường phải công tác xa gia đình dài ngày, đến những vùng có nguy cơ cao; còn là mối nguy hiểm từ đường biên giới dài hơn 200km và nhiều cửa khẩu thông thương sang nước bạn thuộc 3 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Từ năm 1994, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS Quân khu được thành lập, công tác phòng chống HIV được triển khai sâu rộng trong tòan dân. Đặc biệt đi đầu trong cuộc chiến này là ban phụ nữ quân khu. Từ năm 2003 đến nay với hỗ trợ kinh phí từ trung ương và kinh phí từ quân khu, phụ nữ quân khu đã hướng dẫn cơ sở tổ chức hơn 300 điểm tuyên truyền, mở trên 160 lớp tập huấn- mỗi lớp khoảng 2000 học viên, phát hơn 75 ngàn cuốn sổ tay, 95000 bướm, 17 ngàn áp phích và 330tấm băng rônđến các đại đội và trung đội. Bên cạnh đó, cục chính trị đã tổ chức tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt của các đơn vị về kỹ năng sống, tham vấn và phòng ngừa HIV. Sau khi được tập huấn lực lượng này tổ chức tuyên truyền giáo dục trong đơn vị và địa phương.

Đan Phượng

Tạp chí AIDS và Cộng Đồng