KÝ SỰ HÀ THÀNH Những người sống cùng "ết" Hải Phong Như một lẽ tự nhiên, những người nhiễm phải con virút cầu gai ở giai đoạn cuối, khi chuyển thành "ết", lại muốn níu kéo cuộc đời biết bao. Thế nhưng, cũng nghiệt ngã thay, chính đó là lúc không ít người trong số họ lại bị gia đình bỏ rơi, xa lánh. Lúc đó, họ thèm biết bao một sự ân cần chăm sóc, động viên hay chỉ đơn giản là một nụ cười gần gũi, một ánh mắt thân thiện. May thay, vẫn có những con người xa lạ sẵn sàng đưa tay ra nắm lấy tay họ. Tôi gọi họ là "những người sống cùng "ết"". "Ngôi nhà AIDS" ![]() Gần 10 năm sống và làm việc với các bệnh nhân HIV/AIDS giúp anh Tuấn có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về những con người thiếu may mắn này. "Đa phần các BN bị nhiễm HIV/AIDS đều do nghiện ma tuý mà ra, vì thế tất cả đều nghèo. Đã là con nghiện ma tuý thì rồi giàu mấy cũng thành khuynh gia bại sản cả. Gần đây thì lại tăng số lượng BN nhiễm qua đường tình dục. Nhưng khổ nhất là những người vợ bị oan. Chồng nghiện, chồng đi chơi lăng nhăng ở ngoài rồi về nhà đổ bệnh cho họ. Chồng bị trước nên yếu trước, cứ nằm liệt giường. Thế mà vợ vẫn cứ ân cần chăm sóc không một lời kêu ca, phàn nàn dù biết rằng mình cũng khó tránh khỏi cái kết cục đáng sợ ấy. Thế mới thấy phụ nữ họ chịu đựng giỏi thật!". Anh lại thủng thẳng tiếp: "Còn muốn tìm hiểu về nỗi vất vả của các nhân viên y tế ở đây, xin mời theo tôi"... "Ết" không có nghĩa là "hết" "Đơn giản thôi, chúng tôi nghĩ mình phải đem lại hy vọng cho họ khi đã vào đây, dù đó là chút hy vọng rất mong manh. Chúng tôi vẫn phải giúp họ sống, dang tay ra với họ khi họ đã bị chính gia đình xa lánh. Chúng tôi muốn họ hiểu rằng "ết" không có nghĩa là "hết""- y tá trưởng Khoa Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Nguyễn Thị Hiền tâm sự về công việc thường ngày của chị và các đồng nghiệp. Cả khoa hiện có 13 điều dưỡng thì có tới 11 người là nữ, trong đó đa phần là các cô gái trẻ mới tốt nghiệp trung cấp y được một vài năm. Chị Hiền vẫn vừa cắm cúi vào cuốn sổ vừa tiếp câu chuyện: "Số lượng BN ngày càng nhiều, trung bình mỗi tháng chúng tôi phải đón từ 30 - 40 BN. Vậy mà số lượng y tá, hộ lý, điều dưỡng chỉ có hạn nên nhiều khi anh chị em phải căng sức ra mà làm. Mà công việc thì vừa vất vả lại lắm rủi ro, nhiều người chẳng may bị phơi nhiễm sợ mất ăn mất ngủ tới cả năm trời mới hết lo. Đấy là chưa nói tới chuyện gia đình, người thân nhiều lúc cũng thấy e dè, ái ngại vì công việc của mình". Chị Hiền kể, những điều dưỡng viên ở đây đều ít nhất đã một vài lần phải thót tim vì những tai nạn nghề nghiệp. Một chị trong một lần điều trị cho BN HIV/AIDS đã bị chiếc kim vừa dùng để lấy máu cho BN chọc vào tay chảy máu. Chị bị phơi nhiễm. Một tuần sau, BN này qua đời. Chị lo sợ và hoang mang vô cùng nhưng vẫn phải giấu gia đình, chồng con không cho ai biết, âm thầm uống thuốc điều trị. Trong vòng 1 năm trời, chị luôn sống trong nỗi ám ảnh cái chết đang cận kề. Thế rồi may mắn thay, mọi chuyện cũng qua nhưng đối với chị, đó là những ngày tháng không thể nào quên trong đời. Một chị điều dưỡng viên khác, trong khi đang lấy ven cho BN HIV/AIDS ở bẹn thì máu trào ra ngoài xối xả, bắn hết lên cả người chị. Nhưng lúc đó tính mạng BN là quan trọng nhất nên chị vẫn bình tĩnh dùng tay giữ chặt chỗ bị vỡ, sau đó thực hiện các thao tác cấp cứu và băng bó cho BN. Đến khi cấp cứu xong, ra tắm giặt, tẩy trùng mới thấy sợ. Lúc đó chỉ cần có một vết xước ở trên người hay ở tay thì hậu quả thật khó lường. Nhưng, đó là những điều mà bất cứ người sống cùng "ết" nào ở Khoa Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới này đều gặp phải. Bởi vậy, họ coi đó như một rủi ro trong công việc của mình, trên tất cả là trách nhiệm của mình đối với người bệnh. Những nữ điều dưỡng trẻ như Mai Hương, Vân Anh hay Chi đều mới chỉ ra trường được một vài năm. Họ thú nhận lúc đầu mới nhận công việc này cũng thấy ngại lắm. Nhưng rồi, xác định đây là cái nghiệp của mình rồi nên vẫn cứ làm. Và làm mãi rồi quen. Những chuyện như giữa đêm vắng phải khâm liệm cho những BN HIV/AIDS mới tử vong rồi chuyển xuống nhà xác là chuyện bình thường với các nữ điều dưỡng trẻ ở đây. Khoảng tới 70% các BN HIV/AIDS khi nhập viện đều đã ở giai đoạn cuối, có người chỉ sống được 1 vài ngày, thậm chí có người chỉ được 1 vài giờ là tử vong. Nhiều người trong số họ khi vào đây không có người thân thích nên mang trong mình mặc cảm bị bỏ rơi, vì thế luôn tỏ ra bất hợp tác và cản trở công tác của các nhân viên y tế. Có một BN mà chị Hiền không thể quên tên là Nguyễn Hoàng Hải, khi nhập viện cũng đang ở giai đoạn cuối, không người thân thích. Những ngày đầu, Hải yếu tới mức không đi lại, không ăn uống được nên các y tá, điều dưỡng viên phải cho BN ăn, uống, rồi dọn vệ sinh ngay tại chỗ. Một thời gian sau, sức khoẻ của Hải khá dần lên. Anh đi lại được. Cảm động trước sự chăm sóc nhiệt tình của những người thầy thuốc, anh rất nhiệt tình giúp đỡ lại các y tá, nhất là trong việc khuyên bảo những BN bất hợp tác. Hải nằm điều trị trong BV được 1 năm, cũng là BN nằm lâu nhất tại BV, thì mất. Anh Tuấn mời tôi tham dự một buổi sinh hoạt của CLB Đống Đa do Khoa mới thành lập, hiện đang có hơn 20 hội viên là những BN HIV/AIDS đang điều trị ngoại trú. Buổi sinh hoạt vào chiều thứ 3 hằng tuần, đặt ra những vấn đề cấp thiết nhất với những BN HIV/AIDS, 3 bác sĩ của Khoa sẽ lần lượt thay nhau giải đáp. Tôi lặng lẽ quan sát từng gương mặt. Hầu hết đều rất trẻ, người trẻ nhất mới vừa tròn 20. Họ sôi nổi tranh luận với anh Tuấn, rồi bàn tán, trò chuyện vui cười với nhau. Không có một sự khác biệt, một khoảng cách nào giữa họ với những người bình thường... "Thôi chúng ta cùng hát một bài cho vui, bài "Anh em ta về" nhé!", chị trưởng nhóm khởi xướng và bắt nhịp: "Anh em ta về cùng nhau ta quây quần nè/1,2,3,4,5/Anh em ta về cùng nhau ta xum họp nè/ 1, 2, 3, 4, 5/Một đều chân bước/Hai quay nhìn nhau đi/Ba cầm tay chắc nhé. Không muốn ai chia lìa. Không muốn ai chia lìa...". ...Tôi chợt thấy mắt mình cay cay. Xung quanh tôi, tiếng vỗ tay vẫn nhịp đều theo lời bài hát. |
▪ Chị Huệ 'AIDS' (27/11/2004)
▪ 42 người sau cai nghiện được ký hợp đồng lao động (26/11/2004)
▪ Đi ươm tình người (26/11/2004)
▪ Ðem lại niềm tin cho những con người bất hạnh (24/11/2004)
▪ Ngày hội của hơn 100 người nhiễm HIV/AIDS (23/11/2004)
▪ Một chữ "tình" (19/11/2004)
▪ Đám cưới tập thể người sau cai: Nước mắt hạnh phúc! (19/11/2004)
▪ Thêm thủ tục “hành” người cai nghiện hồi gia (18/11/2004)
▪ Quyền lao động của người có HIV: tự do xâm phạm (18/11/2004)
▪ Đề án sau cai ở TP.HCM: Đã được thực tế khẳng định tính khả thi (18/11/2004)