Trong hơn hai chục năm trở lại đây, thế giới phải đương đầu với một đại dịch lớn. Ðó là sự lây nhiễm của virus HIV gây nên căn bệnh AIDS, "căn bệnh thế kỷ" bởi tốc độ lan tràn nhanh chóng và sự tàn phá khủng khiếp của nó. HIV/AIDS không chỉ tác động trực tiếp tới sức khỏe, sinh mạng của mỗi con người, ảnh hưởng xấu tới đời sống của từng gia đình, mà nó còn tác động tiêu cực sâu sắc tới sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của mọi quốc gia và cả thế giới. Công tác phòng, chống AIDS đã được phát động như là một cuộc chiến trên quy mô toàn cầu, với sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội, thu hút không ít công sức và tiền của song kết quả thu được cũng chưa được như mong muốn, đại dịch này vẫn đang là một hiểm họa của nhân loại.
Từ lâu nay, không ít người trong chúng ta vẫn còn lẫn lộn coi HIV/AIDS như một tệ nạn xã hội bởi bệnh dịch này có căn nguyên gắn liền với việc sử dụng ma túy và mại dâm. Với một người không may bị nhiễm HIV/AIDS, bất kể họ bị nhiễm từ con đường nào cũng khó nhận được sự cảm thông từ lòng vị tha, độ lượng, chỉ thấy phổ biến là thái độ khinh rẻ, nghi ngờ. Cùng với nỗi ám ảnh về sự lây lan khủng khiếp của căn bệnh này, người ta càng ghê sợ, ngại tiếp xúc, tìm cách tránh xa nhằm tạo sự an toàn cho bản thân. Rõ ràng đây là một lệch lạc về nhận thức.
Ðành rằng trong số họ, có nhiều người do những hoàn cảnh khác nhau đã không làm chủ được mình, bị sa ngã song không ít người đã trở thành nạn nhân từ những người thân của họ. Họ là những người vợ bị lây nhiễm từ chồng, những đứa trẻ mà khi sinh ra đã mang HIV trong dòng máu từ cha mẹ truyền cho. Họ đáng được xã hội chia sẻ, cưu mang giúp đỡ. Tiếc rằng, do phải chịu đựng nhiều áp lực từ sự kỳ thị với thái độ ghẻ lạnh, ghê tởm, hắt hủi của những người chung quanh, cùng với hành vi phân biệt đối xử, họ không được hưởng sự bình đẳng như mọi người, không kiếm được việc làm, không có nguồn sống ổn định; lúc phát bệnh lại không được gia đình, người thân chăm sóc, nhiều trường hợp bị "khoán trắng" cho cơ sở y tế, bị bỏ rơi cho đến lúc chết. Thực tế đó đã vô tình đẩy họ vào bước đường cùng, lo lắng, bi quan, tiêu cực, có trường hợp đã tự tử vì tuyệt vọng, hoặc ngược lại càng sống buông thả với thái độ bất mãn "trả thù đời" và hậu quả càng làm cho bệnh ngày càng lan rộng.
Cũng vì lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên người nhiễm HIV/AIDS càng ngại ngần, không muốn đi xét nghiệm hoặc điều trị, giấu giếm không tìm kiếm sự giúp đỡ, tạo cho căn bệnh này đi vào bí mật, gây trở ngại lớn cho các nỗ lực phòng chống của xã hội.
Những người nhiễm HIV/AIDS đang rất cần có sự đồng cảm, giúp đỡ, sẻ chia của các tổ chức chính quyền, đoàn thể trong nước và quốc tế, trong đó không thể thiếu vai trò của các cán bộ, hội viên của Hội Chữ thập đỏ, nhất là ở cấp cơ sở. Hội viên có điều kiện gần gũi, lại từng có kinh nghiệm hoạt động xã hội nên dễ dàng tiếp cận những người bệnh đang tìm cách trốn tránh mọi sự quan tâm. Ðây cũng chính là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tình nguyện có nhiệm vụ tư vấn, động viên hỗ trợ trong các mặt của đời sống tinh thần và vật chất, giúp cho người nhiễm HIV/AIDS có đủ nghị lực và niềm tin để có thể yên tâm sống và làm thêm những việc có ích cho cuộc đời. Không những giúp họ chiến thắng được chính mình, vượt qua sự mặc cảm bản thân mà còn tham gia tích cực vào những hoạt động giúp đỡ các bệnh nhân AIDS khác, như trường hợp cô Phạm Thị Huệ - một trong số 20 "Anh hùng châu Á năm 2004" vừa được tạp chí Time bầu chọn là một thí dụ. Tại nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, đại diện cho những người nhiễm HIV/AIDS, cô luôn nhắc đi nhắc lại một thông điệp: "Sự kỳ thị không phải là thuốc chữa. Người bệnh chưa chết vì bệnh nhưng có thể chết vì bị kỳ thị". Cô đã cho mọi người thấy "Sự kỳ thị, xa lánh người bệnh hoàn toàn không có ích trong việc phòng chống HIV... Người bệnh cần sự cảm thông, chia sẻ".
Sắp tới, khi triển khai việc điều trị bằng thuốc ARV giá rẻ trên toàn quốc cho tất cả những người nhiễm HIV/AIDS thì hội viên Chữ thập đỏ sẽ là lực lượng phối hợp với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế các cấp trong việc phát hiện người bệnh, tư vấn về dinh dưỡng, dự phòng lây nhiễm, và trực tiếp chăm sóc, theo dõi việc uống thuốc của người bệnh nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất và tránh kháng thuốc. Bằng các việc làm thiết thực, các hội viên sẽ có đủ uy tín để lôi kéo mọi thành viên trong xã hội tham gia các hoạt động chung, tuyên truyền vận động mọi người thay đổi nhận thức, xóa bỏ thái độ kỳ thị và các hành vi phân biệt đối xử đối với những người lầm lỡ và bất hạnh.
Trong ảnh: Phạm Thị Huệ, một trong 20 Anh hùng châu Á - trên tạp chí Time.
|