Hỏi: Ðề nghị báo cho biết chế độ đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người trực tiếp quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS?
HÀ LINH (Hải Phòng)
Trả lời: Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, không nơi nương tựa, tự nguyện và đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được hưởng các chế độ trợ cấp, hỗ trợ sau: Sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất là 140.000 đồng/người/tháng; các khoản trợ cấp theo quy định tại Ðiều 11 của Nghị định số 07 ngày 9-3-2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội; được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội mức 100.000 đồng/người/năm.
Trẻ em nhiễm HIV/AIDS đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất bằng 210.000 đồng/trẻ em/tháng và các khoản trợ cấp theo quy định tại Ðiều 11 của Nghị định số 07 ngày 9 - 3 - 2000 của Chính phủ; được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội mức 100.000 đồng/người/năm.
Người nhiễm HIV/AIDS sống tại cộng đồng, do xã, phường quản lý, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định tại Quyết định số 170 ngày 8-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 được hưởng mức trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên thấp nhất do xã, phường quản lý 65.000 đồng/người/tháng.
Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được hưởng các chế độ theo Quyết định số 265 ngày 16-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Cán bộ, viên chức y tế làm các công việc trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được hưởng mức phụ cấp 50% trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
PHƯƠNG ANH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
....................................................
Quy định về tạm đình chỉ công tác
Hỏi: Ðề nghị báo cho biết quy định của Nhà nước về việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật.
HOÀNG HOA (Ninh Bình)
Trả lời: Nghị định số 35/2005/NÐ-CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ "Về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức", quy định việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật như sau:
- Trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật, cán bộ, công chức có thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý ra quyết định tạm đình chỉ công tác nếu xét thấy cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xác minh hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm.
- Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày. Trường hợp đặc biệt do có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ, thì có thể kéo dài, nhưng không được quá ba tháng.
- Hết thời hạn tạm đình chỉ công tác, nếu cán bộ, công chức chưa bị xử lý kỷ luật thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý phải bố trí cán bộ, công chức về vị trí công tác cũ hoặc bố trí công việc phù hợp.
- Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, cán bộ, công chức được hưởng 50% số tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được truy lĩnh phần tiền lương và phụ cấp (nếu có) còn lại trong thời gian tạm đình chỉ công tác, thời gian tạm đình chỉ công tác được tính vào thời gian để nâng bậc lương. Trường hợp cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật thì không được truy lĩnh phần tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) còn lại, thời gian tạm đình chỉ công tác tính đến khi có quyết định kỷ luật không được tính là thời gian để nâng bậc lương.
Luật gia NGUYỄN MINH
|